Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 7: “Viết về Ngân làm gì !”

04/02/2013 03:29 GMT+7

Sau chiếc HCB Olympic Sydney 2000 môn taekwondo hạng cân dưới (-) 57 kg, Trần Hiếu Ngân tập trung đào tạo các tuyến trẻ cho TP.HCM.

Sau chiếc HCB Olympic Sydney 2000 môn taekwondo hạng cân dưới (-) 57 kg, Trần Hiếu Ngân tập trung đào tạo các tuyến trẻ cho TP.HCM.

Vừa nghe PV Thanh Niên xin cuộc hẹn “trò chuyện cuối năm”, á quân Olympic cười bảo: “Viết về Ngân làm gì, viết về các gương mặt trẻ để khích lệ các em đi bạn!”.

 Trần Hiếu Ngân rèn luyện chuyên môn cho VĐV trẻ của TP.HCM
Trần Hiếu Ngân rèn luyện chuyên môn cho VĐV trẻ của TP.HCM - Ảnh: Đoàn Nguyên An

Đây không phải lời khách sáo, ai từng tiếp xúc với Hiếu Ngân đều biết chị là thế, luôn khiêm tốn và dung dị. Mùa hè năm 2000, hàng triệu người hâm mộ Việt Nam nín thở theo dõi trận chung kết hạng cân -57 kg của taekwondo. Tuy Hiếu Ngân không vượt qua đối thủ Jung Jae-eun của Hàn Quốc nhưng chiếc HCB của chị còn quý hơn vàng. Lần đầu tiên thể thao nước nhà có huy chương Olympic. Hình ảnh Hiếu Ngân xuất hiện “rầm rộ” trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam. Tiếng tăm lên vùn vụt nhưng chị không dựa vào đó để đòi hỏi một vị trí ngon lành trong ngành thể thao. Không lâu sau Olympic Sydney, Hiếu Ngân lên xe hoa và tạm rời khỏi thể thao đỉnh cao. Mãi đến năm 2004, chị mới quay về với công việc huấn luyện và phụ trách tuyến năng khiếu nhỏ nhất của TP.HCM.

Trăn trở cho học trò

Hiện tại, Hiếu Ngân vừa làm viên chức ở Phòng Tài chính của Trung tâm huấn luyện VĐV Võ thuật, vừa là HLV đội tuyển trẻ taekwondo TP.HCM. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là cô gái Phú Yên này xỏ giày thể thao, cùng học trò tập thể lực. “Quen rồi, không vận động, người “xìu” lắm. Tụi nhỏ chạy 5, 10 vòng thì mình cũng phải được 1, 2 chứ. Vả lại, phải duy trì độ dẻo dai để lúc dạy còn thị phạm cho tốt”, chị cho biết. Sau cữ tập sớm, Hiếu Ngân thay trang phục văn phòng để “chiến đấu” với văn bản, sổ sách ở Phòng Tài chính. Chiều tối, chị lại khoác võ phục, đứng lớp trong giờ tập chuyên môn của tuyển trẻ.
Trẻ con Sài Gòn bây giờ học hành căng thẳng quá, để các em chuyên tâm với đội tuyển taekwondo chắc không phải chuyện dễ? Nghe PV Thanh Niên hỏi, Hiếu Ngân cười buồn: “Khó khăn chung của thể thao TP.HCM chứ không riêng gì taekwondo”. Chị kể, có nhiều phụ huynh bình thường vẫn cho con tập võ đều đặn, nhưng đến khi thầy cô đề cập chuyện “vô đội tuyển” là lật đật từ chối, thậm chí bắt con nghỉ luôn.

