Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 54: Con nhà tông nhưng không ỷ lại

04/04/2013 00:40 GMT+7

Nhắc đến cái tên Trương Ngọc Tuấn, người hâm mộ bơi lội cả nước đều biết, bởi kình ngư này từng thống lĩnh nhiều cự ly của bơi lội Việt Nam và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Nhắc đến cái tên Trương Ngọc Tuấn, người hâm mộ bơi lội cả nước đều biết, bởi kình ngư này từng thống lĩnh nhiều cự ly của bơi lội Việt Nam và mang vinh quang về cho Tổ quốc. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 53: Ước mơ bình dị của nhà vô địch
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 52: Ma ma tổng quản
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 51: Say làm MC như say wushu
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 50: “Bóng chuyền thấm vào máu rồi”

Chơi được nhiều cự ly

Trương Ngọc Tuấn sinh trưởng trong một đại gia đình có truyền thống bơi lội. Cha là Trương Ngọc Thành, nguyên HLV đội tuyển bơi lội Bình Định, từng đoạt HCĐ cự ly 100 m bướm tại Đại hội Thể thao Ganefor ở Campuchia năm 1966; mẹ là Quách Thị Kim Dung, từng vô địch quốc gia cự ly 100 m ếch (ở miền Bắc năm 1964); chú ruột là Trương Ngư, cựu VĐV đội tuyển bơi lội quốc gia, từng đoạt HCĐ cự ly 100 m tự do tại Đại hội Thể thao Ganefor (Campuchia năm 1966); anh ruột là Trương Hải Phong, VĐV đội tuyển bơi lội quốc gia, một trong những VĐV hàng đầu của bơi lội Việt Nam.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 54: Con nhà tông nhưng không ỷ lại
Trương Ngọc Tuấn (bìa trái hàng đứng) cùng nhiều thành viên trong đại gia đình họ Trương - Ảnh: nhân vật cung cấp

Thừa hưởng "gien bơi lội" của gia đình, ngay từ nhỏ Tuấn đã bộc lộ những năng khiếu khá đặc biệt về bơi lội. Mới 4 tuổi Tuấn đã được cha mẹ cho tập bơi. Chỉ trong thời gian ngắn anh giành nhiều thành tích ở giải trẻ rồi giải vô địch (bơi trong hồ lẫn bơi vượt sông). Tuấn nói: “Nhớ lại thời đó tôi thật sự nỗ lực, tự giác và luôn đặt ý chí phấn đấu không ngừng lên hàng đầu, không ỷ lại mình là “con nhà tông” hay có cha mình là HLV đội tuyển bơi lội tỉnh. Nhờ vậy tôi đã đi lên bằng chính khả năng và phong độ của mình”.

Điểm khác biệt lớn giúp Tuấn trở thành VĐV toàn năng chính là nếu như các VĐV bơi lội khác chỉ chuyên một vài cự ly bơi nào đó thì Tuấn thành thạo hầu hết các kỹ thuật bơi (sải, bướm, ngửa, hỗn hợp, tự do...). Bên cạnh ưu thế về chiều cao, thể hình, sải tay dài, Tuấn còn có tốc độ cao, ổn định và sức bền tốt. Tuấn kể: “Tôi còn nhớ khi tập huấn với các chuyên gia bơi lội của Trung Quốc, Hungary thì bất ngờ có VĐV trong đội tuyển bị chấn thương không có người thay thế ở nội dung đó, thế là tôi được cho “đóng thử”. Không ngờ tôi đã thể hiện tương đối tốt nên sau này cự ly nào mà HLV thấy cần cứ đẩy tôi ra và tôi tập hết, miễn là mang được thành tích về cho CLB hay đất nước”.

 

Trương Ngọc Tuấn sinh năm 1976 tại Hà Nội, đoạt 3 HCV tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 3; phá và chiếm lĩnh nhiều kỷ lục quốc gia ở nhiều cự ly; là nam VĐV bơi lội duy nhất của Việt Nam được chọn tham dự Olympic Atlanta 96; huy chương bạc tại SEA Games 22; trong suốt nhiều năm liền là kình ngư số 1 của bơi lội Việt Nam...

Chưa lập gia đình

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, việc chuyển đổi VĐV từ địa phương này đến CLB khác có những vấn đề tế nhị. Bên cạnh đó, do thành công đến nhanh nên có những lúc Tuấn có biểu hiện “tự mãn”. Chính vì vậy việc Ngọc Tuấn bất ngờ bị "treo giò" khiến anh không được chọn tham dự nhiều giải đấu quan trọng của quốc gia, khu vực. Những lúc đó anh rất buồn và có lúc thất vọng, muốn tìm quên ở những hoạt động khác, nhưng rồi Tuấn vẫn không thể xa đường đua xanh. Tuấn nói: “Thật sự có giai đoạn tôi rất sốc, nhưng  thú thật là tôi không hề nản chí. Hằng ngày tôi vẫn âm thầm tập luyện để duy trì phong độ. Nhờ vậy sau đó tôi đã được tạo cơ hội trở lại. Tôi rút ra cho mình nhiều bài học thấm thía từ thực tế nghề nghiệp mang lại để cố gắng trụ vững trong quãng đời còn lại của nghiệp VĐV”. 

Ở độ tuổi 28 khi đó như Tuấn, những người cùng thời như Duy Mỹ, Trọng Nghĩa… đều giã từ đường bơi thì Tuấn vẫn được gọi vào đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games 22. Lần đó ở cự ly 200 m ngửa, Ngọc Tuấn đã lọt vào vòng chung kết với thành tích 2 phút 12 giây 58 (xếp thứ 5 trong số 10 VĐV). Đặc biệt, ở vòng chung kết, Ngọc Tuấn đã vươn lên về đích thứ nhì, với thành tích 2 phút 04 giây 11, phá KLQG và xuất sắc đoạt HCB. Tính đến thời điểm này, chiếc HCB mà Ngọc Tuấn đoạt được mới chỉ là chiếc HCB Đông Nam Á thứ ba trong lịch sử bơi lội Việt Nam.

Từ giã đường bơi, Tuấn quyết định theo học Đại học TDTT TP.HCM sau gần 10 năm gián đoạn ở độ tuổi 30. Tuấn cho biết: “Đó thực sự là cuộc đua mới đầy khó khăn. Có người khuyên tôi rằng lớn tuổi rồi sao không chọn theo học đại học tại chức cho khỏe. Nhưng tôi nghĩ rằng muốn trở thành một HLV chuyên nghiệp trong tương lai cần phải học tập một cách chuyên nghiệp. Nhờ vậy sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT (năm 2010), Ngọc Tuấn được nhận về công tác tại Trung tâm huấn luyện TDTT Quốc phòng 5 (TP.HCM). Anh được đơn vị bố trí 1 căn phòng nhỏ 20 m2, tạm đủ để 2 mẹ con ở (Tuấn và HLV Quách Thị Kim Dung).

Ngọc Tuấn cho biết với công việc của một thiếu tá quân đội và là người chịu trách nhiệm chỉ dẫn các tuyến trẻ nên dù vất vả từ sáng đến tối, nhưng anh luôn cảm thấy vui. Khi tôi hỏi về chuyện riêng thì Ngọc Tuấn thành thật: “Công việc bận rộn nên nhiều lúc tôi quên mất thời gian và xao lãng cả việc lập gia đình. Hơn nữa thực sự tôi vẫn đang tìm cho mình một mối tình, nhưng không phải muốn là được. Thôi thì đành chờ vậy”.

Viết Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.