Myanmar tạp lục - Kỳ 5: Hai mặt của Yangon

18/12/2013 09:00 GMT+7

Bên này trung tâm đèn đuốc sáng rực, bên kia sông đèn cầy le lói. Bên này trung tâm ô tô nhộn nhịp, bên kia sông tấp nập xe thồ. Và không chỉ có thế...

Bên này trung tâm đèn đuốc sáng rực, bên kia sông đèn cầy le lói. Bên này trung tâm ô tô nhộn nhịp, bên kia sông tấp nập xe thồ. Và không chỉ có thế... 

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 4: Những nghề sắp tuyệt chủng
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 3: Trà cóc ở Yangon
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 2: Kỳ thú nước Cù Là
>> Myanmar tạp lục - Ngộ nghĩnh Yangon

Myanmar tạp lục - Kỳ 5: Hai mặt của Yangon
Xóm nghèo Cha Shin Taz - Ảnh: N.T

Bên kia thành phố

Hơn 5 giờ sáng, Shwe Oo đã thức dậy. Anh ăn vội tô mohinga (món ăn sáng phổ biến của người Myanmar) nấu từ tối qua, lục đục bỏ thức ăn dành cho bữa trưa vào cái cà mèn nhỏ rồi tất tả đi thẳng về hướng phà Dala… Shwe Oo chỉ là một trong hàng ngàn thanh niên nghèo vùng ngoại ô Yangon đổ vào trung tâm thành phố mỗi ngày để đi làm, tìm việc. Shwe Oo hiện đang làm phục vụ bàn cho một quán ăn tại trung tâm và những câu chuyện kể về bản thân, về gia đình anh đã làm tôi thật sự tò mò đối với cuộc sống bên kia sông.

Chiếc phà từ cầu tàu Pansodan hụ lên một hồi rồi từ từ băng qua con sông Yangon đục ngầu. Cùng theo chuyến phà là đàn hải âu đến hàng trăm con bay rợp cả một góc sông. Đi qua phà, dân địa phương chỉ phải trả 100 kyat (2.000 đồng), nhưng tôi là khách nước ngoài nên phải trả đắt hơn 20 lần (khoảng 40.000 đồng). Bên kia sông là huyện Dala. Bắt đầu từ đây được xem là “lãnh địa” của người nghèo.

Giống như quận 2 ở TP.HCM hơn 20 năm trước, chỉ cách một con sông nhưng cuộc sống hai bên bờ khác hẳn. Trước khi đi tôi đã lục bản đồ tìm đường mà đành chịu. Bản đồ Google vẽ chi tiết đến từng con hẻm nhỏ ở trung tâm thành phố, nhưng sang bên kia thì để trắng, chỉ còn vài cái tên quận, huyện vô hồn.

Vừa xuống phà là khung cảnh quen thuộc của VN những năm trước. Người mua, kẻ bán la í ới; xe máy, xe đò nêm kín người, thả khói mù trời… Tôi xuống phà, đi bộ ra ngoài gặp xe thồ hỏi đường đến những làng nghèo để tìm hiểu cuộc sống của họ. “Bên này toàn là dân nghèo cả. Đi đâu cho xa, về xóm tôi ngay sát đây, anh sẽ biết được chúng tôi sống thế nào”, Aung Ley đề nghị. 

Xóm nghèo

 

Myanmar hiện có khoảng 60 triệu dân, là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á về tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí. Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Kế hoạch tài chính Hạ viện, năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp là 37%, hơn 1/4 dân số sống ở mức cực nghèo. Tỷ lệ biết đọc viết là 83%.

Aung Ley (24) tuổi nhưng có thâm niên chạy xe thồ, xe ôm gần 10 năm. Tuy vậy, anh vẫn chưa thể sắm cho mình một chiếc xe cho riêng mình. “Một chiếc xe đạp làm gì đến nỗi không có tiền mua?”, tôi ngạc nhiên. “Một chiếc xe bình thường giá chỉ tầm 150.000 kyat (khoảng 3 triệu đồng). Nhưng xe thồ ở đây cũng có bảng số. Và chính quyền hạn chế chạy xe thồ nên giá một cái xe có bảng số lên tới... 850.000 kyat (khoảng 17 triệu đồng)”, anh giải thích.

Cũng chính vì thế, Aung Ley và nhiều người chạy xe thồ, xe ôm ở đây vẫn phải thuê xe với giá 1.000 kyat/ngày cho xe thồ và 2.000 kyat/ngày cho xe gắn máy. Đi đâu với tôi anh cũng kè kè cái nón bảo hiểm bên mình. “Cái nón đến 15.000 kyat (300.000 đồng), bằng tiền chợ 5 ngày của cả nhà tôi đó. Chạy xe thồ, xe ôm nên bắt buộc phải mua thôi”, anh nói.

Xóm của Aung Ley tên là Cha Shin Taz. Thật ra, đây chỉ là cái tên phiên âm từ lời của Aung Ley. Vì khi tôi nhờ anh viết ra, anh mới thú nhận chỉ mới học đến lớp 4. Còn tiếng Anh thì học lóm, nghe Tây nói sao bắt chước vậy, nên không biết đọc, viết.

Xóm vắng ngắt (vì thanh niên trong xóm kéo nhau qua bên kia sông đi làm hết), chỉ có mấy đứa trẻ thò lò mũi xanh giương cặp mắt tò mò nhìn tôi. Đi bộ vòng quanh xóm cũng chỉ thấy một tiệm chạp phô với lèo tèo bánh, kẹo, mớ rau, con cá… Nhà Aung Ley và nhiều nhà trong xóm vẫn còn xài đèn cầy. Nước thì đi bộ khoảng 1 km có cái giếng bơm của UNICEF tài trợ từ năm 2008. 

Tôi cũng ghé thăm nhà Shwe Oo. Nhà anh nằm sát một nhánh sông Yagon, từ đây vẫn có thể nhìn sang bên kia trung tâm TP.  Gọi là nhà, nhưng đúng hơn nó là cái chòi tre chừng 2,5 x 5 m. Vách và nền cũng bằng nứa, tre đập dập ra, nên ngồi trong nhà mà gió cứ lùa vào mát rượi. Shwe Oo đi làm chưa về, nhà chỉ có cô vợ và đứa con mới sinh chưa đầy năm. Cô vợ ở nhà chăm con, kiếm thêm thu nhập bằng việc bán than. Mỗi bịch nhỏ bán giá 100 kyat.

Hơn 7 giờ tối, Shwe Oo vẫn chưa đi làm về. Đứa nhỏ chắc đói bụng lại è ẹ khóc. Cô vợ bước vào cái chòi tre, châm ngọn đèn cầy rồi xốc nó lên cho bú. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn cầy, cô ngồi đó nhưng mắt vẫn hướng về trung tâm thành phố sáng rực đèn, chẳng biết đang nghĩ ngợi gì…

Nguyễn Tập 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.