Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 86: “Mũi tên đen” hết lận đận

07/05/2013 00:20 GMT+7

Là tiền đạo khét tiếng một thời của bóng đá Đồng Tháp nhưng sau khi giải nghệ, Trịnh Tấn Thành phải làm công nhân tỉa cây xanh, tài xế lái xe hơn 10 năm, trước khi được nhận về làm tại Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam.

Là tiền đạo khét tiếng một thời của bóng đá Đồng Tháp nhưng sau khi giải nghệ, Trịnh Tấn Thành phải  làm công nhân tỉa cây xanh, tài xế lái xe hơn 10 năm, trước khi được nhận về làm tại Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam.

Liều mình như chẳng có                                                                          

Trưa cuối tháng 4.2013, chúng tôi gặp lại cựu tuyển thủ quốc gia Trịnh Tấn Thành tại Nhà thi đấu đa năng, Trung tâm TDTT TP.Cần Thơ. Anh đang tất bật với công việc của một tuyển trạch viên cho Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Ngồi ở một góc cao của khán đài A, Thành “đen” chăm chú theo dõi từng bước chạy của các cầu thủ nhí ở giải đấu Hội khỏe Phù Đổng, cấp tiểu học khu vực ĐBSCL. Sau mỗi trận đấu, anh lại ghi chép cẩn thận thông tin về những cầu thủ lọt vào “mắt xanh” của mình. Nhìn Thành làm việc say sưa, ít ai nghĩ rằng anh vừa được nhận vào làm ở PVF mới khoảng 2 tháng. Tấn Thành vui vẻ nói: “Năm ngoái tôi vẫn còn làm tài xế cho một ngân hàng ở Đồng Tháp. Cũng may, nhờ HLV Minh Chiến giới thiệu nên mới được nhận vào làm cho PVF. Đi lại vất vả chút nhưng cuộc sống đỡ khổ hơn nhiều và quan trọng là công việc gắn với niềm đam mê của mình”.

 Trịnh Tấn Thành theo dõi tuyển chọn các cầu thủ nhí
Trịnh Tấn Thành theo dõi tuyển chọn các cầu thủ nhí - Ảnh: Đình Tuyển

Nhớ lại “thời oanh liệt”, Trịnh Tấn Thành có vóc dáng nhỏ con, da đen nhẻm nhưng nhanh thoăn thoắt. Đặc biệt, với khả năng chớp thời cơ ghi bàn chớp nhoáng, anh được người hâm mộ Đồng Tháp đặt cho những biệt danh như “Mũi tên đen”, “Cơn lốc đen” hay “Người hùng cao su”... Năm 1995, nhờ phong độ tốt, Thành được HLV Weigang gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 18  tại Chiangmai, Thái Lan cùng ba đồng đội khác ở Đồng Tháp là Quốc Cường, Công Minh và thủ môn Thanh Nhạc. Đó cũng là năm “lịch sử” của bóng đá VN khi giành ngôi Á quân SEA Games. Còn ở đội Đồng Tháp, những năm ấy, Tấn Thành và Quốc Cường là bộ đôi tấn công xuất sắc nhất có nhiều đóng góp đưa CLB Đồng Tháp giành 2 chức vô địch quốc gia mùa bóng 1989, 1996. Lối đá xông xáo của Tấn Thành đã có thời khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi khen ngợi anh chơi không ngại va chạm và không hề biết chấn thương là gì. Cố nhà báo Tường Vy còn gọi anh với biệt danh là “liều mình như chẳng có”.

Năm 1998, khi 30 tuổi, Thành treo giày để “nhường chỗ” cho đàn em, về mở quán nhậu. Quán đông khách nhưng ngày nào anh cũng say bí tỉ. Thời gian này, đội Đồng Tháp cũng thi đấu sa sút, xuống phong độ. Năm 2000, Tấn Thành được gọi trở lại tuyển Đồng Tháp, nhưng anh cũng chỉ thi đấu thêm được gần 2 năm thì chính thức giã từ sân cỏ.

