Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 75: Tiền đạo cảnh sát giao thông

25/04/2013 00:35 GMT+7

Có dịp đi qua các chốt giao thông thuộc quận Long Biên, Hà Nội, những người hâm mộ đội bóng Công an Hà Nội cũ hẵn vẫn còn nhận ra cựu tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành trong màu áo vàng của một chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Có dịp đi qua các chốt giao thông thuộc quận Long Biên, Hà Nội, những người hâm mộ đội bóng Công an Hà Nội cũ hẵn vẫn còn nhận ra cựu tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành trong màu áo vàng của một chiến sĩ cảnh sát giao thông. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 74: Chuyện tình duyên khó nói lắm
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 73: Người thầy của nhà vô địch
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 72: Từ sào nhảy cao đến sàn catwalk

Không thể “cháy” hết mình trong đội khác

Năm 2002, đội bóng Công an Hà Nội (CAHN) giải thể, chàng tiền đạo Tuấn Thành sau một năm chuyển sang thi đấu cho Hàng không Việt Nam tại mùa giải 2003 cũng quyết định từ giã sân cỏ. Một quyết định khá “sốc” đối với những người hâm mộ tiền đạo “gà tre” bởi khi đó anh mới 27 tuổi, độ tuổi phong độ nhất trong đời mỗi cầu thủ. Chẳng phải vì cạn tình yêu với nghiệp quần đùi áo số, mà vì sự tan rã của đội bóng nơi anh gắn bó từ khi bắt đầu sự nghiệp với trái bóng tròn đã để lại nỗi hụt hẫng quá lớn đối với Tuấn Thành. Anh kể: “Bóng đá Việt Nam hồi ấy chưa có chuyển nhượng, mua bán cầu thủ giữa các câu lạc bộ. Đội bóng của địa phương, ngành nào, thì hầu như cầu thủ đều là người thuộc địa phương, ngành ấy. Cũng như trong đội CAHN, thì 100% cầu thủ thuộc biên chế ngành công an. Bởi vậy tinh thần màu cờ sắc áo của các cầu thủ rất lớn. 10 năm thi đấu trong màu áo lính, tôi luôn cảm thấy khó “cháy” được hết mình trên sân cỏ trong màu áo của đội tuyển khác”.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 75: Tiền đạo cảnh sát giao thông
Tuấn Thành cùng vợ con - Ảnh: nhân vật cung cấp

Thành nói tiếp: “Mình thuộc tuýp người cổ hủ, từ trước đến giờ bóng đá trong suy nghĩ luôn gắn với CAHN nên khó thay đổi được suy nghĩ. Hơn nữa bóng đá lúc đó cũng bấp bênh, chẳng biết tương lai sẽ phát triển thế nào”. Thế là hết mùa giải 2003, Tuấn Thành trở về xin lãnh đạo đi học nghiệp vụ, thay vì tiếp tục thi đấu hoặc trở thành HLV như lựa chọn của nhiều cầu thủ khác sau khi giải nghệ.

Lãnh đạo Công an Hà Nội vốn mê bóng đá, nên các cầu thủ trong CAHN như Tuấn Thành hồi ấy được chia đều cho các đơn vị trong ngành, sau khi đội bóng giải thể. Tuấn Thành được phân công đi học tại Trường trung cấp Cảnh sát giao thông. Sau hai năm, anh về làm việc tại Đội CSGT số 5 tại quận Long Biên cho đến bây giờ.

Biết tiếng chàng tiền đạo từ khi chơi cho tuyển CAHN, các anh em trong đội nhiều khi nói với Tuấn Thành: trước đây chẳng bao giờ nghĩ sẽ có dịp gặp anh, chứ đừng nói là được làm việc chung một đội thế này. Những lúc như thế, Tuấn Thành chỉ cười. Bây giờ và cả khi còn thi đấu đỉnh cao, anh vẫn thế, chưa bao giờ nghĩ mình là “sao”. 

