Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 95: Dũng mãnh trên sân, thầm lặng ngoài đời

16/05/2013 00:20 GMT+7

Đỗ Thị Mỹ Oanh là một cái tên thuộc thế hệ vàng bóng đá nữ VN. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác giã từ sân cỏ chọn tương lai gắn với nghề huấn luyện, nhưng tiền vệ trụ nổi tiếng một thời này lại hướng cuộc sống bên ngoài sân cỏ của mình theo con đường làm từ thiện.

Đỗ Thị Mỹ Oanh là một cái tên thuộc thế hệ vàng bóng đá nữ VN. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác giã từ sân cỏ chọn tương lai gắn với nghề huấn luyện, nhưng tiền vệ trụ nổi tiếng một thời này lại hướng cuộc sống bên ngoài sân cỏ của mình theo con đường làm từ thiện.

Bàn thắng để đời

Nhắc đến Mỹ Oanh nhiều người nhớ ngay đến một cô gái tròn trịa, có khuôn mặt xinh xắn, thi đấu rất lăn xả, quyết liệt và không ngại va chạm đã có một thời làm chủ ở khu vực giữa sân. Chị được xem là buồng phổi trong đội hình thế hệ vàng của bóng đá nữ cùng với thủ môn Kim Hồng, các hậu vệ Kim Phụng, Mai Thị Hạnh, Thúy Nga, tiền vệ Minh Nguyệt, Hiền Lương, Ngọc Mai, tiền đạo Nguyễn Thị Hà. Tuy thi đấu rất âm thầm với nhiệm vụ đánh chặn từ xa đảm bảo an toàn cho hàng thủ và phát động tấn công nhưng Mỹ Oanh vẫn ghi được dấu ấn với bàn thắng để đời giúp VN thắng chủ nhà Indonesia giành HC đồng tại SEA Games năm 1997. Cú sút cháy lưới đối phương lúc đó cứ được ti vi chiếu đi chiếu lại nhiều lần sau này đã được dùng làm hình hiệu cho nhiều chương trình thể thao hệt như bàn thắng của Trần Minh Chiến ở Chiangmai.

 Mỹ Oanh trong đợt làm từ thiện
Mỹ Oanh trong đợt làm từ thiện - Ảnh: nhân vật cung cấp

Mỹ Oanh kể lại: “Bàn thắng đó rất có ý nghĩa với cá nhân tôi vì không những giúp cho toàn đội giành ngôi thứ ba mà còn giúp tôi tự tin hơn với con đường đã chọn. Trước đó tôi là dân điền kinh, mãi đến sau này tôi mới chuyển sang chơi bóng đá nữ cùng với thế hệ đầu tiên của bóng đá TP.HCM như Nguyễn Thị Hải, Băng Tâm. Thời đó bóng đá nữ chưa được quan tâm như bây giờ, thậm chí con gái đá banh còn bị soi mói có cái nhìn lệch lạc. Nhưng phải nói là nhờ sự đột phá của quận 1, đặc biệt là nỗ lực của chú Tư Ngữ và những HLV tâm huyết như Trần Anh Tuấn, Đặng Thiên Vạn, bóng đá nữ TP.HCM mới có sự phát triển dần theo chiều hướng tích cực. Thêm vào đó do say mê và thừa hưởng gien của cha mình là cựu danh thủ Đỗ Minh Khá, nên tôi càng chơi càng muốn dấn thân, bất chấp lúc đó chẳng biết tương lai sau này thế nào. Cũng may là nhờ chiếc HC đồng SEA Games 1997, cách nhìn và đối xử của mọi người với các cô gái đá bóng mới khác đi và là tiền đề cho sự tiến bộ bây giờ”.

Nhưng so với nhiều đồng đội khác, Mỹ Oanh lại không may mắn bằng khi cô liên tục dính chấn thương vì lối đá đôi lúc khá rắn của mình. Lần chấn thương nặng nhất khiến cô dù rất nỗ lực nhưng vẫn đánh mất phong độ và quyết định phải chia tay sân cỏ là bị cơ kép (đau háng) ngay trước SEA Games 21 tại Malaysia. Mỹ Oanh nhớ lại: “Lúc đó tôi cảm thấy mình mất sự nghiệp cầu thủ rồi và đành phải chọn con đường học vấn để mong vẫn tiếp tục gắn với bóng đá nữ. Nhờ CLB Tao Đàn bố trí làm nhân viên quản lý khu nhà ở của nữ nên tôi vừa làm vừa học. Tôi phải học lại từ lớp 9 và đã kiên trì trong 6 năm để có được công việc làm trợ lý cho đội nữ Q.1 hiện nay”.

Không đủ của thì góp công

Mỹ Oanh cho biết dù đồng lương ít ỏi nhưng cuộc sống của cô hiện nay vẫn rất thi vị hơn nhiều nhờ cái tâm luôn hướng đến việc làm từ thiện. Oanh nói: “Cuộc sống bây giờ còn nhiều người khó khăn, nhiều hoàn cảnh bất trắc nên tôi noi theo cha mẹ và những người thầy của mình hằng tuần đều dành thời gian để đi làm việc thiện khi ở các tỉnh, thậm chí ở các vùng sâu vùng xa. Ngay khi đứng lớp tôi cũng luôn hướng các học trò của mình rèn luyện nhân cách và trau dồi đạo đức bằng những việc làm thiện nguyện”.

Hiện tại Mỹ Oanh tham gia hội từ thiện cùng cha mẹ hằng tháng nấu 500 suất cơm cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Nhi đồng. Cô kể: “Nấu bao nhiêu cũng không đủ vì bệnh nhân đông mà tài chính của hội cũng không phải dồi dào gì. Từ đó tôi có suy nghĩ mình không có tiền nhiều thì mình xin góp thêm công sức chăm sóc cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Thế nên tôi quyết định theo người thầy từng là bác sĩ của đội bóng đá nữ trước đây là thầy Võ Khai Nghiệp học thêm nghề chữa bệnh tại Ni viện Phước Long (Q.9) để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Làm việc thiện thầm lặng hệt như lúc đá trên sân cũng lặng lẽ, nhưng mỗi khi có người đề cập đến một nửa của mình, Mỹ Oanh vẫn thoáng chút buồn: “Nhiều người nói tôi chắc là ký án chung thân chuyện tình cảm của mình vì đã hơn 40 tuổi rồi mà vẫn đi về có một mình. Tôi cũng không biết nói làm sao. Vợ chồng là duyên số, may mắn thì nó đến còn không thì biết than trời chứ nói gì bây giờ. Tôi cũng đã mở lòng nhiều nhưng có lẽ cơ duyên chưa đến”.

Đỗ Thị Mỹ Oanh sinh năm 1969, tiền vệ phòng ngự, là nhân tố chính trong đội hình thế hệ vàng của bóng đá nữ, huy chương vàng giải tiền SEA Games 19 năm 1997, HC đồng SEA Games 1997, vô địch giải quốc tế mở rộng, vô địch giải bóng đá nữ quốc gia và vô địch giải Đại hội TDTT toàn quốc năm 2000.

An Mẫn

>> Cơ hội dự World Cup của bóng đá nữ VN
>> Bóng đá nữ VN đặt mục tiêu vào VCK World Cup 2015
>> Bóng đá nữ VN chưa vượt trội so với Thái Lan và Myanmar
>> Đội tuyển bóng đá nữ VN trẻ hóa mạnh mẽ!
>> Tuyển bóng đá nữ VN hòa Đài Loan 1-1
>> Hành trình vất vả của tuyển bóng đá nữ VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.