Thảm họa trên sân bóng: Trận hỗn chiến tang thương ở Ataturk

10/11/2015 09:11 GMT+7

Bạo lực dường như đã trở thành “bản sắc” của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng chục năm qua. Nhưng trong lịch sử thảm kịch của bóng đá quốc gia này, trận hỗn chiến kinh hoàng trên sân Ataturk vào năm 1967 đến nay vẫn chiếm vị trí số 1 về sự tang thương.

Bạo lực dường như đã trở thành “bản sắc” của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng chục năm qua. Nhưng trong lịch sử thảm kịch của bóng đá quốc gia này, trận hỗn chiến kinh hoàng trên sân Ataturk vào năm 1967 đến nay vẫn chiếm vị trí số 1 về sự tang thương.
Trận hỗn chiến kinh hoàng ở sân Ataturk - Ảnh: takvimyapragi.com
Sự cạnh tranh thể thao, trong đó có bóng đá, luôn tạo ra uy quyền của một đội bóng tại địa phương, vùng miền, quốc gia hay lãnh thổ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài những trận derby kinh điển của các “ông lớn” ở thủ đô Istanbul, những cuộc đối đầu giữa các đội bóng thuộc thành phố cỡ vừa như Kayseri và Sivas cũng nóng bỏng không kém bởi đội thắng sẽ tạo uy danh ở một vùng. Tuy nhiên, những cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng láng giềng trên bắt đầu khốc liệt thực sự kể từ năm 1960 mà đỉnh điểm là thảm họa bạo lực trong trận đấu tang thương diễn ra vào năm 1967. Ngoài yếu tố thắng - thua để “lấy số” trong thể thao, sự thù địch trong các cuộc đụng độ bóng đá giữa Kayseri và Sivas một phần ảnh hưởng yếu tố kinh tế - xã hội. Bởi ở thời điểm đó, Kayseri phát triển và giàu có hơn Sivas. Các thương gia gốc Kayseri thống trị kinh tế ở Sivas...
Kể từ năm 1960, CLB Kayseri Erciyesspor và Sivasspor lần lượt ra đời sau khi sáp nhập các đội bóng nghiệp dư ở địa phương thành một đội để đủ điều kiện tham dự giải Second Football League, giải hạng ba Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó. Ngày 17.9.1967, 2 CLB lần đầu tiên đụng độ nhau trên sân Ataturk, sân nhà của Kayseri Erciyesspor. Đây thực sự là dịp hoàn hảo để các cổ động viên (CĐV) của 2 thành phố “biểu dương lực lượng” bởi Kayseri Erciyesspor và Sivasspor lúc bấy giờ đang chia nhau 2 vị trí đầu bảng của giải Second Football League.
Trận đấu khởi tranh vào lúc 16 giờ với gần 21.000 CĐV chen kín sân, trong đó hơn 5.000 CĐV đến từ Sivas. Sự thù địch giữa CĐV của 2 đội bóng biến thành ẩu đả sau khi Kayseri Erciyesspor ghi bàn mở tỷ số ở phút 20 khiến cầu thủ hai bên lao vào nhau. Trên khán đài, CĐV của Kayseri Erciyesspor và Sivasspor cũng “giáp lá cà” bằng những cơn mưa đá, pháo sáng, thậm chí một số người còn sử dụng cả súng và dao.
Theo mô tả của tờ Hurriyet, biết lép vế trước lực lượng quá lớn từ Kayseri, CĐV đến từ Sivas bỏ chạy ra hướng cửa để thoát thân nhưng lại bị cảnh sát đẩy lùi. Trong cơn hoảng loạn, hàng ngàn CĐV của Sivasspor tự giẫm đạp lên nhau để thoát ra cửa gần nhất. Khi làn sóng người được giải vây, những người chứng kiến rùng mình trước cảnh tượng khủng khiếp: 44 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương, phần lớn do bị giẫm đạp, ngạt thở và bị đâm, trong đó nạn nhân chủ yếu là CĐV của CLB Sivasspor.
Ngay sau khi bạo loạn nổ ra, trọng tài lập tức hủy bỏ trận đấu, còn cầu thủ của 2 đội rút nhanh vào phòng thay đồ. Các thành viên của đội khách bị nhốt ở phòng của họ trong nỗi sợ hãi bởi chỉ được bố trí một viên cảnh sát bảo vệ. “Nếu CĐV Kayseri Erciyesspor biết tất cả các thành viên của Sivasspor chỉ được bảo vệ bởi một cảnh sát, họ sẽ giết chúng tôi một cách không thương tiếc”, Yusuf Ziya Ozler, một cầu thủ của Sivasspor, chưa hết bàng hoàng kể lại ngay sau vụ hỗn chiến. Diễn biến sau đó càng tồi tệ hơn khi trận hỗn chiến trên sân là điểm khởi đầu cho bạo loạn tràn lan trên các đường phố của Kayseri và Sivas để biến trận đấu trên thành sự cố bạo lực bi thảm nhất trong lịch sử thể thao Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Hurriyet, sau khi rút khỏi sân, CĐV của Sivasspor trả đũa bằng cách đốt phá 60 chiếc xe, công trình công cộng trên đường phố Kayseri trước khi rời đi. Đến đoạn cao tốc giáp ranh giữa 2 thành phố, đoàn CĐV của Sivasspor tiếp tục hung hăng chặn đốt ô tô, xe buýt và xe tải có liên quan đến láng giềng Kayseri. Tại Sivas, người dân cũng nổi loạn đốt cháy các tòa nhà, cướp bóc và phá hoại các cửa hàng có liên quan đến người Kayseri trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Hơn 1 tuần sau, bạo loạn ở Sivas mới được đẩy lùi.
Đến nay, tấm thảm kịch trong cuộc đối đầu giữa Kayseri Erciyesspor và Sivasspor (2 CLB hiện đang chơi ở giải hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn chưa nguôi ngoai, bất chấp sân Ataturk đã bị đập bỏ để thay thế bằng sân Kadir Has. Những trận derby miền trung vẫn âm ỉ bạo lực góp phần tạo nên “bản sắc” chẳng mấy tốt đẹp của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.