Tony Jaa - Bước lên đỉnh cao danh vọng bằng con đường võ thuật

02/03/2010 08:15 GMT+7

Cách đây sáu năm (2004), khi lần đầu tiên được xem Ong Bak 1, đạo diễn lừng danh người Pháp Luc Besson chưa hề nghe đến cái tên Tony Jaa. Ông kinh ngạc thốt lên: “Mắt tôi như nổ đom đóm! Thật không thể tin được”.

Cách đây sáu năm (2004), khi lần đầu tiên được xem Ong Bak 1, đạo diễn lừng danh người Pháp Luc Besson chưa hề nghe đến cái tên Tony Jaa. Ông kinh ngạc thốt lên: “Mắt tôi như nổ đom đóm! Thật không thể tin được”.

Đến khi Ong Bak 2 xuất hiện, dù là một người cực kỳ khó tính, L. Besson không ngần ngại phán một câu: đích thị là một super phim. Ngay cả Lý Liên Kiệt cũng tròn mắt sau khi xem phim và tỏ ra hết sức thán phục. Vậy cái anh chàng có nước da ngăm đen với thể hình “thường thường bậc trung” kia là ai mà tạo nên một cơn “địa chấn” trong làng điện ảnh võ thuật thế giới như vậy?

Từ một vùng quê nghèo nàn ở miền Ðông Bắc Thái Lan

Tony Jaa xuất thân từ Surin, trong tỉnh Isan ở miền Ðông Bắc, giáp ranh với Lào và Campuchia. Do vậy anh cũng nói được tiếng Lào. Và rất thân thiện với voi: dẫn voi đi tắm sông, đùa giỡn với chúng, tung mình nhảy qua lưng voi…

 Sau trung học, Tony Jaa theo học tại một đại học tỉnh lẻ cách thủ đô Bangkok 400 cây số. Tuy nhiên đại học Mahamarakam lại là đất võ “tàng long ngọa hổ”. Chính tại đây, Tony Jaa đã làm quen với các môn Krabi Krabong, Taekwondo, Judo, Aikido và lẽ tất nhiên có môn Muay Thái. Đặc biệt anh được một diễn viên điện ảnh nổi tiếng mà cũng là một cao thủ Muay Thái Boran (cổ truyền) Panna Rittikrai, hướng dẫn. Niềm say mê võ thuật và một năng khiếu tuyệt vời đã nhanh chóng đưa anh đến với nghệ thuật thứ bảy. Thoạt tiên là với vai cascadeur trong khoảng mười phim hành động. Đó cũng là cách kiếm tiền để trang trải chi phí đại học vừa là cơ hội thử thách bản thân. Tony Jaa còn tham gia thượng đài tại các cuộc tranh tài Muay Thái ở đại học Mahamarakam. Anh nổi danh như một võ sĩ lì đòn trong giới sinh viên trẻ.

Ong Bak 1 (2004) làm nổ tung làng điện ảnh giải trí

Năm 2004, một đạo diễn vô danh (đối với nền điện ảnh thế giới) và một diễn viên chính cũng “tiểu tốt” không kém, đã một sớm một chiều khiến dân ghiền điện ảnh phải kinh ngạc thích thú. Tại Bercy (Paris), ngày 12 tháng 3 năm 2004, Ong Bak được trình chiếu đặc biệt cho giới thượng lưu điện ảnh và báo chí với sự góp mặt của Tony Jaa, Luc Besson…

Sau khi phim kết thúc, khán giả đã đồng loạt đứng lên vỗ tay liên hồi tán thưởng những pha hành động nghẹt thở rất thật, nghĩa là không có cascadeur thế thân, không có giây cáp an toàn, không có xảo thuật. Giới báo chí Pháp, điện ảnh cũng như võ thuật, đưa Tony Jaa lên trang bìa và trích lời ca ngợi của Thành Long, Lý Liên Kiệt… “Một con rồng châu Á” mới đã xuất hiện. Nhiều nhà phê bình đã so sánh Tony Jaa với Lý Tiểu Long: dáng người tầm thước, hơi mảnh mai, bề ngoài trông chẳng ra gì như lời nhận xét của đạo diễn L. Besson (chính ông đã lăng-xê Lý Tiểu Long tại Pháp với các phim Ðường Sơn Ðại Huynh, Mãnh Long Quá Giang, Tử vong du hý…). Thế nhưng, cũng như con rồng nhỏ họ Lý, Tony Jaa (tên thật là Panom Yeerum) có sức cuốn hút kỳ lạ, với thân thủ có tốc độ tia chớp và một sự dẻo dai lạ thường. Thêm vào đó, cũng như Lý Tiểu Long, một cảm nhận “Võ sản” vừa tinh tế nhạy bén, vừa sâu xa thâm trầm. Ðiều này, không phải diễn viên kiêm cao thủ nào cũng có được.

Ong Bak 2 (2009): Natayuth lên “ngôi”!

Tony Jaa đã dành suốt bốn năm trời cùng với đạo diễn Parma Rittikrai miệt mài chuẩn bị cho đứa con tinh thần “Ong Bak 1”. Và thành công đã đến với họ ngoài mọi dự đoán. Ngay tại Thái Lan Ong Bak 1 chỉ đứng sau Ma trận và Chúa nhẫn. Doanh thu đạt 6 triệu USD chỉ sau 7 tuần công chiếu tại các rạp. Và Tony Jaa được phong lên hàng “ngôi sao thế giới”.

Với Ong Bak 2, Tony Jaa còn đầu tư nhiều hơn. Anh học diễn xuất với một giáo sư kịch nghệ hàng đầu Thái Lan.  Cùng nhóm ê kíp luyện tập võ 8 giờ mỗi ngày với một võ sư kiếm đạo Nhật và một sư phụ Thiếu Lâm người Trung Quốc. Mỗi tuần hai buổi, anh say sưa tập luyện môn võ múa truyền thống “Khon”. Qua các danh sư Muay, anh ngộ được tính cách thâm sâu của bộ môn múa “Khon”: đây là nguồn gốc sâu xa của võ Thái. Anh không còn ngạc nhiên nhận thấy năng lực nhu trầm thoát ra từ mỗi động tác của “Khon”.

Và Natayuth đã được anh xác lập: chưa phải là trường phái, Tony Jaa chỉ khiêm tốn nói “Ðây là một trải nghiệm từ những phối hợp giữa Muay Thái và Khon”. Nata có nghĩa là múa và Yuth là chiến đấu. Những ai đã từng xem Tony Jaa thể hiện chiêu thức vừa đầy uy lực, vừa biến hóa dẻo dai, chịu đựng, bền bỉ (trong phim Ong Bak “Truy tìm tượng Phật” chẳng hạn) sẽ không ngạc nhiên khi thấy số người theo học Muay Thái cổ truyền (môn võ của Tony Jaa) và Natayuth tăng lên đột ngột tại Thái Lan, Myanmar… và các nước châu Âu (nhất là tại Pháp).

Và trong khi  Ong Bak 2 chiếm lĩnh các phòng chiếu tại châu Âu (giữa năm 2009) thì Tony Jaa đã bắt tay vào việc xây dựng khung sườn cho Ong Bak 3.

Bùi Thế Cần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.