Những trận đấu kỳ lạ thay đổi thế giới: Bóng đá hàn gắn mối quan hệ Mỹ - Iran

08/05/2016 09:59 GMT+7

Đến nay, những trận đấu thăng hoa của tuyển Iran ở World Cup 1998 vẫn in dấu sâu đậm trong lòng người hâm mộ nước này, góp phần mang lại khoảnh khắc hạnh phúc và quan hệ tốt hơn với Mỹ sau những biến cố của đất nước.

Đến nay, những trận đấu thăng hoa của tuyển Iran ở World Cup 1998 vẫn in dấu sâu đậm trong lòng người hâm mộ nước này, góp phần mang lại khoảnh khắc hạnh phúc và quan hệ tốt hơn với Mỹ sau những biến cố của đất nước.

Bóng đá hàn gắn mối quan hệ Mỹ - IranTấm ảnh lưu niệm của tuyển Mỹ và Iran đã trở thành biểu tượng đẹp trong lịch sử bóng đá thế giới - Ảnh: Reuters
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo rúng động thế giới cuối thập niên 1970, bóng đá Iran mất tăm trên bản đồ thế giới khi thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ. Ngoài bóng đá, tất cả các môn thể thao đều bị bỏ quên trong khi người dân Iran phải sống trong cảnh thống khổ vì đất nước sa lầy vào cuộc chiến tranh với Iraq. Team Melli (biệt danh của tuyển Iran) rút khỏi vòng loại World Cup 1982 và từ chối tham gia sự kiện này 4 năm sau đó do bị buộc phải thi đấu trên sân trung lập.
Hồi sinh sau 2 thập niên
Chiến tranh và rắc rối chính trị còn khiến bóng đá trong nước “đóng cửa”. Khoảnh khắc hạnh phúc và đoàn kết dân tộc nhờ những chiến thắng của tuyển quốc gia trong 3 lần đăng quang Asian Cup (năm 1968, 1972, 1976) và góp mặt ở VCK World Cup 1978 chỉ còn trong ký ức.
Mãi đến gần 2 thập niên sau, bóng đá Iran mới bắt đầu hồi sinh nhờ chính sách thông thoáng của đất nước và đã sản sinh ra một thế hệ đầy tài năng như Karim Bagheri, Khodadad Azizi, Mehdi Mahdavikia và Ali Daei. Hai cuộc đấu play off với Úc tranh vé dự World Cup 1998 giúp người hâm mộ Iran được tận hưởng giây phút toàn dân tộc được nắm tay nhau ăn mừng hiếm hoi đồng thời mở ra tia hy vọng về cuộc sống tươi sáng hơn. Lúc đó sức mạnh bóng đá trỗi dậy đến mức khó tin ở quốc gia Hồi giáo khi gần 130.000 người, trong đó có cả phụ nữ, chen chúc nhau vào sân Azadi trong trận lượt đi gặp Úc (hòa 1-1). Ít ngày sau ở trận lượt về tại Melbourne, Iran dũng mãnh cầm chân chủ nhà Úc 2-2 và đoạt vé đến Pháp nhờ luật bàn thắng sân khách. Theo mô tả của báo giới quốc tế, mọi người dân trên khắp Iran đều đổ xuống đường, nhảy múa, hô vang khẩu hiệu niềm tự hào dân tộc. Họ bất chấp những cảnh báo trừng phạt của chính phủ, điều cấm kỵ để uống rượu, thậm chí phụ nữ ném bỏ cả khăn trùm đầu trước sự bất lực của Kommiteh (cảnh sát đạo đức công cộng ở Iran), trong đó chiến binh được mời đến để chung vui. Cuộc ăn mừng gây sốc và phấn khích tột độ của người dân Iran ngày ấy được gọi là “cuộc cách mạng bóng đá”.
Hòa bình trên sân cỏ
Lễ bốc thăm chia bảng World Cup 1998 đem đến một sự trùng hợp kỳ lạ khiến cả thế giới rúng động: Iran nằm chung bảng F với Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ việc 2 quốc gia đang coi nhau như thù địch kể từ khi Iran thực hiện cuộc cách mạng lật đổ chính phủ thân Mỹ vào năm 1979. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran trên sân Stade de Gerland (Lyon) trở thành điểm nóng nhất về an ninh và khiến BTC phải đau đầu.
“Trước trận, Iran được là đội B, còn Mỹ là đội A. Theo quy định của FIFA, đội B sẽ đi về phía đội A để bắt tay nhưng lãnh đạo Iran ra lệnh không cho đội tuyển sang bắt tay đội Mỹ”, Mehrdad Masoudi, một nhân viên truyền thông FIFA gốc Iran, nói về sự căng thẳng giữa 2 quốc gia trước trận đấu. Tuy nhiên, sau một cuộc đàm phán nhanh, trên tinh thần thể thao, người Mỹ đã nhượng bộ sang bắt tay Iran. Dẫu vậy, điều khiến FIFA lo sợ nhất chính là một thông tin tình báo tiết lộ một nhóm khủng bố khoảng 7.000 người được tài trợ bởi Saddam Hussein đã mua vé vào sân để quấy rối. Tình thế trên buộc chủ nhà Pháp phải điều động lực lượng chống bạo động đến sân.
Thế nhưng, trong khi dư luận tưởng chừng như nhiều điều tệ hại sẽ ập đến trận đấu thì tinh thần của môn thể thao “vua” đã chiến thắng, thậm chí còn vượt ngoài mong đợi khi Iran đánh bại Mỹ 2-1 nhờ 2 pha lập công của Hamid Estili và Mehdi Mahdavikia. Sau khi tiếng còi kết thúc, cầu thủ 2 đội trao tặng kỷ vật cho nhau, thậm chí còn chụp chung một bức ảnh lưu niệm. Ở Iran, người hâm mộ một lần nữa được sống trong không khí lễ hội tràn ngập suốt nhiều ngày và tuyệt nhiên không có tư tưởng chống Mỹ, theo AP.
Khoảnh khắc đẹp trong trận đấu tại Lyon giúp tuyển Iran và Mỹ giành giải thưởng fair play của FIFA năm đó. Chính tinh thần bóng đá ít nhiều xoa dịu sự đối đầu giữa 2 quốc gia như lời phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trước trận đấu được xem là “bóng đá chính trị nổi tiếng nhất lịch sử”: “Sự kiện này sẽ là một bước tiến tới chấm dứt sự ghẻ lạnh giữa 2 quốc gia và khuyến khích mối quan hệ tốt hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.