22 năm ký ức SEA Games tại Singapore

04/06/2015 14:00 GMT+7

(TNO) 22 năm trước tôi lần đầu tiên được Ban biên tập phân công đi SEA Games 17. Đó là lần xuất ngoại đầu tiên đến đất nước Singapore, và giờ đây sau hơn 2 thập niên tôi lại vinh dự có mặt tiếp ở kỳ SEA Games diễn ra trên đảo quốc sư tử này.

(TNO) 22 năm trước tôi lần đầu tiên được Ban biên tập phân công đi SEA Games 17. Đó là lần xuất ngoại đầu tiên đến đất nước Singapore và giờ đây, sau hơn 2 thập niên tôi lại vinh dự có mặt tiếp ở kỳ SEA Games diễn ra trên đảo quốc sư tử này.

Tác giả bài viết và cựu võ sĩ quyền anh Huỳnh Viết Khánh tại sân bay - Ảnh: T.K

Năm 1993 Báo Thanh Niên cử 2 phóng viên đi tác nghiệp tại SEA Games 17. Ngoài tôi là phóng viên thể thao khi đó còn có anh Danh Đức, phóng viên viết mảng quốc tế nhưng cũng là người mê thể thao.

Anh Danh Đức có kinh nghiệm hoạt động nên hỗ trợ rất nhiều cho tôi khi đó còn rất non tay nghề và chưa có nhiều hiểu biết về thế giới rộng lớn bên ngoài.

Đặt chân đến Singapore, chúng tôi chọn chỗ dừng chân là Bencollen, một khu vực thuận lợi gần trung tâm vì từ đây việc di chuyển bằng metro hay xe buýt đến các điểm thi đấu đều rất dễ dàng, thuận tiện.

Do chỉ có 2 người mà anh Danh Đức chuyên về dịch và viết bài phân tích nên “trụ” ở trung tâm báo chí, còn mọi cuộc thi đấu gần như có một mình tôi phải “ôm”.

Hồi đó chưa có internet như bây giờ nên thông tin muốn khai thác tốt phải chạy liên tục đến các điểm thi đấu. Có ngày tôi chạy đến 6-7 địa điểm khác nhau và cũng chẳng gần nhau.

Sau 22 năm, thể thao Việt Nam đã có bước tiến dài tại đấu trường SEA Games - Ảnh: Khả Hòa

Tôi còn nhớ khi đó mới tờ mờ sáng tôi đã phóng lên xe buýt đến trường bắn nằm ở Woodlands, cực bắc Singapore, đến trưa chạy vể nhà thi đấu bóng bàn ở Toa Payon, chiều lại “bay” sang Bedok để xem Judo và tối lại chạy về trung tâm báo chí để viết bài và fax về tòa soạn.

Ngày khác thì “bám” theo đội tuyển bóng đá hết sân tập ở Clementi rồi đến Jalan Besar, sau đó chạy sang sân Jurong ở bờ Tây rồi lại đảo về Tampines để xem taekwondo, chiều tối vào sân quốc gia xem điền kinh...

Nói chung lúc đó rất cực và điều kiện không thuận lợi như bây giờ. Nhưng đựơc đắm mình với thành tích của đoàn thể thao Việt Nam thì bao nhiêu sự cực khổ trong tôi cũng tan biến.

Tôi còn nhớ hạnh phúc nhất của cuộc đời phóng viên là được chứng kiến giây phút lá cờ Việt Nam được kéo lên trên sân đấu và tiếng nhạc “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên.

Tôi là một trong số ít phóng viên may mắn có mặt ở Bedok để nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay và không thể cầm được nước mắt khi nhìn Cao Ngọc Phương Trinh rồi Nguyễn Quốc Trung giành chiến thắng quá đỗi thuyết phục trước các đối thủ để đứng lên bục cao nhất giành huy chương vàng.

Những VĐV như Ánh Viên giúp chúng ta có thể so kè sòng phẳng cùng các nước ở những nội dung Olympic khắc nghiệt nhất - Ảnh: Khả Hòa

Lần khác tôi còn nhớ được xem võ đài thi đấu môn quyền anh tổ chức ngay sát mặt đường. Lúc đó quyền anh của Việt Nam mới hội nhập và chưa có một võ sĩ nào đủ sức để lọt vào bán kết chứ chưa nói chi đến việc giành huy chương ở SEA Games.

