Myanmar tạp lục - Kỳ 8: 'Xe đò' trên không

21/12/2013 10:25 GMT+7

'Hành khách đi Mandalay vui lòng bước xuống, đi Yangon cứ ngồi lại. Vài phút nữa chúng ta lại tiếp tục hành trình...', nghe tiếng loa phát lên mà tôi cứ ngỡ mình đang đi trên chuyến xe dù, chuyên đón trả khách dọc đường.

'Hành khách đi Mandalay vui lòng bước xuống, đi Yangon cứ ngồi lại. Vài phút nữa chúng ta lại tiếp tục hành trình...', nghe tiếng loa phát lên mà tôi cứ ngỡ mình đang đi trên chuyến xe dù, chuyên đón trả khách dọc đường.

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 7: Muôn kiểu tâm linh
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 6: Biểu tượng quyền lực Myanmar
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 5: Hai mặt của Yangon

 Đặt xen kẽ vàng miếng vào những tấm giấy bằng bột tre rồi dùng búa tạ nện để cán mỏng vàng ra - Ảnh: N.Tập
Đặt xen kẽ vàng miếng vào những tấm giấy bằng bột tre rồi dùng búa tạ nện để cán mỏng vàng ra - Ảnh: N.Tập

Trái với chặng bay quốc tế lúc mới sang, chuyến bay nội địa từ Nay Pyi Taw đến Mandalay cho tôi trải nghiệm khá thú vị. Ai cũng biết, internet ở Myanmar “nhõng nhẽo” bậc nhất nên chẳng hãng máy bay nào chịu đầu tư cho việc bán vé online. Hầu hết phải mua tại sân bay hoặc đại lý. Tối qua lướt trên mạng tôi mới biết nước Đức khuyến cáo người dân của họ không nên đi máy bay Myanmar vì kém an toàn. Cũng hơi ớn nhưng tiền vé trả 160 USD rồi, vả lại đã trải nghiệm xe buýt chật như nêm và tàu lửa “siêu rùa” 20 km/giờ nên dù đắt, bay vẫn là “đáp án cuối cùng”.

Tôi cầm tấm vé máy bay không có số ghế hỏi tiếp viên thì được trả lời: “Anh có thể ngồi bất cứ chỗ nào còn trống”. VN có cửa hàng tự chọn thì Myanmar cũng có máy bay... tự chọn (chỗ ngồi). Vui thật. Thế thì tôi chọn hàng đầu tiên ngồi cho “hãnh diện”. Khi đã yên vị, tôi chợt nghe giọng anh tiếp viên loáng thoáng “Yangon”. Chết, bảng điện tử ghi rõ chuyến bay của chúng tôi đi Mandalay mà. Tôi hỏi người bên cạnh, anh ta đưa tấm vé ghi đúng số chuyến bay của tôi, nhưng điểm đến lại là... Yangon. Tôi gọi cô tiếp viên: “Chuyến bay này đi Yangon?”, cô ta cũng gật đầu. Lộn chuyến rồi. Máy bay đã rùng rùng chạy trên đường băng. Thôi kệ, đến đâu hay đó, dù sao cũng đã lỡ.

Thế mà ai ngờ, sắp hạ cánh, giọng phi công lại vang lên cho biết sau khi “thả” và đón khách ở Mandalay, sẽ bay tiếp tới Yangon. Lúc này, tôi mới vỡ lẽ máy bay ở Myanmar cũng là dạng như “xe đò”, bay một vòng và dừng lại ở các thành phố lớn như Yangon, Mandalay, Heho, Bagan. Vì vậy, kinh nghiệm bỏ túi cho các bạn du lịch Myanmar lần đầu: chuyện bỏ một, hai điểm dừng thường xảy ra nên phải hỏi rõ cả hành trình chứ không chỉ là nơi đến trước khi bay.

