Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 40: Khi lực sĩ cử tạ làm trang trại

21/03/2013 03:00 GMT+7

Là đại diện sáng giá nhất của lứa VĐV cử tạ đầu tiên của Việt Nam, rồi trở thành HLV đội tuyển cử tạ Hà Nội, nhưng mỗi khi trút bỏ trang phục thi đấu và trở về nhà, Nguyễn Quốc Thanh lại trở thành nông dân “chính hiệu”.

Là đại diện sáng giá nhất của lứa VĐV cử tạ đầu tiên của Việt Nam, rồi trở thành HLV đội tuyển cử tạ Hà Nội, nhưng mỗi khi trút bỏ trang phục thi đấu và trở về nhà, Nguyễn Quốc Thanh lại trở thành nông dân “chính hiệu”.

Đó là chuyện của VĐV cử tạ Nguyễn Quốc Thanh cách đây chừng 7 năm. Nghỉ thi đấu năm 2002, đến 2006 anh trở thành HLV của đội tuyển cử tạ quốc gia. Có thời gian về nhà đều đặn mỗi chiều, khu vườn rộng 700 m2 của gia đình anh ở Đông Anh được “hô biến” thành trang trại nuôi ngan.

Khi lực sĩ cử tạ làm trang trại 
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thật thú vị khi một VĐV tên tuổi của làng cử tạ Việt Nam lại có thể kể về chuyện nuôi ngan, nuôi ngỗng, từ chọn giống đến cho ăn, chăm bẵm như một “lão nông” thực thụ. Thực ra, đàn ngan hơn hai trăm con của anh được “ăn theo” từ ý định nuôi giun quế. “Hồi đó nuôi giun quế đang rộ lắm. Con giun cứ sau 47 ngày lại đẻ ra thêm 3 thế hệ. Một vốn bốn lời, ai mà chả ham”. Quốc Thanh kể, anh mua giun quế của một hộ gần làng đào Nhật Tân. Biết “tiếng” của lực sĩ cử tạ, ông chủ nhà bán rẻ cho anh 30 kg giun giống với giá chỉ 50.000/kg.  Lũ giun được nuôi trong những chậu xi măng to, lúc đầu chỉ vài chậu, nhưng sau đó lên tới 30 chậu. Mỗi lần giun hết thức ăn, Quốc Thanh lại quần đùi, áo may ô tất bật xách xô đi thu gom phân trâu, bò ở các xóm xung quanh. Có khi thuê cả ô tô tải... chở phân về nhà. Khi bán giun cũng đánh cả ô tô chở giun đi bán.

Từ giun quế, Quốc Thanh lân la sang nuôi ngan để tận dụng thức ăn giun bỏ lại, cho ngan ăn thì lớn nhanh như thổi. Chăm ngan cũng khổ như chăm con mọn. Sáng trước khi đi làm phải cho chúng ăn. Tối về người chưa ăn, ngan phải được ăn trước. Nhiều khi đi đâu có việc, nghĩ đến việc đàn ngan bị đói, lòng anh lại như lửa đốt. Anh cũng mát tay, nên đàn ngan lớn nhanh như thổi, buổi tối lùa chúng vào mà cả chuồng chật ních, trắng xóa như nhồi bông. Đàn ngan của anh mỗi lần bán ra cả trăm con, xấp xỉ 4-5 tạ. Trừ chi phí thuốc thang, thức ăn, Quốc Thanh cũng có gần chục triệu tiền lãi. “Chục triệu khi ấy cũng bằng hai người đi làm rồi. Nói đùa chứ có khi ở nhà nuôi ngan lại giàu. Nhưng làm sao bỏ nghề, bỏ nghiệp được khi đam mê vẫn còn nhiều”.

Năm 2009, Quốc Thanh từ đội tuyển quốc gia chuyển sang làm HLV cho đội Hà Nội. Đàn ngan của anh cũng bán bớt. “Giờ chỉ nuôi vài con ngỗng để lấy trứng, bán lấy vài đồng cho các bà đi chùa. Kiếm tiền cũng ham đấy, nhưng thời gian và sức lực của mình cũng bị rút đi nhiều quá”, anh kể về 6 con ngỗng còn lại trong “trang trại” của mình.

