Phát hiện dòng võ của đại hiệp Cam Phụng Trì

23/03/2010 08:48 GMT+7

Tờ báo “Kim Lăng buổi chiều” (Trung quốc) vừa đưa một tin gây chấn động võ lâm: Hiệp hội võ thuật TP. Nam Kinh đã phát hiện ra môn phái Kim Gia quyền thuộc Thiếu Lâm Nam phái tại Nam Kinh là dòng truyền chính của đại hiệp Cam Phụng Trì-một trong tám nhân vật võ lâm lừng danh nhất đời Khang Hy, Ung Chính triều Thanh.

Kim Gia Phúc quyền sư

Tờ báo “Kim Lăng buổi chiều” (Trung quốc) vừa đưa một tin gây chấn động võ lâm: Hiệp hội võ thuật TP. Nam Kinh đã phát hiện ra môn phái Kim Gia quyền thuộc Thiếu Lâm Nam phái tại Nam Kinh là dòng truyền chính của đại hiệp Cam Phụng Trì-một trong tám nhân vật võ lâm lừng danh nhất đời Khang Hy, Ung Chính triều Thanh.

Đệ tử đời thứ 6

Chưởng môn Kim Gia quyền đời thứ 6 hiện nay là Lý Tích Như, 67 tuổi, tráng kiện như thanh niên. Khi gặp các nhà báo, câu đầu tiên ông nói là: “Các anh đến sớm hơn 10 năm thì tốt biết bao!”.

Kim Gia quyền vốn nổi tiếng từ cuối đời Thanh từ sau Cam Phụng Trì truyền sở học cho dòng họ Kim đến đời thứ 2, đứng đầu là Kim Gia Phúc. Một dải vùng Giang Nam, giới võ lâm truyền tụng câu “Kim Gia quyền, Đới Gia công”. Kim Gia Phúc là dân tiêu cục, xem võ công là mạng sống, từ 7 tuổi đã luyện Đồng tử công, sau phát triển Kim Gia quyền, luyện thành nhiều môn công phu đặc dị. Kim Gia Phúc truyền cho con là Kim Sĩ Minh, Kim Sĩ Minh không có con trai, mới truyền hết bí kíp Kim Gia quyền cho Lý Tích Như. Họ Lý trở thành đệ tử đời thứ 6 của Cam Phụng Trì.

Môn võ thực dụng

Lý Tích Như không hề giấu giếm rằng với trình độ võ công của ông hiện nay có thể đoạt mạng người trong một chiêu như chơi. Từ năm 12 tuổi ông đã theo thầy Kim khắc khổ luyện tập. Trừ giai đoạn “cách mạng văn hóa” không dám luyện võ múa quyền, còn lại bao nhiêu năm ngày nào cũng luyện 3-4 tiếng.

Kim Gia quyền có hệ thống hoàn chỉnh, bài bản quyền pháp nổi tiếng có Yến Thanh quyền, Thiếu Lâm quyền, Đại-tiểu Hồng quyền, Mai hoa trang, Bát đoạn cẩm, ngự cốt, cầm nã và các món binh khí. Môn võ này không hoa hòe, đòn thế lấy thực chiến làm chính, lối đánh ngắn hiểm, mạnh bạo. Lý Tích Như nói luyện môn võ này lúc đầu cũng giống như luyện thư pháp, mỗi chiêu mỗi thức phải thật chính xác, nghiêm chính, kình lực đầy đủ, không được nóng vội. Luyện tập lâu ngày, tâm lực hội đủ, tự nhiên thấu hiểu được sự ảo diệu bên trong.

Nhiều công phu thất truyền

Là một truyền nhân của Nam Thiếu Lâm, tháng 4.2008, Lý Tích Như được Tổ đình Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn, Hà Nam mời về tham gia Hội thảo nghiên cứu võ thuật Thiếu Lâm. Lý Tích Như cho biết ngay nơi được mệnh danh là “Võ lâm Bắc đẩu” thực ra chỉ còn cái “danh” chứ cái “thực” ít lắm. Ông nhận xét quyền pháp của các hòa thượng Thiếu Lâm: “Tới lui đều chỉ theo đường thẳng, chiêu thức cả bài quyền thì giản hóa chỉ còn mấy chục động tác”.

Lý Tích Như cũng thẳng thắn nói rằng, Kim Gia quyền của ông có nhiều bài bản ông không học được và đã thất truyền. Sư công Kim Gia Phúc từng luyện được 3 tuyệt kỹ của Cam đại hiệp là Bích hổ du tường công, Nhất chỉ thiền và Hoài tâm cước. Bích hổ du tường công có thể bám vào bức tường thẳng đứng leo lên tựa như con thằn lằn. Nhất chỉ thiền còn gọi là “Thôi mộc thành tào”, dùng ngón tay vuốt lên làm lõm gỗ. Hoài tâm cước có thể đá với tốc độ cực nhanh và cường độ cực mạnh, lực sát thương khủng khiếp. Nhờ võ nghệ cao cường, hơn 70 tuổi, Kim Gia Phúc còn được mời làm tổng giáo đầu kiêm trưởng môn Thiếu Lâm tại Quốc thuật quán Giang Tô.

