Xạ thủ Việt đầu tiên phá kỷ lục thế giới Trần Oanh: Cuối đời mệnh bạc

13/08/2016 11:14 GMT+7

Phá kỷ lục thế giới môn súng ngắn ổ quay, giành vô vàn huy chương bắn súng danh giá, thế nhưng đến lúc trút hơi thở cuối cùng, xạ thủ Trần Oanh vẫn là một lão ngư trong một mái tranh nghèo.

Xong cuộc thi ở Plzen, Tiệp Khắc năm 1962, xạ thủ Trần Oanh trở về trường Sỹ quan lục quân, Hà Nội làm công việc quen thuộc như trước đây ông gắn bó, dạy bộ môn bắn súng.
Sau chiến thắng ở Plzen, ông được khen thưởng, đề nghị phong quân hàm, từ trung úy, lên thượng úy. Tại trường Sỹ quan lục quân, thầy hiệu trưởng Cao Văn Khánh đã tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3 cho xạ thủ Trần Oanh.
Năm 1965, các đội thể thao thành tích cao giải tán, riêng đội bắn súng quân đội về các đơn vị chiến đấu. Một số xạ thủ như Hồ Xuân Kỷ, Trần Oanh vào CLB bắn súng quốc gia ở Xuân Mai, xạ thủ Cung Bỉnh Di về sư đoàn 312 chiến đấu. Năm 1966, dự Ganefo, Đại hội thể thao châu Á các nước mới trỗi dậy tổ chức ở Campuchia, xạ thủ Trần Oanh được 2 HCV cho đội bắn súng Quốc gia trong đó gồm 1 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội môn bắn chậm.
Đội bắn súng tham dự Ganefo có vinh dự được Bác Hồ mời vào gặp. Xạ thủ Trần Oanh một lần nữa có may mắn được đứng gần hơn Hồ Chủ tịch. 
 
Bàn thờ xạ thủ Trần Oanh trong trường bắn mang tên ông Thúy Hằng chụp lại từ tư liệu ông Cung Bỉnh Di
Năm 1973, xạ thủ Trần Oanh về hưu, ông về sống với gia đình tại vùng biển xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, một miền quê nghèo khó quanh năm chỉ biết sống nhờ vào đánh cá. Rời xa đấu trường, bệ bắn, những tấm huy chương, xạ thủ lẫy lừng một thời làm bạn với chiếc thuyền, mảnh lưới. Trần Oanh có 6 người con, 5 con đầu đặt tên Đức- Việt- Tiệp- Hoa- Ba, tên những quốc gia Đức, Việt Nam, Tiệp Khắc, Trung Hoa, Cu Ba gắn với những thành công vang dội của ông môn bắn súng. Cô con gái út sau cùng được đặt tên là Yến, nhớ về vùng quê nơi ông đã sinh ra và trở lại sống phần đời còn lại.
Làm giặc Tây khiếp sợ khi ở chiến trường, làm đối thủ phải run sợ khi ở đấu trường, nhưng giữa hòa bình và cuộc sống đời thường, Trần Oanh không có may mắn được sống trong ấm no, sung túc. Cuộc đời của ông và vợ, một nông dân ở Tĩnh Gia cơ cực, gian truân, lo cho 6 con miếng ăn, tấm áo đủ đầy. Đúng ngày rằm tháng 7 năm 1986, xạ thủ Trần Oanh trút hơi thở cuối cùng, sau cơn bạo bệnh từ những lần Trần Oanh vất vả sớm hôm đánh lưới. Mái nhà nơi ông nằm vẫn liêu xiêu trong gió biển mặn mòi.
Đường Trần Oanh tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa Thúy Hằng chụp lại tư liệu ông Cung Bỉnh Di
Các con của Trần Oanh đều không theo nghiệp cha làm xạ thủ, người vào bộ đội, người vào Nam lập nghiệp, người ở quê nhà làm nông. Năm 1995 Cục quân huấn, đội bắn súng quân đội, Cục trưởng Cục thể thao Dương Nghiệp Chí đã về Thanh Hóa, bốc mộ ông Trần Oanh từ trên rừng xuống gần nhà, trên đường vào Khu công nghiệp Nghi Sơn, để ông đỡ cô quạnh. Trên bia mộ ghi rõ Danh thủ thể thao Trần Oanh.
Năm 2007, khi trở lại Hải Yến thăm mộ người đồng đội, ông Cung Bỉnh Di nghẹn ngào khi đứng trước một căn nhà như sắp xụp xuống giữa gió, cát miền Trung, vợ ông đã theo con trai vào sống trong Nam, các con dâu, con trai cũng vất vả cho cuộc sống đời thường.

tin liên quan

‘Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh nhưng 4 năm sau thuộc về Ánh Viên’
‘Từ ngày thể thao Việt Nam hội nhập quốc tế đến giờ, lần đầu tiên tôi mới thấy xảy ra cảnh tượng lạ là khán giả đổ xô trước màn hình để xem tường thuật trực tiếp một ‘trận đấu’ bắn súng. Tôi có làm ở đài truyền hình đâu mà bao nhiêu người quen gọi hỏi, Vinh thi đấu phát ở kênh nào hả ông?’, ông Hoàng Vĩnh Giang - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam nói.
Niềm an ủi đến tận bây giờ cho vợ và các con của xạ thủ Trần Oanh, đó là năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là VĐV xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam từ đề xuất của Ủy ban thể dục thể thao (dưới thời bộ trưởng Hà Quang Dự).
Trường bắn Trần Oanh tại Thanh Hóa Thúy Hằng chụp lại từ tư liệu ông Cung Bỉnh Di
Tên cố xạ thủ Trần Oanh trở thành tên của một con phố trong thành phố Thanh Hóa, tên một con đường trong huyện Tĩnh Gia, tên một ngôi trường bắn của tỉnh Thanh Hóa, trong ngôi trường bắn này, thầy và trò các thế hệ cũng đặt một bàn thờ tưởng nhớ ông.
Những bài học về xạ thủ Trần Oanh sẽ còn theo thầy trò các trường bắn mãi về sau. Như ông Cung Bỉnh Di, người vừa rưng rưng lật mở những tấm ảnh cũ về Trần Oanh, vừa bồi hồi: “Trần Oanh mang lại vinh dự to lớn cho thể thao Việt Nam, thể thao quân đội, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều thế hệ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.