Họ sợ con đi theo thể thao đỉnh cao, chuyện học văn hóa bị ảnh hưởng. Hiếu Ngân phân tích: “Phụ huynh có tâm lý như thế là vì “đầu ra” của thể thao chuyên nghiệp vẫn còn bấp bênh, dù thu nhập và chế độ đãi ngộ đối với VĐV tại TP.HCM hiện được cải thiện đáng kể. VĐV đoạt huy chương quốc gia, thậm chí quốc tế nhưng sau đó họ sẽ làm gì? Chỉ một phần nhỏ trong số đó trở thành HLV đội tuyển các tỉnh thành, một số khác thành giáo viên thể dục ở các trường học... Đó là chưa kể chơi thể thao, không phải lúc nào bạn cũng thắng để trở thành nhà vô địch. Như Mỹ chẳng hạn, học phí ở đại học rất cao, nhưng ai có thành tích thể thao nổi bật hầu như đều được ưu tiên nhận học bổng, được tạo điều kiện để vừa học tốt, vừa tập tốt. Còn ở Hàn Quốc, VĐV đoạt huy chương Asiad, Olympic sẽ được hưởng một khoản phụ cấp trọn đời. Có như thế họ mới chuyên tâm vào tập luyện”.

Chính vì vậy, phong trào taekwondo ở TP.HCM rất mạnh nhưng chỉ dừng ở mức... phong trào. Trong 10 em ở tuyến năng khiếu, Hiếu Ngân chỉ chọn được chừng 1-2 em có kỹ thuật, thể lực tốt và quan trọng là được gia đình hoàn toàn ủng hộ để hướng về thể thao đỉnh cao.

Vui với cái mình có

Để vượt qua những trở ngại này, “bí kíp” quan trọng nhất của á quân Olympic chính là lòng đam mê. Chị chia sẻ: “Ngày bé, Ngân mê taekwondo nên tập luyện hết mình, thi đấu hết mình, chỉ cần thắng trận là thấy mãn nguyện lắm rồi. Hồn nhiên, vô tư vậy đó! Từ kinh nghiệm bản thân, yếu tố đầu tiên để Ngân chọn VĐV là các em phải thật sự yêu thích môn võ của mình. Có đam mê, tự khắc sẽ “kéo theo” tính kỷ luật và tinh thần tự giác luyện tập. Tuy nhiên, Ngân luôn chú ý đảm bảo quyền lợi cho học trò để các em thấy sự nỗ lực của mình được trân trọng. Ngược lại, HLV dù tỏ ra nghiêm khắc, dữ dằn đến đâu mà VĐV không đam mê thì chỉ tập cho có, đủ để được “chấm công” và khó có thể tiến bộ”.

Tận tâm tận lực làm hết khả năng nên Hiếu Ngân không thấy hối tiếc điều gì. Với bản tính hiền lành, chị không thích bon chen, kèn cựa, cứ nỗ lực tối đa và vui với những gì mình đạt được. Đây cũng là phương châm chị truyền thụ cho học trò: “Dù chỉ lấy HCĐ toàn thành nhưng nếu đánh hết sức thì huy chương đó rất quý giá. Còn đoạt HCB quốc gia trong khi khả năng có thể vô địch thì rất đáng trách”.

Ở giải vô địch taekwondo Trẻ châu Á hồi tháng 6.2012, TP.HCM có đến 4 VĐV tham dự, thuộc loại đông nhất trong số các tỉnh thành và đoạt 1 HCĐ. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tổ chức sau đó hơn 1 tháng ở Cần Thơ, taekwondo TP.HCM lại giành vị trí nhất toàn đoàn một cách thuyết phục với 14 HCV, 7 HCB,
7 HCĐ. Âu cũng là trái ngọt của những ngày Trần Hiếu Ngân miệt mài vun đắp cho các tài năng trẻ.

Sinh năm 1974 tại TP.Tuy Hòa, Phú Yên, Trần Hiếu Ngân có bảng thành tích rất ấn tượng: HCB Olympic 2000, HCV châu Á 1998, HCĐ ASIAD 1998, HCV SEA Games 18, HCV Đông Nam Á 1996...

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 3: Mê taekwondo, suýt mất hạnh phúc
>> VN tổ chức giải Taekwondo quân sự thế giới
>> Luật mới trong taekwondo: Không cần đá mạnh
>> Olympic 2012 - Thể thao Việt Nam đặt niềm tin vào cử tạ và taekwondo
>> Thưởng 1 tỉ đồng nếu taekwondo đoạt HCV Olympic
>> Trọng Cường đoạt HCV taekwondo châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.