Bị xin chữ ký khi đứng chốt

Hồi đầu đứng chốt giao thông ở các tuyến đường, không ít người hâm mộ nhận ra Tuấn Thành. “Nhiều khi dừng đèn đỏ, lại có người hồ hởi gọi tên mình. Có người chẳng vi phạm gì, nhưng đi ngang qua chốt cũng dừng lại nói chuyện với mình dăm ba câu rồi đi”, Tuấn Thành cười.

 

Tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành sinh năm 1975, chơi bóng cho CAHN từ năm 1993 - 2002 cùng với Minh Hiếu tạo thành cặp tiền đạo sắc bén, thi đấu cho đội tuyển Việt Nam từ Tiger Cup 1998, vua phá lưới cúp Quốc gia 1995. Hiện tại, đại úy Tuấn Thành công tác tại Đội CSGT số 5.

Có một kỷ niệm mà nhắc lại, Tuấn Thành vẫn thấy “hơi ngượng” đến tận bây giờ. Đó là vào năm 2007, Tuấn Thành lập biên bản phạt hai bố con một cậu bé khoảng 19 tuổi vì lỗi đè vạch người đi bộ. Nộp phạt xong, cậu bé rút ngay cuốn sổ trong túi ra xin chữ ký Tuấn Thành. Hóa ra cậu là một người hâm mộ của đội tuyển CAHN cũ. Lúc đó, đến lượt cựu tiền đạo lúng túng. “Vừa phạt người ta xong, lại “bị” xin chữ ký”, anh cười to khi kể lại.

Làm CSGT được gần 8 năm, Tuấn Thành bảo khác biệt lớn nhất khi còn là cầu thủ bóng đá và nghề nghiệp bây giờ là anh phải tự chủ động và sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống của mình. “Ở trong đội bóng cứ như ở trong một nhà trẻ”, Tuấn Thành tếu táo, “Buổi sáng có người đánh thức dậy, giờ tập có người hướng dẫn, bữa ăn có người lo. Các cầu thủ chẳng biết gì ngoài tập luyện và thi đấu”. “Giờ thì chẳng có ai gọi mình dậy buổi sáng nữa rồi”.

Thời hoàng kim của sự nghiệp, Tuấn Thành có nhiều người hâm mộ. Nhưng có lẽ với anh, người hâm mộ đặc biệt nhất chính là bố. “Trận thi đấu nào của đội, bố tôi cũng đi xem và cổ vũ. Xa quá thì chịu, chứ từ Vinh trở ra là kiểu gì ông cụ cũng có mặt”. Bố Tuấn Thành cũng là người ủng hộ anh nhiệt tình khi anh quyết định bỏ kết quả thi đỗ Trường ĐH TDTT Từ Sơn để vào đội bóng CAHN. “Hồi đó trong nhà chia làm hai phe, bố và anh trai đồng tình, mẹ và chị gái thì phản đối”, Tuấn Thành kể. Bố anh làm việc trong ngành công an, nên có lẽ tình yêu của Tuấn Thành với đội bóng áo lính cũng được hun đúc từ đây. Giờ Tuấn Thành trở thành CSGT, hai bố con lại là “đồng đội” của nhau đúng nghĩa.

Nghỉ thi đấu, nhưng không có nghĩa tình yêu với trái bóng tròn trong Tuấn Thành đã hết. Hôm tôi gặp anh, Tuấn Thành đang ngồi trong quán cà phê bóng đá cạnh Sân vận động Quần Ngựa, chờ đồng đội đến chơi bóng. “Hằng tuần, kiểu gì cũng phải chơi một trận bóng. Dù chỉ là anh em công an ở các phường, quận đá giao lưu với nhau thôi”. Tiền đạo “gà tre” bây giờ đã xấp xỉ 76-77 kg, tăng ngót nghét gần 15 kg so với hồi xưa. Nhưng dù thế, trong các giải đấu phong trào của Công an Hà Nội, người hâm mộ đội bóng áo lính giàu truyền thống vẫn có thể nhìn thấy dáng dấp tiền đạo Tuấn Thành một thời qua những đường bóng dù không còn mạnh mẽ như xưa nhưng vẫn chẳng kém phần điêu luyện, tinh tế.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.