Dọc đường SEA Games - Kỳ 8: Đi chùa tắm Phật, cúng dường

13/12/2013 09:00 GMT+7

Từ sáng sớm cho đến chiều tối, chùa vàng Shwedagon lúc nào cũng tấp nập tín đồ và khách du lịch.

Từ sáng sớm cho đến chiều tối, chùa vàng Shwedagon lúc nào cũng tấp nập tín đồ và khách du lịch.

>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông

Dọc đường SEA Games - Kỳ 8: Đi chùa tắm Phật, cúng dường
Chùa Shwedagon gây ấn tượng mạnh với hàng chục ngôi chùa nhỏ quanh tòa tháp trung tâm - Ảnh: Bạch Dương

Ở đất nước có hàng vạn cảnh chùa, chùa vàng Shwedagon ở Yangon được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar. Hằng ngày, từ 4 giờ sáng cho đến 10 giờ tối, chùa mở rộng cửa để khách thập phương đến tham quan, cúng bái và cầu nguyện.

Những người xây dựng chùa từ hơn 2.500 năm trước hẳn không thể ngờ có ngày, khách hành hương đến chùa Shwedagon không còn phải khó nhọc leo lên đỉnh đồi Singuttara ở Yangon, mà được thang máy đưa thẳng lên đến nơi. Chùa Shwedagon chiếm nguyên quả đồi, nên thang máy cũng được bố trí đủ ở bốn hướng đông - tây - nam - bắc. Tuy nhiên, hầu như chỉ có những người lớn tuổi, hoặc sức khỏe yếu phải ngồi xe lăn, hoặc những bà mẹ bế con nhỏ chọn đi thang máy; còn hầu hết đều thích thong thả đi bộ lên chùa...

Chúng tôi lên chùa qua cổng phía nam, nơi có đôi sư tử cao hướng mặt về phía trung tâm thành phố Yangon. Sau khi mua vé với giá 8 USD, chúng tôi được dán một sticker tròn lên áo, có giá trị tham quan trong nguyên ngày. Có phần bất ngờ khi quy định trang phục vào chùa Shwedagon thoáng hơn nhiều so với chùa vàng Uppatasanti ở thủ đô Nay Pyi Taw. Phụ nữ không bắt buộc phải mặc longyi, chỉ cần áo có tay là được. Nam cũng chỉ cần mặc quần vừa qua gối là ổn. Giày dép cũng chẳng phải gửi lại mà được phép bỏ vào túi xách theo lên chùa.

Tuy nhiên, điểm chung của hai ngôi chùa này là người Myanmar không phải mua vé vào chùa. Và nếu muốn, họ có quyền yêu cầu Ban Quản trị chùa xuất hóa đơn khi cúng dường cho chùa. Việc cúng dường cũng tùy tâm và ý muốn của mỗi người, có người thích dùng tiền của mình để trùng tu các tượng Phật, các tòa tháp, nhưng cũng có người muốn tiền của mình được dùng để trang trải chi phí nước uống cho khách đến chùa, hoặc thậm chí để... bảo trì các cụm thang máy của chùa, hay như thông qua Ban Quản trị chùa, để gửi đến các tổ chức, cơ sở từ thiện cũng đều được đáp ứng.

Người Myanmar đi chùa trong mọi tâm trạng. Khi vui cũng lên chùa, khi gặp vấn đề khó khăn, bế tắc cũng tìm đến cửa Phật, mà không vui, không buồn cũng lên chùa nếu có thời gian. Ai lên chùa Shwedagon cũng tìm đến tượng Phật mang bổn mạng ngày sinh trong tuần của mình để tắm cho tượng Phật. Nếu ai không nhớ mình được sinh ra vào thứ mấy trong tuần, thì đã có sẵn những hướng dẫn viên luôn cầm theo bên mình cuốn lịch vạn niên bỏ túi tra giúp. Từng hàng người kiên nhẫn chờ đến lượt mình bước vào tắm mát cho tượng Phật bổn mạng của mình. Cái cảm giác đang xếp hàng chung với những người có chung thứ sinh trong tuần với mình cũng vui vui. Chúng tôi cẩn thận dùng tay phải để múc nước tắm Phật, thế nhưng sau một hồi quan sát, đã phát hiện người Myanmar dùng cả hai tay để múc nước, chẳng hề kiêng cữ “tay dơ” như nhiều tài liệu hướng dẫn du lịch đã nêu.

Dù trong sân chùa lúc nào cũng tấp nập người, nhưng xem ra ai cũng chú ý tránh không đạp vào bóng của các nhà sư in trên nền đất. Các nhà sư lúc nào cũng được tôn trọng, nhường bước.

Có rất nhiều con số được đưa ra về lượng vàng và kim cương được dát lên ngọn tháp của chùa Shwedagon, những con số vừa khiến người ta kinh ngạc và cũng có thể làm dấy lên sự ngờ vực: hơn 30 tấn vàng và hàng trăm viên kim cương. Chính người Myanmar cũng có một vài người cho rằng đó chỉ là màu sơn đặc biệt thôi. Tuy nhiên, chính mắt chúng tôi thấy những tín đồ Phật giáo mua những lá vàng mỏng để dát lên các tượng Phật. Và chúng tôi cũng không bỏ qua cơ hội được một lần mua vàng lá, dát lên pho tượng mà mình cảm thấy có duyên, ở vị trí mà mình lúc đó tự nhiên muốn dát lên...

Hơn 2.500 tuổi, chùa Shwedagon vừa giữ được vẻ cổ kính, vừa là cụm kiến trúc tôn giáo bậc thầy với những bài trí nội thất được chạm khắc tinh vi khiến ai một lần đến cũng đều phải trầm trồ thán phục. Vào từng khoảng thời gian trong ngày, chùa Shwedagon lại mang một nét đẹp riêng, lúc uy nghi, lúc huyền bí, nhưng luôn toát lên sự vững chãi, che chở, sáng rực cả một góc trời Yangon. Chả trách bất kỳ người dân Myanmar nào trong đời cũng phải một lần đến chùa Shwedagon. Còn với khách phương xa cũng có câu, chưa đến chùa Shwedagon là xem như chuyến đi đến Myanmar chưa trọn vẹn.

Hạnh Ngân

>> Lễ khai mạc SEA Games 27: Bữa tiệc rực rỡ sắc màu
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 11.12
>> Công chúa Thái Lan trở lại SEA Games
>> SEA Games vắng Quang Liêm
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> SEA Games 2015 bỏ nhiều môn thế mạnh của VN
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 10.12
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 9.12
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 8.12 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.