Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 31: Võ sĩ karate mở quán cơm chay

12/03/2013 03:30 GMT+7

Với nhà vô địch Asiad 14 (2002) Nguyễn Trọng Bảo Ngọc dù không còn theo thể thao đỉnh cao nhưng karate vẫn luôn là những “kỷ niệm rất đẹp”.

Với nhà vô địch Asiad 14 (2002) Nguyễn Trọng Bảo Ngọc dù không còn theo thể thao đỉnh cao nhưng karate vẫn luôn là những “kỷ niệm rất đẹp”.

Được gia đình cho làm quen với karate năm học lớp 5, sau gần 14 năm tập luyện và thi đấu, Bảo Ngọc đã có một bộ sưu tập huy chương phong phú, từ trong nước đến quốc tế. Đáng nhớ nhất trong số đó là HCV hạng cân trên (+) 60 kg tại Asiad 14 (2002) ở Hàn Quốc. Sau SEA Games năm 2003 ở Việt Nam, chị nghỉ thi đấu và nhận lời hỗ trợ huấn luyện tại đội tuyển TP.HCM trong một thời gian ngắn. Phong trào karate ở nước ta mạnh ở những tỉnh thành miền Bắc nên giai đoạn đó, Bảo Ngọc là một trong những VĐV hiếm hoi của TP.HCM được gọi vào đội tuyển quốc gia và tập luyện tại Hà Nội. Do vậy, dù đã xác định sẽ không theo karate nhưng chị vẫn “nán” lại một thời gian để truyền thụ cho các võ sĩ trẻ những gì học hỏi được với chuyên gia Nhật và HLV Lê Công khi còn “lăn lộn” trên sàn tập.

Từ đấu trường đến phi trường

Theo thể thao đỉnh cao, tập huấn và thi đấu liên miên nhưng Bảo Ngọc vẫn dành chỗ cho việc học. Nhờ phân chia thời khóa biểu hợp lý, chị vẫn học tốt chương trình cử nhân Anh văn của Đại học KHXH - NV. Trong giai đoạn từ năm 2000-2003, do thường xuyên được gọi tập trung đội tuyển quốc gia ở Hà Nội nên Bảo Ngọc phải tận dụng tối đa quỹ thời gian. Kết thúc năm 3 đại học, chị xin bảo lưu kết quả 1 năm để chuyên tâm chuẩn bị cho SEA Games 2001 tại Malaysia. Sau đó, chị lại tất tả quay về trường để học và “tranh thủ” thi phần lớn các môn của năm cuối trước khi lao vào tập luyện cho Asiad 14. Trở về với ngôi vô địch đấu trường châu lục, tinh thần hưng phấn, Bảo Ngọc thi luôn 2 môn còn lại để lấy bằng cử nhân Anh văn. Trước đó, trong những chuyến tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, chị đã nổi tiếng là nữ võ sĩ giỏi ngoại ngữ và thường xuyên hỗ trợ việc dịch thuật cho ban huấn luyện.

 Bảo Ngọc đứng tại quán cơm chay của mình
Bảo Ngọc đứng tại quán cơm chay của mình - Ảnh: nhân vật cung cấp

Với vốn tiếng Anh vững vàng, Bảo Ngọc nộp đơn thi vào Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam sau khi chia tay thể thao đỉnh cao vào năm 2004. Chị vui vẻ kể: “Ngoài ngoại ngữ, họ còn xem xét cả kiến thức về xã hội, kỹ năng sống và... ngoại hình. Riêng với Ngọc, giám khảo có vẻ rất để ý đến “lý lịch” karate nên hỏi thẳng: “Nếu gặp khách hàng quá khó tính, liên tục làm khó dễ, có khi nào bạn... động thủ?”. Bề ngoài rắn rỏi của một võ sĩ đã khiến họ hơi ngần ngại. Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn tốt, Bảo Ngọc vẫn thi đậu vào bộ phận cung cấp dịch vụ mặt đất cho các hãng hàng không. Chị được công ty phân công làm việc cho Hãng United Airlines khi hãng này vừa mở chuyến bay thẳng VN - Mỹ. Trong khoảng 7 năm làm việc tại Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, Bảo Ngọc có cơ hội học hỏi nhiều điều mới, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và... trang điểm. Nhờ không ngừng nỗ lực, chị được thăng làm đội phó. Công việc đang thuận lợi thì năm 2011 chị xin nghỉ để chuyển sang kinh doanh.

