Trò chuyện với Nữ hoàng dance sport Khánh Thi

24/02/2010 16:36 GMT+7

(TNTS) Trước thềm đại hội TDTT toàn quốc sắp diễn ra vào tháng 4.2010, Nữ hoàng dance sport VN Khánh Thi đang phải đối mặt với việc chưa biết đứng về nơi nào giữa Sở TT-VH-DL của TP.HCM hay Hà Nội cũng như người bạn nhảy mới đang có khả năng phải trở lại nhảy với em họ theo nguyện vọng của gia đình. Cô trò chuyện với TNTS.

(TNTS) Trước thềm đại hội TDTT toàn quốc sắp diễn ra vào tháng 4.2010, Nữ hoàng dance sport VN Khánh Thi đang phải đối mặt với việc chưa biết đứng về nơi nào giữa Sở TT-VH-DL của TP.HCM hay Hà Nội cũng như người bạn nhảy mới đang có khả năng phải trở lại nhảy với em họ theo nguyện vọng của gia đình. Cô trò chuyện với TNTS.

Dành hết cho cuộc chơi này

Chị vẫn còn hợp đồng với Sở TT-VH-DL Hà Nội nhưng lại cũng “nặng ân tình” với TP.HCM vì họ sẵn sàng ủng hộ mặt bằng tại SVĐ Hoa Lư  để chị mở CLB của mình. Chị sẽ giải quyết như thế nào nếu cuộc tranh chấp này bất phân thắng bại?

Tôi thật sự không muốn nói đến chuyện này vì cả hai bên đang cân nhắc để giải quyết. Nguyện vọng của tôi là sẽ phát triển dance sport thật sâu rộng và bài bản ở bất kỳ nơi nào mà tôi đang sống và tiếp tục thi đấu. Nếu có thể dung hòa được thì tốt, nếu không tôi sẽ có quyết định của riêng mình, nhưng lúc này tôi không muốn tuyên bố gì cả.

Không tuyên bố để rồi lại có những quyết định bất ngờ như chị vẫn thường làm?

Tôi chỉ không muốn họ nói tôi còn trẻ nên… ngông cuồng. Nhưng đúng là nghĩ lại thì thấy tôi thường có những quyết định rất bất ngờ. Khi tôi đột ngột rời Hà Nội vào đây, chỉ 4 ngày sau là tôi có được mặt bằng này để mở CLB, rồi sau đó đúng một tuần thì tôi biến căn phòng trống huơ thành phòng tập và khai trương chỉ sau đúng nửa tháng. Tất cả những người quen biết tôi đều sửng sốt vì họ vẫn tưởng tôi còn ở Hà Nội.

Có khi nào sự quyết định chóng vánh làm khó cho chị?

Hầu như chưa. Tôi luôn biết mình bỏ gì ra và thu lại được gì.


Khánh Thi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 Vậy chị bỏ 10.000 euro thuê thầy Tây về luyện tập nhằm giành HCV AIG  3 để rồi thu về số tiền thưởng 90 triệu, cái được ở đây là gì?

Nói 10.000 euro thì thật ra đó chưa phải tất cả đâu. Trong thời gian tập luyện cho AIG 3, từ tháng 5 đến tháng 11, tôi mời thầy về 6 lần, mỗi lần tốn một vé máy bay khứ hồi trị giá 4.000 euro và chi phí ăn ở cho thầy, một ngày tôi học từ 8-10 tiết, học phí mỗi tiết là 90 euro, và mỗi đợt như thế kéo dài 10 ngày. Chắc chắn không chỉ là 10.000 euro rồi. Nhưng khi đã ở đỉnh cao thì càng phải đầu tư lớn vì không thể ngừng lại để đi xuống, trừ khi tôi muốn chấm dứt sự nghiệp.

Tiền đâu để chị đầu tư mạnh như vậy?

Tôi kiếm được nhiều tiền từ khi còn rất ít tuổi. Bây giờ tôi kiếm được tiền từ việc biểu diễn (tất cả các sự kiện có liên quan đến dance sport người ta đều mời tôi), tiền thưởng, tiền từ việc dạy nhảy... Tôi lại không phải người thích tiêu xài, chưng diện. Vì vậy mà có bao nhiêu tôi dành hết cho cuộc chơi này.

Một cuộc chơi đúng là chỉ dành cho người giàu...

Chị nói đúng. Ở nước ngoài, dance sport là môn thể thao dành cho người giàu, nếu nghèo thì không thể theo nổi. Lúc tôi và Chí Anh học ở Pháp (từ 2003 đến 2007), học phí cho mỗi tiết học 45 phút là 80 euro (lúc đó, 100 euro đổi được khoảng 2 triệu đồng), mà học để thi đấu chuyên nghiệp như chúng tôi thì mỗi ngày cần 3-4 tiếng. Rồi trang phục biểu diễn cũng chiếm một khoản đáng kể.

Dance sport vào VN theo kiểu ngược đời

Lúc đó chị đã nghĩ đến chuyện sẽ làm cái gì đó cho nền thể thao đất nước?

Chưa. Chúng tôi cứ học vì đam mê thôi. Nhưng đến năm 2005, dance sport lần đầu tiên trở thành môn thi đấu tại Sea Games 23 ở Philippines, thế là người ta “lục tung” cả nước lên để tìm VĐV thi đấu và họ tìm ra chúng tôi, lúc đó đã đi thi một số cuộc và có giải.