May mắn vì “nửa kia” trầm lặng

Ngồi với cựu VĐV Quốc Thanh trong sân của Cung thể thao Quần Ngựa, từng tốp học sinh của anh đi qua, ríu ran chào thầy. Quốc Thanh chỉ cười hiền trước những câu đùa tinh quái của những cô, cậu học trò. Anh bảo, anh vốn chẳng phải người hoạt ngôn, đôi khi còn hơi xuề xòa, nên may mắn khi “nửa kia” của anh cũng là người trầm lặng, ít nói, hiểu cho cái sự “vô tâm” của anh. “Nếu là một cô sôi nổi, hoạt bát, chắc cô bỏ mình lâu rồi”, Quốc Thanh cười khi kể về bà xã của mình.

Bà xã của Quốc Thanh là em gái một người bạn học chung với anh từ cấp hai. Cùng quê, nhưng mãi đến khi cô học lớp 11 anh mới quen. Cô xuống Hà Nội học trung cấp Y, Quốc Thanh năng đến chơi hơn, dù lúc đó mới chỉ xem cô như em gái. Những lần đèo nhau về quê, đưa tiễn anh đi thi đấu, những lá thư viết vội... khiến tình cảm giữa hai người chuyển hóa lúc nào chẳng rõ. “Có ai nói với ai lời nào đâu. Nhưng mỗi lần tiễn mình đi thi đấu, thấy mắt cô ấy đỏ hoe như khóc, khi mình đi rồi vẫn đứng ở nhà ga đến cả tiếng đồng hồ mới về, thì mới đoán là cô ấy cũng thích mình”.

Mến thầm nhau suốt 3 năm trời, Quốc Thanh mới dám “ngỏ lời”. Nhưng cái sự “ngỏ lời” ấy cũng thật đặc biệt. Hôm ấy hai người đi đám cưới một người bạn của Quốc Thanh ở quê, lúc về anh lấp lửng nói với cô: “Bạn bè anh lấy vợ hết rồi, mà anh vẫn cứ phải đi đi về về thế này. Chẳng biết người ta có chờ được mình không”. Cô trả lời: “Anh cứ yên tâm tập luyện, thi đấu đi. Em còn học, còn đi làm nữa mà. Lo gì”. Và cũng phải 4 năm sau cái lần tỏ tình mà như không ấy, đám cưới giữa hai người mới được diễn ra.

Quốc Thanh kể, hồi ấy anh và bã xã yêu nhau kín đáo lắm. Ngay cả cậu bạn thân cũng chính là anh vợ anh bây giờ cũng chẳng hay biết. Đến khi thấy Quốc Thanh chăm xuống nhà bạn chơi đột xuất, thậm chí ngay cả khi bạn không có nhà, mà chỉ toàn “ngó nghiêng” cô em gái, mọi người mới vỡ lẽ. Mến nhau, yêu nhau suốt 7 năm trời, nhưng anh thú nhận mình rất “ngố”. Mỗi lần ra nước ngoài thi đấu, Quốc Thanh cũng chu đáo mua quà cho người yêu. Nhưng thứ anh mua quanh năm là... quần áo thể thao và lúc chật, lúc rộng. “Nhiều vận động viên mua cả giày dép, váy áo điệu đà cho người yêu, nhưng mình thì không khéo chọn, với lại mua chẳng bao giờ đúng cỡ vì không dám hỏi. Cứ mỗi lần định hỏi lại thấy ngượng nên thôi. Về sau lễ tết gì mình cũng chỉ mua hoa cho an toàn”, Quốc Thanh cười khi nhớ lại.

Sau đám cưới hơn 10 năm, VĐV “vàng” của cử tạ Việt Nam ngày nào đang hạnh phúc với gia đình nhỏ có một cậu con trai 10 tuổi và cô con gái 6 tuổi. Anh bảo, giờ anh cần nhất là sự thảnh thơi để được chăm lo cho gia đình, để lại tiếp tục sống với cử tạ, cái nghiệp mà anh đã theo đuổi từ khi nó chưa hề có chỗ đứng ở Việt Nam.

Vận động viên cử tạ Nguyễn Quốc Thanh sinh năm 1974, là VĐV cử tạ đầu tiên của Việt Nam giành HCV SEA Games 1997 tại Indonesia, liên tục giành ngôi vô địch cử tạ giải Vô địch quốc gia từ 1995-2005.

Tịnh Tâm

>> Tài năng cử tạ Việt trên đất Mỹ
>> Hoàng Anh Tuấn giành HCV ở Giải vô địch cử tạ quốc gia 2012
>> Thêm một nhà vô địch cử tạ bị... tạ đè
>> Bài học cho cử tạ VN
>> Nhà vô địch cử tạ bị... tạ đè

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.