Ông Nguyễn Hồng Minh: 'SEA Games 28 thành công nhất trong lịch sử của Việt Nam'

17/06/2015 20:52 GMT+7

(TNO) Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận xét, SEA Games 28 là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử của Việt Nam, dù số lượng VĐV tham dự ít nhất.

(TNO) Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận xét, SEA Games 28 là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử của Việt Nam, dù số lượng VĐV tham dự ít nhất.

 
Bơi lội với Ánh Viên đã đem về đến 10 HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 - Ảnh: Độc Lập

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng sự thành công này chắc chắn không phải nhìn vào vị trí số 3 và tổng số huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam giành được, mà là sự thắng thế của các môn thể thao Olympic: bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ (TDDC), đấu kiếm, boxing…

Thay đổi từ nhận thức, cách làm

Theo người từng đứng đầu Vụ thể thao thành tích cao, ông Minh cho rằng để đạt được kết quả trên là nhờ sự thay đổi lớn về cả nhận thức và cách làm của toàn ngành thể thao Việt Nam.

Sau SEA Games 2011, SEA Games 2013 các nhà quản lý nhận thấy không nên phụ thuộc vào vi trí top 3, phụ thuộc vào chương trình SEA Games thay đổi sau 2 năm một lần mà phải mạnh dạn đầu tư vào những môn thể thao Olympic, cho những VĐV ưu tú được cơ hội tập luyện, đào tạo theo chuẩn quốc tế, dù kinh phí là rất lớn. Do đó, thời gian qua, nhiều VĐV Việt Nam được cử đi tập huấn tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo quy luật của thể thao thành tích cao, phải tìm được trẻ em giỏi, chịu đầu tư, quan tâm đến tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có thầy giỏi, chăm sóc tốt, tài năng mới phát triển và thành tích đạt tới đỉnh cao.

Một điều ít người biết, trong khi diễn ra SEA Games 28, ông Nguyễn Hồng Minh có trao đổi với ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, có thể vị trí thứ 3 của ta chưa chắc đã đạt được, nhưng các môn thể thao Olympic như bơi, điền kinh, TDDC rất mạnh, có thể mang về nhiều huy chương.

Chiến thắng tại SEA Games 28 in đậm dấu ấn của các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, TDDC... - Ảnh: Khả Hòa

Chiến thắng lớn từ các môn Olympic 

Thật sự đến bây giờ, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam thành công nhất trong tất cả các kỳ SEA Games ta tham dự: Đoàn thể thao Việt Nam đạt được vị trí thứ 3, các môn thể thao Olympic đạt số lượng HCV lớn nhất, trong đó môn bơi là một kỷ lục (11 HCV, trong đó riêng kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là 8 HCV, 8 lần phá kỷ lục).

Sở dĩ, phải nhấn mạnh môn bơi, bởi HCV bơi lội SEA Games của Việt Nam trước đây hiếm hoi như… lá mùa thu. Sau năm 1989, thời kỳ mở cửa, môn bơi được quan tâm phát triển trở lại nhưng suốt từ năm 1989 đến 2001, cả quãng đường dài mà bơi lội không… thành tích.

Năm 2001, tại SEA Games diễn ra ở Malaysia, VĐV Trần Xuân Hiền (Quảng Ninh) giành huy chương, không phải vàng nhưng người hâm mộ vui như Tết.

Đến năm 2005, VĐV Nguyễn Hữu Việt người giành HCV 100m ếch, tấm HCV giải khát sau sau 44 năm cả nước mỏi mòn chờ đợi (từ năm 1961, 1 VĐV miền Nam Việt Nam giành HCV).

Đến năm 2013, SEA Games ở Myanmar, Việt Nam mới giành 5 HCV, những cái tên Ánh Viên, Quý Phước, Lâm Quang Nhật bắt đầu được nhắc đến.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Có thể nhận thấy, sự chiến thắng của các môn thể thao Olympic tại kỳ SEA Games này, đặc biệt bơi lội, điền kinh, TDDC là kết quả của một thời gian dài đấu tranh trong nội bộ những người lãnh đạo ngành thể thao, biết đi tắt đón đầu.

Ông Nguyễn Hồng Minh nhận định: “Chiến thuật đi tắt đón đầu rất quan trọng. Trước chúng ta quá lệ thuộc vào các môn võ, wushu, giờ tình hình đã khác. Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, tập trung, mạnh dạn đầu tư phát triển các môn Olympic, thể thao Việt Nam còn tiếp tục vươn xa nữa”.

Truyền thông thay đổi cách nhìn

Ông Nguyễn Hồng Minh đưa ra một so sánh những kỳ SEA Games trước đây và SEA Games 28 ở góc độ truyền thông đưa tin: Trước đây, mở báo, mở ti vi ra là thấy nhắc đến bóng đá, bóng chuyền. Năm nay, kỳ SEA Games đã được các cơ quan truyền thông, báo chí tường thuật trực tiếp gần như tất cả các ngày thi đấu, với tất cả các môn thi đấu, đặc biệt ưu tiên các môn thể thao Olympic.

“Trước đây, người xem thể thao có muốn biết các môn thể thao như đấu kiếm, canoeing như thế nào cũng khó, vì có ai nói đến đâu. Tôi rất bất ngờ, hôm trước xem tường thuật ngày thi đấu môn đấu kiếm trên truyền hình, anh biên tập viên cũng giới thiệu, đấu kiếm là môn thể thao Olympic. Ngành thể thao có sự thành công như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ sự ủng hộ của truyền thông”, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.