'Ánh Viên thần kỳ, nhưng sau Ánh Viên chưa thấy ai'

19/06/2015 09:11 GMT+7

(TNO) Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh ca ngợi Ánh Viên là VĐV bơi lội thần kỳ, tuy nhiên ông bày tỏ sự lo ngại khi sau Ánh Viên, bơi lội chưa tìm được ai kế cận để bồi dưỡng ngay từ bây giờ.

(TNO) Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh ca ngợi Ánh Viên là VĐV bơi lội thần kỳ, tuy nhiên ông bày tỏ sự lo ngại khi sau Ánh Viên, bơi lội chưa tìm được ai kế cận để bồi dưỡng ngay từ bây giờ.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh - Ảnh: Thúy Hằng
Chia sẻ với Thanh Niên Online trước 8 HCV và 8 kỷ lục của Ánh Viên ở kỳ SEA Games vừa qua, ông Nguyễn Hồng Minh không ngớt lời khen ngợi: “Ánh Viên là một VĐV thần kỳ, tuyệt vời. Cháu là mẫu hình 1 VĐV chuyên nghiệp, có thể lực, thể hình, ý chí, kỷ luật cao”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh cũng khẳng định thêm rằng, con đường sắp tới của Ánh Viên là vô cùng gian nan. Hiện tại, cô là người hùng của SEA Games, nhưng “bơi” từ SEA Games đến đấu trường ASIAD và Olympic là rất xa. Thành tích của Ánh Viên rất tốt nhưng vẫn kém xa mục tiêu HCV của ASIAD. Thành tích nội dung 200m, 400m hỗn hợp đều cách xa nhà vô địch ASIAD của Trung Quốc một số phút, giây.

“Chúng ta tin tưởng được với việc nếu tiếp tục đầu tư đúng hướng, một số nội dung của Ánh Viên được vươn lên châu lục, nhưng nhưng lấy HCV ASIAD và huy chương của Olympic là khó, nếu không muốn nói là rất khó. Cuối năm nay, Ánh Viên thi vô địch thế giới, quy tụ tất cả những người giỏi nhất, đây là cuộc thử nghiệm xem Ánh Viên trình độ như thế nào”, ông Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn.

Thể thao Việt Nam đã thay đổi nhận thức và cách làm

Cần phải nói thêm rằng, ông Nguyễn Hồng Minh về hưu tháng 3.2007 và trong suốt thời gian công tác của mình, cho đến trước ngày về hưu, ông Nguyễn Hồng Minh luôn là một trong những người luôn bảo vệ quan điểm thể thao Việt Nam phải thoát khỏi vùng trũng SEA Games. Tức là không phải quá lệ thuộc vào chương trình SEA Games thay đổi cứ 2 năm một lần, cũng như cứ cố gắng bám lấy vị trí top 3 trong bảng xếp hạng huy chương. Thay vào đó, thể thao Việt Nam phải hướng đến những bộ môn thi đấu Olympic, đó là đầu tư hơn đặc biệt hơn cho bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ (TDDC), boxing…
Ánh Viên đã giành được 8 HCV và 8 kỷ lục tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa
“Tôi không làm thống kê chúng ta đã đầu tư cho Ánh Viên đến nay là bao nhiêu tiền. Nhưng qua báo chí, tôi thấy sơ sơ cũng là 7 tỉ đồng. Từ trước đến nay, chưa VĐV nào của Việt Nam được quan tâm nhiều như vậy”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Ông Minh cho rằng, kết quả của Ánh Viên có được là kết quả của việc đầu tư đúng hướng. Đó là thể thao Việt Nam đã “thay đổi nhận thức và cách làm”, tức là đã quan tâm đến môn thể thao Olympic, đã biết lựa chọn VĐV ưu tú, có tiềm năng cho huấn luyện ở nước ngoài, nơi có thầy giỏi, có điều kiện chăm sóc VĐV tốt về mặt dinh dưỡng, hồi phục thể lực. 

Quy luật của thể thao thành tích cao là phải tìm được trẻ em giỏi, chịu đầu tư, quan tâm đến tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thể thao, có thầy giỏi, chăm sóc tốt, tài năng mới phát triển. 

“Ánh Viên là một em bé có tố chất. Sang Mỹ có thầy giỏi, huấn luyện chặt chẽ, chăm sóc tốt từ ăn uống, dinh dưỡng, điều chỉnh ăn uống, tập luyện và cháu đã tỏa sáng. Trong suốt lịch sử của thể thao Việt Nam, chúng ta tìm kiếm được nhiều trẻ em giỏi nhưng điều kiện trong nước không tốt, nên không lên đỉnh cao được” ông Nguyễn Hồng Minh phân tích về thành công của cô gái vàng bơi lội.

“Một số người cho rằng làm thể thao là đầy đọa trẻ em, như thế không đúng, muốn được thành tích cao trong thể thao thì người VĐV phải trui rèn, khổ luyện, chịu đựng gian khổ, đau đớn”, ông Nguyễn Hồng Minh nói thêm.

Sau Ánh Viên, sẽ là ai đây?
“Thể thao Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng hậu bị như thế nào để chúng ta có nhiều Ánh Viên khác" - ông Nguyễn Hồng Minh - Ảnh: Khả Hòa
Một thực tế đáng lo ngại là sau rất nhiều năm tìm kiếm, bơi lội Việt Nam mới có được cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên. Tất cả các địa phương đi đầu cho việc đầu tư môn bơi như Hà Nội, TP.HCM, Hải phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế giúp bơi lội có những VĐV trẻ. Nhưng, sau Ánh Viên, đến thời điểm này, chúng ta chưa nhìn thấy một trẻ em nào có tiềm năng, có thể vươn đến châu lụ, thế giới, đấy là một trở ngại lớn.

Không khó nhận ra rằng, trong các thành tích vô địch ở 36 nội dung bơi ở ASIAD 2014 vừa qua, Trung Quốc lấy 22 HCV trong đó 15 HCV của nữ, người Nhật 12 HCV, đủ thấy có HCV bơi lội ở ASIAD với Việt Nam là một thách thức lớn như thế nào.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, với thành tích của Ánh Viên ở SEA Games này, những người trong ngành thể thao chớ mừng vội cũng như chỉ biết “ngủ say mà quên không tìm kiếm, đào tạo nhân sự mới”. Bởi phát triển bơi, nâng cao trình độ bơi là đúng hướng, nhưng đây mới là bước khởi đầu.

“Thể thao Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng hậu bị như thế nào để chúng ta có nhiều Ánh Viên khác, để bơi ra biển lớn của châu lục, thế giới chứ không phải hài lòng với vùng trũng SEA Games”, người từng quản lý thể thao thành tích cao lên tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.