Tiền trạm thiếu chuyên nghiệp

12/11/2011 01:07 GMT+7

SEA Games là một cuộc tranh tài không chỉ trên sàn đấu, trên bàn bóng, trên thảm hay trên đường chạy mà còn là dịp thể thao VN thể hiện sự chuyên nghiệp trong quá trình chuẩn bị.

SEA Games là một cuộc tranh tài không chỉ trên sàn đấu, trên bàn bóng, trên thảm hay trên đường chạy mà còn là dịp thể thao VN thể hiện sự chuyên nghiệp trong quá trình chuẩn bị.

Chưa chu đáo chỗ ăn ở

Trước khi SEA Games diễn ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đến thăm và động viên cả đoàn tại làng VĐV. Từ Trưởng đoàn Lâm Quang Thành cho đến các thành viên của từng môn, phân môn thi đấu ở Palembang đều tề tựu đông đủ đón tiếp ông. Thế nhưng suốt buổi gặp, Bộ trưởng hầu như không thể có một chỗ riêng thoáng đãng để ông nói chuyện với mọi người mà phải nhiều lúc đứng ngoài hành lang trong tiếng ồn ào, náo nhiệt. Thậm chí khi ông bước vào trong phòng của VĐV Trương Thanh Hằng để nói cho rõ thì phòng lại quá chật chội, không thể tập trung hết toàn đoàn để cùng nghe. Nhiều thành viên trong đoàn tỏ ra bức xúc, vì lẽ ra lãnh đạo đoàn hoặc bộ phận tiền trạm phải tìm cho được một phòng riêng, hoặc có thể liên hệ với BTC làng SEA Games mượn một phòng họp nào đó để sau khi Bộ trưởng đi thăm chung các khu ăn ở sẽ sinh hoạt cả đoàn và giao nhiệm vụ để đạt đến những mục tiêu thiết yếu.

Đó chỉ là một trong khá nhiều chuyện cho thấy sự thiếu chu đáo của đoàn thể thao VN. Trước hết là vấn đề chỗ ở của đoàn VN bị phân tán lung tung, một số ở dãy B, số khác dãy A trong khi các đoàn khác có chỗ ở rất tập trung. Vì sao như vậy? Cho dù từng dãy nhà có số lượng phòng chỉ là 132 phòng, nhưng đoàn VN chỉ cần 42 phòng (theo phân bổ) và là một trong những đoàn có số lượng đông nhất thì phải gom chung đằng này lại tách ra. Lỗi này rõ ràng do bộ phận tiền trạm khi qua khảo sát đã không đặt trước chỗ ở mà để mặc kệ cho nước chủ nhà phân sao cũng được.


HLV Nguyễn Đình Minh phải xoa bóp cho Vũ Thị Hương ở bên ngoài hành lang vì không có phòng y tế - Ảnh: Khòa Hòa

Ngay cả việc chung dãy B mà có thành viên ở dưới đất, thành viên khác như đội thể dục lại ở trên lầu 4, hoặc chung đội mà Vũ Thị Hương ở lầu 2 còn Trương Thanh Hằng ở lầu 4. Chúng ta đâu đến nỗi phải bị chia cắt một cách tùy tiện như vậy bởi mỗi thành viên đều phải trả cho BTC 50 USD/ngày tiền ăn ở, nên đâu thể sau cũng được. Những việc trên cho thấy bộ phận tiền trạm đã làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm.

Thiếu phòng chăm sóc VĐV

Một chuyện khác càng cho thấy thể thao VN hiện đã lớn mạnh nhưng cách làm lại quá thiếu chuyên nghiệp. Bởi cùng lúc trong làng SEA Games, chúng tôi đã chứng kiến các đoàn Singapore, Philippines và Malaysia ở dãy B chung với đoàn VN, nhưng họ đều có phòng riêng để bác sĩ chăm sóc, hồi phục cho VĐV sau khi tập dượt và thi đấu trở về hoặc mát xa cho mọi người trước khi ra trận. Nhiều thành viên của các đội này ra vào tấp nập ở các phòng y tế của mình để có được tình trạng sức khỏe tốt nhất. Trong khi đó các HLV, VĐV và ngay cả bác sĩ VN cứ đi qua đi lại nhìn vào phòng chăm sóc này của các đoàn bạn mà thèm.

Không phải chúng ta không có những trang thiết bị y tế để lo cho VĐV như các nước, nhất là khi bộ phận bác sĩ, kỹ thuật viên xoa bóp của chúng ta lần này đi đông và được tạo điều kiện khá tốt về thuốc men, các dụng cụ hiện đại để thao tác nhanh nhất. Nhưng khổ nỗi, chúng ta chẳng có phòng y tế riêng, mà các bác sĩ phải gom các VĐV bị đau trong phòng ngủ của mình để giúp họ hồi phục hoặc phải lên tận phòng từng VĐV để trực tiếp xoa bóp, đưa thuốc cho họ. Chỉ riêng việc này thôi cũng thấy việc tổ chức thi đấu của đoàn VN dường như quá thiếu chu đáo. Một đoàn thể thao đông như vậy với hơn 400 con người ở Palembang mà không có phòng chăm sóc y tế riêng biệt thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe cho mọi người?

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.