Vô chiêu

01/06/2010 08:49 GMT+7

Vô chiêu là thuật ngữ võ lâm hàm chỉ trình độ võ công thượng thừa, tuyệt luân võ nghệ của người đạt đạo võ. Vô chiêu thường được dùng để đối với hữu chiêu, nên có câu “vô chiêu thắng hữu chiêu”.

Vô chiêu là thuật ngữ võ lâm hàm chỉ trình độ võ công thượng thừa, tuyệt luân võ nghệ của người đạt đạo võ. Vô chiêu thường được dùng để đối với hữu chiêu, nên có câu “vô chiêu thắng hữu chiêu”.

Một cách cụ thể hình dung vô chiêu là không động thủ mà đối phương tâm phục, khẩu phục. Chính vì vậy giới võ quý trọng hình thức vô chiêu không quyền cước, khóa bắt, quăng quật, đè nén, trói buộc… mà tâm quyền, ý quyền, trí lực, tuệ lực giúp người dụng võ bất tranh nhi thiện thắng, để thân mình ra sau mà được trước, quên thân mình mà thân được còn, biết cho đi thì không mất.

Võ thuật ngày xưa là nghệ thuật quân sự. Bởi vậy Binh thư Tôn Tử chép: Biết người biết ta trăm trận không nguy; Không biết người chỉ biết ta, có thể thắng có thể thua; Không biết người không biết ta hễ đánh là nguy.

Binh thư Khổng Minh Gia Cát Lượng viết: Ngày xưa người sửa trị giỏi không cần dùng binh; người giỏi dùng binh không cần bày trận; người giỏi bày trận không cần đánh; người giỏi đánh thì không để thua; người giỏi thua không để mất.

Sử chép năm 1077, hơn 30 vạn quân nhà Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn lại. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân vào đền thờ anh em Trương Hống, Trương Hát (tướng của Triệu Việt Vương) ở bờ nam cửa sông Như Nguyệt, vào lúc đêm khuya cất lời mắng giặc Tống và báo trước cho chúng biết là chúng sẽ thua quân bằng 4 câu thơ như lời tuyên ngôn độc lập của dân tộc thời ấy.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư                                  
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm                
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Nhờ thế mà tinh thần quân Đại Việt lên rất cao, vững tâm chống giặc, bảo vệ đất nước, còn quân Tống thì nao núng, hoang mang. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Đại Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương hơn quá nửa.

Một câu chuyện ở nước Nhật, trên chuyến đò sang sông có một kiếm sĩ miệng huyên thuyên khoe khoang về kiếm tích vô địch của mình khiến nhiều người khó chịu. Một người khách trên đò lên tiếng: “Anh là tên khoác lác mà cũng đeo kiếm và nói về kiếm, không xứng một chút nào. Tôi tuy không mang kiếm nhưng tôi cũng có kiếm thuật của tôi”. Bị chạm tự ái, kiếm sĩ thách đố: “Anh là ai, kiếm thuật của anh là gì, có dám đấu với tôi không?”. Người kia nói: “Được, kiếm của tôi là vô chiêu, chúng ta sẽ cùng lên gò đất gần kia mà đấu, tránh làm phiền người đi đò”. Người lái đò đưa đò đến gần gò đất, kiếm sĩ hung hăng nhảy lên gò đất trước và chờ đợi, người khách lạ nhanh tay lấy cây chống từ tay người lái đò đẩy đò ra xa rồi nói: “Anh hãy ở lại gò đất một mình mà tự khoe khoang, chúng tôi đi đây, đó là kiếm pháp vô chiêu của tôi”.

Võ sư Trương Văn Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.