Thể thao Việt Nam: Sẽ thay đổi chế độ đãi ngộ HLV, VĐV

06/10/2017 10:56 GMT+7

Ngày 6.10, lãnh đạo Tổng cục TDTT sẽ cùng làm việc với các bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư để bàn về dự thảo Nghị định quy định về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg về một số chế độ đối với HLV, VĐV nhưng sau 6 năm đi vào thực tiễn, văn bản này đã bộc lộ một số bất cập. Theo quyết định nói trên, mỗi HCV tại SEA Games được thưởng 45 triệu đồng, HCB được 25 triệu đồng và HCĐ là 20 triệu đồng. HLV trực tiếp được hưởng 60%, HLV cơ sở được hưởng 40% còn lại. Điểm vô lý ở chỗ, tỷ lệ phân chia tiền thưởng nói trên được áp dụng cho các môn thể thao cả đồng đội lẫn cá nhân, gây ra sự bất công lớn cho những môn thi đấu mang tính chất tập thể.
Đội tuyển điền kinh nhận thưởng 1,1 tỉ đồng
Ngày 5.10, tại Hà Nội, đội tuyển điền kinh VN được nhận thưởng do thành tích giành 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ ở SEA Games 29. Hội Doanh nhân G7 - Invest thưởng 1 tỉ đồng. Tập đoàn Lining thưởng 100 triệu đồng và Nguyễn Kim cùng Samsung VN thưởng mỗi VĐV đoạt HCV 1 smart TV 43 inch.
Ví dụ, ở môn điền kinh nội dung cá nhân, VĐV Nguyễn Thị Huyền được 2 HCV 400 m rào, 400 m nữ tương ứng với 90 triệu đồng tiền thưởng thì HLV Vũ Ngọc Lợi được hưởng 60% là 54 triệu đồng (mỗi HCV, ông Lợi được nhận 27 triệu đồng). Ở đội bóng đá nữ, vì là môn tập thể nên với tấm HCV SEA Games 29, mỗi VĐV được nhận 45 triệu đồng nhưng HLV Mai Đức Chung chỉ được nhận 60% của của 45 triệu đồng là 27 triệu đồng. Thêm một bất cập nữa là nguyên tắc chia thưởng không phân biệt HLV trưởng và các trợ lý, mà cào bằng như nhau. Nghĩa là dù trách nhiệm nặng nề hơn, công việc hao tâm tổn trí hơn nhưng ông Chung lại hưởng tiền thưởng bằng với mức của trợ lý.
Ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao VN, nói: “Đây là vấn đề chúng tôi trăn trở bấy lâu nay. Sự bất hợp lý này đã đến lúc cần có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Các môn tập thể, giành được huy chương, nhất là HCV, là cực kỳ khó khăn, mức đầu tư cũng cao, nên đáng lẽ tiền thưởng phải cao hơn HCV cá nhân, thậm chí gấp đôi, hoặc cũng cần nhân với một hệ số nhất định nào đó, để tránh thiệt thòi. VĐV môn tập thể đã thiệt mà HLV lại càng thiệt. Cũng vì thế ở SEA Games, thay vì thưởng nóng 10 triệu đồng cho mỗi VĐV môn tập thể, tôi đã thưởng mỗi em 20 triệu đồng. Rất mong các bộ xem xét kỹ và có sự điều chỉnh hợp lý hơn”.
Một số quy định khác của Quyết định 32 cũng đã lạc hậu so với thực tế. Trong bối cảnh giá cả thị trường tăng nhanh như hiện nay, tiền công mà HLV trưởng đội tuyển quốc gia được hưởng chỉ 300.000 đồng/ngày, các trợ lý 200.000 đồng/người/ngày, là quá thấp. Một HLV nói: “Chúng tôi không được tính công ngày chủ nhật dù vẫn làm việc bình thường. Số tiền thực nhận mỗi tháng chưa đầy 8 triệu đồng. Nếu gia đình tôi không có chồng gánh vác kinh tế thì không thể đủ tiền nuôi con. Nhiều HLV nam xa nhà biền biệt nhưng mỗi tháng cũng chỉ gửi về cho vợ con khoảng 3 triệu đồng, số tiền còn lại chỉ đủ chi tiêu cá nhân. Thấp như vậy nhưng vì đam mê với nghề nên chúng tôi ở lại”. HLV đội bóng đá U.19 VN Hoàng Anh Tuấn từng đưa đội dự World Cup U.20 cũng chỉ nhận tiền công 400.000 đồng/ngày (do được VFF hỗ trợ thêm). Được biết, Tổng cục TDTT đang dự tính sẽ xin nâng tiền công cho HLV khoảng 800.000 đồng/ngày.
Lãnh đạo ngành thể thao cho biết, hy vọng ở lần sửa đổi thành nghị định sắp tới, các quy định về chế độ đãi ngộ sẽ được thay đổi và sớm áp dụng ngay năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.