Công nghệ vàng lá

Tôi bật cười khi đọc về tảng đá thiêng Golden rock cao gần 8 m ở Mon state. Người Myanmar thật lạ, đến tảng đá cũng được dát đầy vàng thì chẳng có gì là không thể dát. Mà thật thế, ở Myanmar, vàng đã trở thành một thứ “tôn giáo”. Đa số chùa đều có đỉnh mạ vàng, lá vàng được dát trên tượng Phật, người giàu còn dùng vàng lá để dát lên trần nhà, tường, đồ nội thất... Không nhiều người Myanmar gửi tiền trong ngân hàng. Thay vào đó, họ dùng tiền để mua vàng lá cúng chùa. Có lẽ đó là một dạng tiết kiệm khác: tiết kiệm cho đời sau. Vàng lá từ đâu ra, làm bằng cách nào? “Nơi làm vàng lá duy nhất, và “độc quyền” cho cả Myanmar, chính là phường Myet-par ở Mandalay”, một người địa phương cho biết.

“Ping, poc, ping, poc...”, âm thanh lạ tai này đã lọt vào tai tôi từ đằng xa, trước khi bước vào King Galon, một trong những xưởng sản xuất vàng lá từ lâu đời. Cũng như hầu hết 70 xưởng làm vàng lá tại đây, King Galon là doanh nghiệp gia đình. Con gái làm hướng dẫn viên. Người cha quản lý, mẹ và các dì làm khâu đóng gói. Đến bà ngoại 73 tuổi cũng không chịu “nghỉ hưu” (bà làm nghề này đã hơn 50 năm).

Tôi vào trong xưởng xem các công đoạn làm vàng. Ba người đàn ông ở trần, mặc longyi đang liên tục nện búa vào một gói nhỏ đặt trên cục đá hoa cương để đập vàng cho mỏng ra. Kế bên anh thợ là một dụng cụ khá lạ mắt làm bằng vỏ trái dừa. “Đồng hồ nước đấy! Sọ dừa khô được khoan một lỗ ở đáy, để nước tràn vào từ từ làm sao trong đúng ba phút sọ dừa sẽ chìm xuống đáy chậu nước. Bằng cách này, chúng tôi không cần đồng hồ bấm giờ nữa”, Sai Ko Ko, hướng dẫn viên tại xưởng giải thích.

Tôi xin nện thử. Cầm cây búa tạ nặng 3 kg, nện chưa hết một hiệp (3 phút) tôi đã lè lưỡi. Vậy mà để làm ra những miếng vàng lá thành phẩm, họ phải nện hơn... 20.000 lần (tổng cộng 6 tiếng). “Mỗi tháng chúng tôi được trả lương 90.000 kyat (khoảng 1,8 triệu đồng)”, người thợ hổn hển trả lời.

Tôi ngồi chơi hỏi chuyện một hồi rồi chào mọi người ra về. Bỗng bà ngoại Hla Hla ngoắc tôi lại: “Này, lại đây!”, rồi dùng một miếng vàng nhỏ dán lên trán tôi: “Chúc cậu may mắn!”. Bà cười móm mém, nhe cả hàm chỉ còn lợi...

Công đoạn làm ra vàng lá

Dùng miếng vàng nguyên chất nặng 12 gr, dài khoảng 160 cm, cắt làm 200 miếng, đặt xen kẽ vào giữa những tấm giấy làm từ bột tre (vì giấy này rất chắc) rồi dùng búa nện trong 30 phút. Sau đó, lấy mỗi miếng cắt làm 6 miếng nhỏ khác (tổng cộng được 1.200 miếng) nện tiếp thêm 30 phút. Tiếp tục đổi miếng giấy tre khác và nện lần cuối trong 5 tiếng mới ra được miếng vàng lá thành phẩm.

Nguyễn Tập

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 4: Những nghề sắp tuyệt chủng
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 3: Trà cóc ở Yangon
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 2: Kỳ thú nước Cù Là
>> Myanmar tạp lục - Ngộ nghĩnh Yangon
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 8: Đi chùa tắm Phật, cúng dường
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.