Lý Tích Như nói rằng ngày nay hầu hết xem tập võ như một môn thể dục sau giờ đi học, đi làm, không mấy ai nghiên cứu võ công để cầu đạt tới một cảnh giới nào đó, vì thế chuyện công phu thất truyền là đương nhiên. Nhân tài võ thuật ở các môn phái cũng ngày càng hiếm. Không riêng gì Kim Gia quyền, các môn phái khác nếu không sớm chỉnh lý bài bản, tìm kiếm truyền nhân, phát dương môn phái thì dần dần sẽ biến mất khỏi võ lâm.

Cam Phụng Trì truyền kỳ

Theo “Thanh sử cảo. Cam Phụng Trì truyện”, Phụng Trì người Giang Ninh, Giang Tô, tinh thông Nội gia quyền, từ nhỏ có tiếng là dũng lực, nhưng tướng mạo nho nhã, tuấn tú, người gặp đều không tin là võ sĩ. Thường nói với người rằng: “Sức ta không quá người thường, sở dĩ có thể thắng được mọi người là nhờ ở chỗ mượn sức để chế người đó thôi”.

Cam Phụng Trì từng theo Hoàng Bách Gia-con trai của nhà tư tưởng nổi tiếng Hoàng Tông Hy-luyện tập Nội gia quyền. Về sau theo Nhất Niệm hòa thượng học Thiếu Lâm quyền, luyện thành nhiều công phu đặc dị như bay múa kiếm trên hoa hải đường, đi trên vách đứng như đi trên đất…

Cam Phụng Trì thiếu thời từng du hành kinh sư Bắc Kinh. Thị vệ thân vương là Trương Đại Nghĩa nổi danh vũ dũng, nghe tiếng Cam Phụng Trì liền đòi thách đấu. Phụng Trì mấy lần từ chối không được phải nhận lời. Đại Nghĩa cao lớn mạnh mẽ, ngón chân có đeo móng sắt, bay đến đá một cước, Phụng Trì thoái bộ sang bên, lấy tay phất vào chân Nghĩa, Nghĩa lập tức té nhào, máu chảy ướt giày. Tháo giày ra xem thì thấy móng sắt đeo ở ngón chân lún sâu vào trong thịt.

Theo “Thanh bại loại khảo”, Cam Phụng Trì đi chơi vùng Giang Bắc, đến trấn Huỳnh Kiều, huyện Thái Hưng vì hết tiền nên phải ra chợ biểu diễn võ thuật. Có tên ác bá họ Vương ở đấy “sức mạnh vô địch, ai đấu với họ Vương cũng đều thua, vang tiếng xa gần”. Họ Vương nhiều lần đến chỗ của Phụng Trì gây chuyện, Phụng Trì đều nhường nhịn. Họ Vương cho là sợ hắn nên vung quyền đánh tới, “Phụng Trì ưỡn bụng đỡ đòn, miệng nói “Đắc tội, đắc tội”, họ Vương đánh vào bụng Phụng Trì như va vào vách đá, bị bật văng ra sau làm vỡ bức tường”.

Phụng Trì tinh thông võ nghệ, giỏi nội công, “tay có thể bóp chì ra nước”, lại giỏi thuật hành khí, đạo dẫn trị bệnh. “Có con họ Đàm bị bệnh không chữa khỏi, Phụng Trì đua vào tịnh thất, ban đêm tựa lưng với người bệnh mà ngồi, qua 49 ngày thì bệnh khỏi hẳn”.

Thời Ung Chính nổi lên “Văn tự ngục”, tổng đốc Triết Giang là Lý Vệ bắt giam Cam Phụng Trì, sau được Ung Chính phê chuẩn ân xá, qua đời ở quê nhà, thọ hơn 80 tuổi. Cam Phụng Trì hành hiệp trượng nghĩa, cứu nhân độ thế, trong giang hồ lưu truyền nhiều giai thoại về hiệp khách họ Cam. Thực ra đây cũng là biểu hiện của giới võ lâm với Thanh triều.

Trong bộ “Nho lâm ngoại sử” nổi tiếng của Ngô Kính Tử, hình tượng nghĩa sĩ Phụng Minh Kỳ chính là lấy từ nguyên mẫu Cam Phụng Trì.

Hàn Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.