Thể thao Việt Nam xin 730 tỉ đồng để 'săn' huy chương

12/04/2019 08:56 GMT+7

Ngành thể thao đề đạt nguyện vọng lên Thủ tướng để được đầu tư một khoản kinh phí dự kiến 750 tỉ đồng cho công tác đào tạo HLV, VĐV trong vòng 3 năm, nhằm hướng tới các mục tiêu quan trọng như giành huy chương Olympic 2020, HCV ASIAD 2022 và SEA Games 31 được tổ chức tại sân nhà.

Đó là một phần nội dung của đề án chuẩn bị đăng cai SEA Games 31, sẽ được Bộ VH-TT-DL trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tuần sau.
Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, một trong những tác giả của đề án, cho biết: “Trước SEA Games 22 năm 2003 khi VN lần đầu tiên đăng cai đại hội thể thao khu vực, chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo VĐV thì từ nhiều năm nay, chương trình đó không còn tồn tại nữa. Nên chúng tôi phải soạn thảo riêng chương trình đào tạo VĐV và mong muốn nhà nước, Chính phủ tiếp tục đầu tư, giúp thể thao VN có thêm những bước đột phá mạnh mẽ hơn trong tương lai, đảm bảo cho việc nâng cao và duy trì vững chắc thành tích của thể thao VN ở đấu trường thể thao châu lục; hoàn thiện hệ thống đào tạo VĐV của quốc gia và các địa phương. Ngành đang tích cực rà soát, chọn lựa để lập ra danh sách HLV, VĐV xứng đáng cho toàn bộ chương trình đào tạo, có thời hạn trước mắt là 3 năm”.

tin liên quan

Việt Nam không biến SEA Games 31 thành 'ao làng'
Việt Nam (VN) sẽ tổ chức SEA Games 31 theo phong cách chuyên nghiệp, trong sạch, không giành giật huy chương bằng mọi giá. Ngành thể thao đã khẳng định quan điểm rõ ràng như trên trong dự thảo đề án đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực vào năm 2021.
Chương trình này gồm 3 tiểu dự án, dự án 1 là đầu tư trọng điểm cho 20 VĐV thuộc 7 môn có khả năng giành HCV ASIAD 19 năm 2022 và giành huy chương Olympic 2020. Danh sách này gồm 5 VĐV điền kinh, 3 VĐV bơi đều tập huấn tại Mỹ; 2 VĐV cử tạ, 1 VĐV đấu kiếm đều tập huấn tại Hungary; 2 VĐV TDDC tập huấn tại Nhật Bản; 6 VĐV bắn súng, 1 VĐV xe đạp cùng tập huấn tại Hàn Quốc. Kinh phí cho dự án này vào khoảng 210 tỉ đồng, trong đó nhà nước chi 200 tỉ đồng, 10 tỉ đồng còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa.
Cũng theo ông Trần Đức Phấn, việc đầu tư cho các VĐV giành thành tích cao ở hai đấu trường lớn của thế giới và châu lục cũng chính là sự chuẩn bị có chiều sâu cho thể thao VN tại SEA Games 31 năm 2021. “VN sẽ tổ chức một kỳ đại hội thật chuẩn, đáp ứng được mọi quy định quốc tế. Còn về chuyên môn, chúng ta cần có một lực lượng hùng hậu để đạt được những thành tích tốt, xứng đáng với tiềm năng cũng như sự đầu tư lớn của nhà nước”, ông Phấn nhấn mạnh.
Dự án 2 là hỗ trợ đào tạo tài năng ở các môn thể thao trọng điểm tại các địa phương và ngành. Sẽ có 980 VĐV năng khiếu của 18 môn Olympic, ASIAD thuộc 19 địa phương được đưa vào danh sách đầu tư, làm cơ sở nền tảng cho việc bổ sung lực lượng cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Số VĐV này sẽ được hưởng những trang thiết bị tập luyện hiện đại, đầy đủ (ví dụ như bắn súng sẽ không bị tình trạng thiếu đạn, thiếu súng). Kinh phí của dự án này rất lớn vào khoảng 520 tỉ đồng là nguồn kết hợp giữa ngân sách trung ương (300 tỉ đồng), ngân sách địa phương (210 tỉ đồng) và huy động các nguồn hợp pháp khác (10 tỉ đồng).
Dự án cuối cùng là đào tạo, bồi dưỡng HLV với kinh phí vào khoảng 20 tỉ đồng. Tổng cộng, kinh phí thực hiện chương trình là 750 tỉ đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.