Thiếu 4.700 tỉ đồng cho đề án nâng cao tầm vóc người Việt

14/03/2017 09:34 GMT+7

Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (gọi tắt là Đề án 641) đang trong tình trạng “bất động” do không chỉ thiếu kinh phí trầm trọng mà còn vấp phải nhiều khó khăn khác.

Năm 2014, Đề án 641 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu lớn nhất là nâng chiều cao của nam thanh niên Việt Nam lên 168,5 cm vào năm 2030 và nữ là 157,5 cm ở độ tuổi 18. Đối tượng của đề án bao gồm bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Đề án được thực hiện trong 20 năm và chia làm hai giai đoạn từ 2011 - 2020 và 2020 - 2030. Tổng kinh phí cho toàn bộ dự án kéo dài 2 thập niên này vào khoảng 5.000 tỉ đồng.

300 tỉ đồng chỉ như muối bỏ biển

Cách đây gần 2 năm, khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL kiêm Trưởng ban điều phối đề án, ông Hoàng Tuấn Anh đã từng than thở với Thanh Niên: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng vì vướng vấn đề kinh phí. Đề án 641 có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà nước, của rất nhiều bộ ngành và toàn xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một mình ngành thể thao không thể cáng được hết khối lượng công việc đồ sộ của đề án. Kinh phí không có, không thể sớm đưa đề án vào cuộc sống. Mà bắt buộc phải có kinh phí thì đề án mới có thể hoạt động vừa có bề rộng vừa có chiều sâu được”. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề “đầu tiên” là tiền đâu vẫn tiếp tục làm đau đầu những người tham gia xây dựng, điều hành đề án.
Chia sẻ với chúng tôi vào ngày 13.3, ông Đàm Quốc Chính - Giám đốc Văn phòng Ban điều phối, cho biết: “Về tổng thể, việc thực hiện, triển khai đề án còn gặp rất nhiều khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan. Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện mà mới chỉ nhận một khoản ở mức rất khiêm tốn để duy trì hoạt động văn phòng. Gần như không có một đồng nào từ nguồn ngân sách T.Ư và địa phương. Việc huy động nguồn lực trong xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Suốt thời gian qua, chúng tôi cũng đã rất nỗ lực kêu gọi xã hội hóa nhưng cũng chỉ mới lo được 300 tỉ đồng. Nhiều nội dung, nhiệm vụ đã phê duyệt chưa thể triển khai thực hiện do chưa có kinh phí. Nguồn lực tài chính quá eo hẹp cũng là một trong những lý do dẫn tới việc thiếu tính đồng bộ trong việc triển khai giữa T.Ư và địa phương...”.
Vấp phải sự thờ ơ ?
Còn theo một thành viên chủ chốt khác của ban điều phối, mặc dù đây là đề án tầm cỡ quốc gia nhưng lại không có một cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện cho ban này có thể kết nối công việc với các bộ, ngành có liên quan. Ông này đề đạt nguyện vọng: “Chúng tôi thực sự muốn Chính phủ trực tiếp đứng ra chỉ đạo vì chỉ có Chính phủ mới có tiếng nói trọng lượng đôn đốc các bộ khác cùng tích cực vào cuộc”.
Vị này cho biết thêm: “Được biết, Chính phủ đã đồng ý cấp 30 tỉ đồng cho Bộ Y tế triển khai khảo sát, nghiên cứu về các yếu tố cơ bản tác động đến tầm vóc con người Việt Nam. Nghiên cứu này là cực kỳ quan trọng bởi sẽ giúp chúng tôi điều chỉnh mức độ đầu tư dinh dưỡng ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Nếu không làm cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng tỉnh nơi này trẻ em béo phì, nơi khác suy dinh dưỡng. Nhưng Bộ Y tế vẫn chưa triển khai mà ban điều phối dù rất sốt ruột nhưng cũng không thể giục được vì không phải ở tầm Chính phủ. Chưa kể còn có một số vướng mắc khác như các thành viên trong ban điều phối, ban chỉ đạo địa phương hầu hết là các cán bộ kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình triển khai đề án; còn thiếu các chuyên gia về tổ chức sự kiện, tư vấn kế hoạch, huy động nguồn lực hỗ trợ cho đề án”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.