Myanmar tạp lục - Kỳ 4: Những nghề sắp tuyệt chủng

17/12/2013 09:00 GMT+7

Đó là những nghề độc đáo. Chỉ cách đây hai năm, chúng còn rất phổ biến trong cuộc sống của người dân Myanmar. Nhưng với sự phát triển quá nhanh, những nghề này đang bước vào dĩ vãng…

Đó là những nghề độc đáo. Chỉ cách đây hai năm, chúng còn rất phổ biến trong cuộc sống của người dân Myanmar. Nhưng với sự phát triển quá nhanh, những nghề này đang bước vào dĩ vãng…

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 3: Trà cóc ở Yangon
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 2: Kỳ thú nước Cù Là
>> Myanmar tạp lục - Ngộ nghĩnh Yangon

Kiểu bán nước lạnh có một không hai trên thế giới - Ảnh: Nguyễn Tập
Kiểu bán nước lạnh có một không hai trên thế giới - Ảnh: Nguyễn Tập 

Bán nước lạnh

Myanmar đang bước vào mùa lạnh (từ tháng 11 đến tháng 2). Nhưng lạnh đâu chẳng thấy, chỉ thấy đi bộ một hồi là mồ hôi đầm đìa. Cộng với khói bụi từ những con đường đang thi công, khói xe làm người nhớp nháp khó chịu. Lúc này, tôi chỉ thèm một điều duy nhất: có ly nước lạnh thật to. Vừa cầu đã thấy bà bán nước ngay góc đường trước mặt. Đúng ra tôi đã mua nước suối đóng chai vừa sạch vừa tiện, nhưng chính cách bán nước lạnh kỳ lạ đã kéo chân tôi lại. Bán nước lạnh thì có gì lạ? Khoan đã, hãy xem nhé…

Một cục nước đá được giữ thẳng đứng bằng một khung tự chế, lồng trong một cái phễu bằng vải mùng. Bà dùng ly khỏa nhẹ rồi múc nước từ trong xô, rưới từ từ xuống cục nước đá. Đoạn, bà dùng ly (hoặc chai nhựa) hứng nước chảy từ cục đá xuyên qua cái phễu phía dưới. Nước đã được làm lạnh một cách thông minh và tiết kiệm như thế… Để gây sự chú ý của người đi đường, bà gõ gõ hai cái ly vào nhau theo một nhịp điệu rất vui tai. Chỉ cần bỏ 50 kyat (1.000 đồng) là bạn đã có một ly (chai) to nước mát lạnh.

Năm ngoái, cùng với Cuba và Triều Tiên, Myanmar còn là đất nước thứ ba sót lại trên thế giới mà Coca Cola chưa "xâm chiếm". Tháng 6.2013, Coca Cola vừa tuyên bố sẽ xây dựng lại nhà máy ở Myanmar, chính thức trở lại thị trường này sau 60 năm vắng bóng vì tình hình chính trị. Họ sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn người dân nhưng đồng thời sẽ “cướp” mất việc của một số khác, trong đó nghề bán nước lạnh này.

“Bây giờ bán ế lắm vì người ta thích uống nước suối đóng chai hơn”, bà bán nước chép miệng rồi nhìn sang bên kia đường, nơi “đối thủ” của bà - một cửa hàng tiện lợi mới khai trương. Nhìn cái xô nước cũ kỹ, móp méo của bà, tôi chỉ biết ngậm ngùi im lặng…

Đánh máy chữ

Tính đến nay, phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft Word đã ra đời trên dưới 20 năm, nhưng ở Myanmar, trước cửa tòa án, các văn phòng liên quan đến pháp luật luôn có rất nhiều người đánh máy dịch vụ. Đương nhiên là đánh máy chữ “cơ” chứ không phải ngồi nhấp chuột và gõ bàn phím.

Ở một góc nhỏ trên vỉa hè là một cái bàn cũng nhỏ, bên trên là một tấm bạt hoặc chiếc dù để che nắng mưa, họ ngồi đó thoăn thoắt đôi tay trên bàn máy đánh chữ truyền thống. “Giấy tờ thường được viết tay, nhưng các văn bản pháp luật ở đây thường có cỡ 21x34 cm nên phần lớn máy in hiện đại không xử lý được. Đánh một trang giấy thì thu được 2.000 kyat (40.000 đồng)”, ông Victor Maung Han, 67 tuổi, đánh máy gần khu vực Tòa án tối cao, cho biết. Rồi ông thở dài: “Bây giờ còn cầm cự được do cũng có khách hàng quen, nhưng rồi mai mốt máy vi tính tràn vào chắc tôi sẽ nghỉ ở nhà”. Tiếng gõ lọc cọc lại vang lên, xen lẫn trong tiếng thở dài của ông lão.

Cho thuê điện thoại

Với mức lương trung bình khoảng 100 USD/tháng và giá phải trả cho một cái sim điện thoại di động bằng hoặc hơn một tháng lương (thời điểm năm 2011, giá sim điện thoại gần 500 USD/cái), liệu bạn có xài điện thoại di động không?

Câu trả lời: Chưa chắc. Hầu hết dân Myanmar đều sử dụng điện thoại công cộng, gọi là PCO (Public Call Outlet). Gọi vậy cho sang chứ thật ra chỉ có một cái bàn cũ, đặt ngay ngắn bên đường để không choán lối đi, trên bàn là hai, ba máy điện thoại bàn có nút bấm từ thời xa lơ xa lắc. Khách đưa số, sẽ có người nhanh chóng tìm mã vùng rồi lấy viết ghi lại thời gian vào cuốn tập bên cạnh. Mỗi cuộc gọi có giá 100 kyat/phút.

Cùng với giá sim đang ngày càng giảm, tháng 6 vừa rồi, chính phủ Myanmar đã chọn được hai nhà mạng từ Na Uy và Qatar để cung cấp dịch vụ di động. Vì vậy, trong tương lai gần, mỗi người Myanmar có thể sở hữu những chiếc sim giá rẻ. Rồi ai sẽ nhớ đến những cái bàn điện thoại công cộng này nữa?

Nguyễn Tập

>> Người Myanmar nô nức đi ‘làm thẻ’ SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.