Lao đao tìm việc

Tưởng như một cầu thủ có nhiều đóng góp như Tấn Thành ít nhiều cũng được ưu tiên nhưng ai ngờ, khi xin việc tại Sở TDTT Đồng Tháp, anh chỉ nhận được cái lắc đầu với lý do đã hết biên chế. Tìm việc khắp nơi, cuối cùng Thành xin được làm công nhân cắt tỉa cây xanh, tưới cây cho Công ty xây lắp và dịch vụ công cộng tỉnh Đồng Tháp. Tấn Thành nhớ lại: “Có những lúc tưới cỏ gần chỗ đàn em đang tập luyện, nghĩ mà chạnh lòng, không ngờ cả tuổi thanh xuân gắn bó với bóng đá góp phần làm rạng danh cho tỉnh nhà vậy mà cuối cùng lại bị đối xử bạc bẽo thế”. Làm công nhân cây xanh gần 2 năm, Tấn Thành xin đi học lái xe để về chạy xe chở rác. Thời gian rảnh, anh nhận tập cho đội bóng phong trào của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Đồng Tháp. Không lâu sau, Tấn Thành chuyển hẳn về làm lái xe cho ngân hàng, kiêm HLV của đội bóng phong trào của ngân hàng. Anh đã nhanh chóng gầy dựng được đội bóng MHB Đồng Tháp khá mạnh trong các giải đấu phong trào của tỉnh. Gần đây nhất, ở giải bóng đá mini BGI Cup 2011 tại Đồng Tháp, đội bóng do Tấn Thành dẫn dắt chơi tấn công rất hấp dẫn và về nhì chung cuộc.

Kể về công việc mới hiện nay, Tấn Thành cho biết: “Tôi đang phụ anh Mạnh Cường huấn luyện cho đội U.14 của PVF. Khi nào có các giải trẻ ở các tỉnh thì lại đi xem giò cẳng các cháu. Công việc phải đi nhiều nhưng quen rồi”. Quan trọng hơn, ở chỗ làm mới, ngoài duy trì được ngọn lửa đam mê với trái bóng, Tấn Thành còn được sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp cùng thời nên có được niềm vui. “Cũng may còn có đồng đội cũ, thấy mình khổ, ai cũng nhiệt tình hỗ trợ nên mới trở lại đúng với chất bóng đá và công việc như hôm nay”, Tấn Thành nói. So với nghề chăm sóc cây xanh, cắt cỏ, lái xe trước đây, hiện công việc của anh đã ổn định hơn nhiều. Tuần nào cũng vậy, sáng sớm đầu tuần anh có mặt ở TP.HCM, cuối tuần lại đón xe về Đồng Tháp với gia đình.

“Bây giờ, ngoài công việc, niềm hy vọng lớn nhất của tôi là 2 cô con gái. Một cháu đang học đại học năm cuối ở TP.HCM và một cháu đang chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 rồi, kiểu gì cũng ráng lo cho các cháu học hành đàng hoàng” - Tấn Thành  chia sẻ. Về phần mình, anh cũng đang chờ cơ hội đăng ký học lớp HLV để có thể gắn bó lâu dài với công việc huấn luyện. Còn trước mắt, ưu tiên số một vẫn là chung tay, góp sức cùng anh em đồng đội cũ ở VPF tìm kiếm những tài năng để đào tạo ra những cầu thủ giỏi cho bóng đá nước nhà.

Trịnh Tấn Thành sinh năm 1968 tại Đồng Tháp. Anh cùng với Huỳnh Quốc Cường là bộ đôi tấn công có nhiều đóng góp đưa CLB Đồng Tháp giành 2 chức vô địch quốc gia năm 1989 và 1996, thành viên của đội tuyển Việt Nam giành HCB tại SEA Games 18 tại Chiangmai (Thái Lan).

Đình Tuyển

>> Việt Nam đá VFF Cup với chỉ một tiền đạo
>> Khủng hoảng tiền đạo
>> U.23 VN thiếu trung vệ và tiền đạo
>> Tiền đạo Minh Nguyệt được hỗ trợ phẫu thuật
>> ĐT.LA gạch tên tiền đạo Tshamala ở lượt về
>> Tiền đạo Lê Công Vinh: Chẳng có sức ép nào khiến tôi sợ hãi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.