Tinh thần karate

Hẹn gặp PV Thanh Niên ở quán cơm chay Sen trên đường Tản Viên, Q.Tân Bình, chị hào hứng: “Quán của mình đó, mới mở được 4 tháng thôi. Ở gần Trường đại học Hoa Sen nên chủ yếu phục vụ sinh viên, giáo viên và công chức. Tất cả là nhờ chữ duyên”. Hai năm qua, với kinh nghiệm ở ngành hàng không, chị mở đại lý vé máy bay. Năm ngoái, chị làm quen với một nhóm bạn chuyên hỗ trợ mở quán cơm chay miễn phí, từ hướng dẫn chuyện bếp núc, tìm kiếm mặt bằng đến thiết kế quán. Thậm chí, với những người quá ít vốn, nhóm sẽ cho mượn thêm. Đối với nhóm bạn này, đây là hoạt động thiện nguyện. Họ quan niệm “trao cần câu thay vì cho con cá”, vừa giúp người khác có thêm thu nhập, vừa làm tăng số lượng thực khách dùng cơm chay để tránh sát sinh. Đến nay, nhóm đã giúp mở hơn 50 quán, trong đó có quán của Bảo Ngọc. Tuy hoạt động của đại lý vé máy bay sau 2 năm phát triển đã khá ổn định nhưng chị vẫn quyết định thử sức ở lĩnh vực mới. Bảo Ngọc thích ăn chay, lại có tài nấu nướng nên công việc này rất thích hợp. Chị nhìn nhận: “Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, thành công không “từ trên trời rơi xuống” mà là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài. Chính karate đã rèn cho Ngọc tinh thần vững vàng để vượt qua mọi trở ngại”.

Công việc rất bận rộn nhưng năm nào Bảo Ngọc cũng dành thời gian để du lịch. Đây là cách giải trí “số 1” của chị từ gần 10 năm nay. Thời gian còn làm ở Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, chị có điều kiện đi đây đi đó nhờ được mua vé theo giá ưu đãi dành cho nhân viên. Bây giờ, làm chủ đại lý vé máy bay, chị tiếp tục có cơ hội tìm được vé giá “mềm” nhất. Đặc biệt, chị thường đi du lịch một mình, tự lên kế hoạch, tìm đường đi, khách sạn... Cứ thế, Bảo Ngọc đã vác ba lô “rong ruổi” được mười mấy nước ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Còn karate, tập luyện ngần ấy năm, lên đến ngũ đẳng, được nhiều thành tích, chị có thấy nhớ? Bảo Ngọc chia sẻ: “Với mình, môn võ này chỉ còn là những kỷ niệm rất đẹp. Chỉ cần nhắm mắt lại là Ngọc có thể thấy rõ mồn một những giai đoạn tập huấn căng đến mức lúc ngủ cũng mơ thấy... các bài tập của chuyên gia Nhật, rồi những giải đấu và giây phút bước lên bục nhận huy chương... Ngọc cũng từng muốn tiếp tục theo thể thao khi đăng ký vào học văn bằng 2 ở Đại học TDTT TP.HCM. Nhưng do trường không chấp nhận chuyển điểm những môn tương đồng ở phần đại cương hoặc tiếng Anh mà bắt học lại từ đầu nên Ngọc ngưng luôn. Chắc tại mình không có duyên”.

Nguyễn Trọng Bảo Ngọc sinh năm 1979, thi đấu ở hạng cân +60 kg của karate. Chị từng giành HCB giải trẻ châu Á (1996), HCV đồng đội SEA Games (2001) và HCV Asiad (2002). Với nhiều thành tích, Bảo Ngọc được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Võ sĩ Pacquiao xuất sắc nhất thập kỷ
>> Võ sĩ David Haye sợ dân Ukraine... “làm thịt”
>> Võ sĩ Pacquiao “hóa thân” thành danh ca John Lennon
>> Võ sĩ Amir Khan lên kế hoạch cưới hoành tráng
>> Cung Le sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với võ sĩ Việt Nam
>> Văn Ngọc Tú đọ tài cùng võ sĩ trẻ châu Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.