Đó là một dấu mốc lớn bởi từ đó, dance sport được nhân rộng ở VN, nhiều chương trình dạy nhảy do chị và Chí Anh hướng dẫn được phát trên truyền hình, VN hiện có gần 300 cặp VĐV dance sport và có cả giải khiêu vũ thể thao mang tên Chí Anh - Khánh Thi. Vậy khó khăn với bộ môn này nói chung và các VĐV nói riêng là gì?

 

Khánh Thi tên thật là Nguyễn Hồng Thi, sinh năm 1981. Bắt đầu tập luyện dance sport từ năm 2000 với bạn trai của cô - Chí Anh. Trong gần 10 năm thi đấu cùng nhau, Chí Anh - Khánh Thi giành được ba chức vô địch quốc gia trong cả ba lần tổ chức, lọt vào top 10 tại giải vô địch châu Á, đứng thứ 4 SEA Games 24, từng có mặt trong top 200 trong tổng số hơn 3.000 đôi nhảy của Liên đoàn Khiêu vũ thể thao thế giới (IDFS). Họ còn giành được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác tại các cuộc thi trong và ngoài nước, và là kiện tướng quốc gia. Tháng 3.2009, đôi nhảy này chia tay. Khánh Thi có bạn nhảy mới là Minh Trường (nghệ danh là Phan Hiển), một học trò của cô và Chí Anh. Đôi nhảy Khánh Thi - Minh Trường giành 3 HCV tại giải vô địch quốc gia 2009 ở nội dung Standard và Latin. Và tại AIG 3 vừa rồi, họ đoạt 2 HCV ở nội dung Rhumba và Jive.

VN chưa hề có HLV cũng như trọng tài dance sport. Điều đó sẽ khiến cho những người đi theo bộ môn này bị mù mờ về đường hướng. Hầu hết mọi người còn chưa hiểu rõ về dance sport, nên chuyện đi đến chuyên nghiệp là chưa thể. Thiếu tiền là một khó khăn lớn, vì thế nhà nước chỉ có thể đầu tư cho những đôi nhảy có triển vọng chứ không thể đầu tư dàn trải. Muốn phát triển và có thành tích thì phải mời thầy từ nước ngoài về hoặc ra nước ngoài học. Mặt khác, VĐV vẫn chưa có tâm lý thi đấu chuyên nghiệp, họ vẫn không thể toàn tâm toàn ý luyện tập vì phải vừa học vừa làm những việc khác, nếu như thế thì không thể có VĐV đỉnh cao. Khi tập luyện cho AIG 3, Minh Trường đã phải nghỉ học một năm (lúc đó cậu ấy học lớp 10). Ở VN có gần 300 cặp nhảy nhưng chuyên nghiệp thì chỉ có 3-4 đôi thôi. Tôi thấy ở Việt Nam, môn này phát triển rộng mà không sâu và cũng hơi ngược. Nếu ở nước ngoài nó chỉ dành cho người giàu thì ở VN, người bình dân cũng có thể theo học, họ có thể tập nhảy ở công viên và họ chơi dance sport theo tinh thần khiêu vũ dưỡng sinh.

Năm nào chị cũng lên lịch tham gia các cuộc thi quốc tế, còn năm nay?

Trước mắt tôi chỉ có giải đấu trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc, có thể sẽ vẫn là ứng cử viên sáng giá cho Đại hội ASIAD tại Quảng Châu, nhưng tôi không còn hứng thú với chuyện thi cử nữa.

Có phải vì chuyện đi thi đấu quốc tế cũng tốn kém?

Đúng là rất tốn kém và đôi khi còn khó khăn. Nhưng đó không phải lý do chính. Tôi chỉ cảm thấy luyện tập thể thao thì cũng đến lúc phải có điểm dừng. Tôi đang ở phong độ đỉnh cao, vẫn có thể thi đấu tốt nhưng tôi nghĩ mình nên dừng. Hơn nữa, nếu tôi tiếp tục thi đấu thì sẽ ít cơ hội cho các thế hệ VĐV kế cận. Tôi muốn nghỉ ngơi và chuyển sang công việc của HLV, trọng tài.

Gần đây, chị xuất hiện trên chương trình Thay lời muốn nói của HTV7 trong vai trò của một ca sĩ, một bước đi mới của chị?

Tôi đi hát với tinh thần thoải mái, hát được thì tiếp tục mà không thì thôi luôn. Ai theo nghệ thuật thì cũng muốn nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền, nghề hát càng như thế. Nhưng dance sport tuy là thể thao nhưng cũng là nghệ thuật. Và tôi thì đã nổi tiếng với nó rồi, kiếm được nhiều tiền từ đó rồi, nên nếu khán giả thích thì tôi hát tiếp, còn khán giả không thích hoặc tự tôi thấy phô thì tôi sẽ rút lui.

Chị ở TP.HCM một thân một mình, mà tôi thấy chuyện với người cũ vẫn như đầy ắp trong các câu chuyện của chị, chị có thấy mệt mỏi, cô đơn?

Tôi không một mình đâu vì có mẹ tôi vào giúp. Hằng ngày mẹ vẫn chăm sóc tôi, giúp tôi quản lý chuyện tiền bạc ở CLB. Còn chuyện buồn thì, tôi có nhiều việc để làm lắm, không có thời gian nhiều để nghĩ ngợi đâu. (Cười)

Cảm ơn chị, chúc chị làm được những việc chị đang ấp ủ.

Dương Vân Anh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.