Lúc đó anh Nguyễn Thanh Đoàn, chủ tịch hội quyền anh TP.HCM và anh Nguyển Trung, tổng thư ký hội đồng thời cũng là trọng tài tại giải thuyết phục tôi hãy đến xem và động viên quyền anh biết đâu sẽ có bất ngờ.

Ban đầu tôi định không đi vì nghĩ chắc chẳng có cơ hội nào, nhưng rồi tôi quyết định đến xem. Và cũng đúng bất ngờ thật khi tôi chứng kiến đầy xúc động hình ảnh Huỳnh Viết Khánh mặt sưng húp và bê bết máu khi lọt vào bán kết và giành HCĐ.

Đó cũng là huy chương đầu tiên của quyền anh tại SEA Games từ khi hội nhập. Mới đây tôi gặp lại Huỳnh Viết Khánh bây giờ là HLV của đội quyền anh ở sân bay Changi khi bay cùng sang Singapore dự SEA Games lần này. Nhắc lại ký ức xưa mà Khánh ôm tôi như muốn khóc.

Có lẽ kỷ niệm khó quên nhất của tôi lại là có một đêm “hồi hộp” trong bệnh viện. Lúc đó tôi đang ngồi viết bài ở trung tâm báo chí, bên ngoài sân đang là trận đấu vòng loại bóng đá giữa chủ nhà Singapore và Indonesia, 2 đối thủ cùng bảng với tuyển Việt Nam.

Bóng bàn đem về tấm huy chương đầu tiên tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa

Bất ngờ loa phóng thanh ở trung tâm báo chí mời đích danh tôi lên phòng y tế. Tôi không hiểu chuyện gì với mình nên chần chừ không đi. Rất nhiều lần tiếng loa thúc giục đến nỗi khi đó một số phóng viên nước ngoài khác mà tôi mới quen đến gặp nhắc tôi đến gấp.

Khi tôi vừa đến gặp chuyên viên y tế thì lập tức giống như bị “áp giải” lên xe cấp cứu chạy như bay về bệnh viện quốc gia Singapore. Lúc đó trời tối, tôi lại ngồi cách ly với phía sau nên chỉ kịp biết người nằm trên xe phải đi cấp cứu là đồng nghiệp Danh Đức.

Lúc đó anh Đức bị bệnh khó thở và do không có phương tiện liên lạc với nhau (lúc đó chưa có điện thoại di động) nên đã nhờ bộ phận y tế thông báo cho tôi đi cùng để hỗ trợ anh.

Gần như cả đêm đó tôi ngồi như chết lặng trong bệnh viện vì tâm trạng cứ mãi lo lắng, không biết sức khoẻ của anh Danh Đức ra sao. Tôi chỉ cầu cho anh Đức không có chuyện gì để còn cùng tôi “chiến đấu” cho đến hết kỳ SEA Games 17 - năm 1993 này.

Cũng may là sau vài tiếng đồng hồ, sức khoẻ anh Đức trở lại bình thường. Nhưng các bác sĩ yêu cầu anh phải theo dõi thường xuyên, tránh làm việc nhiều, bị áp lực và tránh những xúc động quá mạnh ảnh hưởng tim mạch.

VĐV Nguyễn Tiến Nhật rạng rỡ với tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa

Thế là từ đó về sau anh Đức chủ yếu nằm nghỉ ở nhà, thi thoảng cũng có viết bài nhưng không thường xuyên như trước. Nhưng tôi thì lại không lúc nào không lo lắng vì để anh một mình lỡ có chuyện gì thì sao?

Thế nên tôi cứ phải chạy đi chạy về khách sạn xem anh thế nào và phải đến khi hết SEA Games, khi đặt chân về nước rồi tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Còn rất nhiều nữa những ký ức của 22 năm trước ùa về khi đặt chân trở lại đất nước Singapore. Đó mãi mãi là những kỷ niệm đáng nhớ bởi những gì thuộc lần đầu tiên vẫn luôn khó phai mờ trong tâm khảm của tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.