Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 27: Từ cô công nhân tới nhà vô địch thế giới

08/03/2013 00:00 GMT+7

Trong làng thể thao đỉnh cao, hiếm có vận động viên nào được như nữ võ sĩ wushu Nguyễn Phương Lan. Nói vậy bởi lẽ, khi đã yên bề gia thất và có một nhóc tì, Phương Lan mới tham gia dự tuyển vận động viên môn wushu do Sở Thể dục thể thao Hà Nội tổ chức để 5 năm sau, cô bước lên bục cao nhất tại SEA Games 19.

Trong làng thể thao đỉnh cao, hiếm có vận động viên nào được như nữ võ sĩ wushu Nguyễn Phương Lan. Nói vậy bởi lẽ, khi đã yên bề gia thất và có một nhóc tì, Phương Lan mới tham gia dự tuyển vận động viên môn wushu do Sở Thể dục thể thao Hà Nội tổ chức để 5 năm sau, cô bước lên bục cao nhất tại SEA Games 19.

Năm 1997, SEA Games 19 được tổ chức tại thủ đô Jakarta (Indonesia), Phương Lan đã làm nức lòng người hâm mộ nước nhà khi chính thức đoạt tấm HCV môn nam quyền nữ và HCB môn thương thuật nữ. Năm đó, Phương Lan đã 26 tuổi. Lứa tuổi mà lẽ ra, Phương Lan phải đoạt được tấm HCV từ mươi năm trước đó. Tuy nhiên, với những ai làm nghề, thì cả chặng đường mà cô trải qua sẽ khiến người ta phải nể phục.


Phương Lan cùng Thùy Linh, Thanh Tùng và cậu út quây quần bên mâm cơm - Ảnh: Minh Sang 

Phương Lan ban đầu chỉ tập luyện môn bơi lội, đạt thành tích VĐV cấp 1. 18 tuổi, khi sắp bước vào giai đoạn chín của sự nghiệp, cô gái có khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng như trứng gà bóc này bất ngờ quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Cũng một năm sau, Phương Lan hạ sinh Thùy Linh (SEA Games 24 Thùy Linh đoạt HCV môn nam quyền). “Nghỉ tập thể thao, lập gia đình cũng đồng nghĩa với việc phải cùng chồng lo toan kinh tế gia đình, nên lúc đó mình đã nộp đơn xin vào làm công nhân sản xuất tại Nhà máy bánh kẹo Hải Châu. Khi được nhận vào, mình cũng đêm hôm đứng ca làm kẹo như bao công nhân khác”, Phương Lan nhớ lại.

Nghỉ tập, lấy chồng, sinh con, nhưng “máu” thể thao như đã ngấm vào tận xương tủy, nên mới nghe loáng thoáng bạn bè kháo nhau Sở Thể dục thể thao Hà Nội mở lớp tuyển VĐV wushu, Phương Lan đã thấy chộn rộn khắp người liền ghi tên tập thử với mục đích tò mò cho biết và cũng chỉ nghĩ để tập cho khỏe. “Gia đình chẳng mấy mặn mà ủng hộ, gì thì gì mình cũng đã có chồng, con nhỏ rồi. Nhưng chưa kịp khuyên can thì mình đã được nhận. Vào đội rồi các chú, các anh chị cứ lo thể lực mình kém không theo kịp giáo án. Nhưng không hiểu sao, khi đó mình tập khối lượng bằng hai, bằng ba lần so với VĐV trẻ”. Nhờ tố chất thể thao sẵn có cộng với say mê tập luyện nên chẳng mấy chốc Phương Lan đã vượt lên trở thành VĐV hàng đầu và liên tiếp giành huy chương khu vực và thế giới trong suốt 10 năm.

Mẹ truyền con nối

Năm 2003, Phương Lan bắt đầu tham gia công tác huấn luyện môn taolu tại đội wushu trẻ quốc gia. Thời điểm đó, Vũ Thùy Linh, cô con gái bé bỏng ngày nào giờ đã là học trò của chị. “Mọi thứ đều có sự bù đắp, nếu trước đây mình đến với wushu muộn bao nhiêu, khó khăn biết nhường nào, với Thùy Linh thì ngược lại. Thùy Linh được hưởng tố chất thể thao từ mẹ, sống trong môi trường thể thao, từ những kinh nghiệm quý báu hun đúc được sau bao năm thi đấu xa nhà, mình đều truyền lại hết cho Thùy Linh”. Cũng như mẹ, Thùy Linh đi theo nội dung nam quyền. Nhưng có sự khác biệt, Thùy Linh làm quen với wushu từ lúc 5 tuổi.

Làm HLV, Phương Lan “lấn sân” sang làm trọng tài điều hành các giải thi đấu wushu quốc tế. Tới năm 2007 cô trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia môn taolu. Cùng năm và cũng là tròn 10 năm sau ngày Phương Lan lên ngôi cao nhất tại SEA Games 19, lần tổ chức SEA Games 24 trên đất Thái, Thùy Linh dưới sự dẫn dắt của mẹ đã xuất sắc giành HCV nội dung nam quyền toàn năng. Tại giải vô địch châu Á năm 2008, Thùy Linh giành HCV. Hôm chúng tôi có mặt trong ngôi nhà nhỏ khang trang trong ngõ Văn Hương, cũng là lúc Thùy Linh vừa cùng đoàn công tác bên VTV đáp chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội (Thùy Linh đang làm cộng tác viên cho VTV3 và tham dự cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo). Thùy Linh bảo: “Ra tết em sang Trung Quốc để tiếp tục theo học chuyên ngành quản lý thể thao ở Học viện Thể thao Vũ Hán. Tới đầu năm 2014 thi tốt nghiệp là em lấy được bằng. Em cũng ước mong như mẹ, được gắn bó lâu dài với wushu”.

Không chỉ có Thùy Linh, người cháu ruột, nhà vô địch wushu giải trẻ thế giới Nguyễn Thanh Tùng cũng được Phương Lan kèm cặp, dìu dắt tới wushu từ năm 11 tuổi. “Khi đó Thanh Tùng còi nhom, lại bị hen nữa, nên mình động viên bố mẹ để cháu tập wushu nâng cao sức khỏe. Nào ngờ, ngoài niềm đam mê, Thanh Tùng lại có tố chất thật sự, nên chỉ hai năm sau, năm 2005, giải trẻ thế giới được tổ chức tại Malaysia, Thanh Tùng khi đó mới 13 tuổi đã giành HCV”, Phương Lan hồ hởi khoe. Và không chỉ xuất sắc trên thảm đấu, mới đây Thanh Tùng còn gây ấn tượng bằng giọng hát ngọt ngào truyền cảm qua ca khúc Thu không em, khi xuất hiện trong cuộc thi Vietnam Idol 2012.

Nguyễn Phương Lan sinh năm 1971, đoạt HCĐ môn đao thuật nữ tại SEA Games 17 năm 1993, HCV môn nam quyền nữ và HCB môn thương thuật nữ tại SEA Games 19 năm 1997, HCV môn nam đao nữ tại giải vô địch thế giới wushu tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Hà An

>> Bóng đá nam phải giành HCV SEA Games 27
>> SEA Games 27 loại môn TDDC
>> Việt Nam xem Indonesia là đối thủ lớn ở SEA Games 27
>> Bóng đá Việt Nam 2013: Trẻ hóa và "vàng" SEA Games!
>> Malaysia chuẩn bị cho SEA Games từ U.21 quốc tế Báo Thanh Niên
>> HLV đội vô địch SEA Games dự giải U.21 quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.