'Xà xẻo' từ tiền cơm đến tiền thưởng của VĐV

08/12/2014 06:00 GMT+7

HLV, trưởng đoàn, lãnh đạo nhiều trung tâm thể dục thể thao... ăn chặn của VĐV từ suất cơm đến tiền tập luyện, thi đấu, tiền thưởng... tạo nên nhiều bê bối của thể thao VN trong thời gian qua.

HLV, trưởng đoàn, lãnh đạo nhiều trung tâm thể dục thể thao... ăn chặn của VĐV từ suất cơm đến tiền tập luyện, thi đấu, tiền thưởng... tạo nên nhiều bê bối của thể thao VN trong thời gian qua.

>> Hé lộ kịch bản Lễ bế mạc ASIAD 2014: Những ký ức khó quên về Incheon
>> Hé lộ 'tảng băng chìm' bán độ ở UEFA Cup
>> Hé lộ lối chơi của đội tuyển Việt Nam gặp Arsenal

 Hé lộ những góc khuất: 'Xà xẻo' từ tiền cơm đến tiền thưởng
Các VĐV đội xe đạp Quân khu 7 tố thầy ăn chặn tiền - Ảnh: Đ.Đ

Thịt gà chết vào suất ăn của VĐV

Năm 2006, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 bị đoàn thanh tra của Ủy ban Thể dục thể thao (TDTT) kiểm tra làm rõ nghi án bớt xén tiền ăn của VĐV. Cuộc làm việc với các cán bộ cũng như những đầu mối giao thực phẩm cho trung tâm cho thấy có chuyện giá thực phẩm khi được mang vào trung tâm bị ghi giá chênh lệch (cao hơn mức giá thực tế), thậm chí người ta còn bơm nước vào thịt gà để tăng cân, đưa cả thịt gà chết vào trung tâm, miễn là thịt gà không bị đen, giấy giao nhận hàng chỉ viết tay, không có hóa đơn tài chính…

Cũng trong năm này, Phó giám đốc Trung tâm TDTT một tỉnh phía bắc bị tố cáo là khai khống và chiếm đoạt một số chi phí của đoàn bóng đá U.11 và U.13 của tỉnh này tham gia cúp bóng đá toàn quốc. Số tiền này là hơn 24 triệu đồng. Ông này đã giả chữ ký của VĐV để nhận tiền công gần 4 triệu đồng và nâng khống mức chi tiêu để được thanh toán hơn 21 triệu đồng.

Năm 2010, 19 VĐV của tuyển trẻ pencak silat TP.HCM gửi đơn tố cáo ban huấn luyện (BHL) khi họ bị xà xẻo phần cơm trưa một cách trắng trợn. Mỗi suất cơm mua bên ngoài giá 16.000 đồng nhưng bị BHL nâng lên thành 25.000 đồng. Nhiều VĐV khác của đội này đã viết đơn tố cáo BHL vì bị yêu cầu ký nhận số tiền bồi dưỡng của Sở VH-TT-DL TP.HCM là hơn 22 triệu đồng, nhưng sau đó họ không nhận được bất cứ quyền lợi nào trong suốt quá trình tập huấn chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010. 

Tiền chế độ đã đi đâu ?

Năm 2010, VĐV Nguyễn Ngọc Nam Ka của tuyển petanque TP.HCM gửi đơn khiếu nại Ban Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM. Nam Ka được tiền chế độ tập huấn hơn 4 tháng chỉ là 1,5 triệu đồng, 1 đôi giày thi đấu 300.000 đồng. Trong khi đó, theo đúng quy định, Nam Ka phải được hưởng tổng cộng 17,25 triệu đồng, chưa kể các trang thiết bị đi kèm gồm giày thi đấu, trang phục thi đấu, nón tai bèo… Cùng Nam Ka, nhiều VĐV khác của tuyển petanque TP.HCM viết đơn khiếu nại rằng mình bị cắt tiền chế độ “rất đáng ngờ”.

Hồi giữa năm 2011, các VĐV đua xe đạp của Bảo vệ thực vật Sài Gòn đã tố cáo trưởng bộ môn xe đạp và mô tô thể thao TP.HCM Phan Quý Bách ăn chặn tiền chế độ. Cụ thể từ tháng 3.2010 - 3.2011, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM đã ký đến 6 lần duyệt chi cho bộ môn xe đạp TP.HCM tổng cộng hơn 1 tỉ 13 triệu đồng dự 6 giải, tuy nhiên các VĐV của đội chỉ nhận được một khoản rất nhỏ trong số này.

Cũng liên quan đến đua xe đạp, Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM năm 2012 chưa bắt đầu đã gặp sự cố: đồng loạt 3 VĐV xe đạp Quân khu 7 là Trần Văn Quyền, Nguyễn Hồng Phú Lộc và Lê Hữu Phước gửi đơn đến các cơ quan truyền thông tố cáo HLV trưởng đội xe đạp Quân khu 7 Vũ Minh Chiến ăn chặn tiền. Các VĐV cho hay theo quy định tiền ăn tập luyện là 90.000 đồng/người/ngày thì HLV này chỉ phát cho mỗi VĐV 1 triệu đồng tiền ăn trong 20 ngày (chỉ có 50.000 đồng/ngày), sau đó ứng thêm cho mỗi người 1 triệu đồng - khoản này sẽ bị trừ vào lương.

Những trường hợp kể trên chắc chắn chưa phải là tất cả. Còn nhiều trường hợp VĐV bị BHL, các trung tâm huấn luyện, các sở TDTT “xà xẻo” tiền chế độ mà chưa dám lên tiếng. Người ta cứ đổ lỗi chung chung rằng chất lượng VĐV chưa cao, nhưng chính những người đang “xà xẻo” từ suất cơm, chai nước của VĐV đang là những con sâu đục khoét, làm chất lượng thi đấu và đạo đức VĐV xuống thấp. Nhiều VĐV trẻ đã có những hành vi phi thể thao, thậm chí là bán độ cũng từ nguyên nhân bản thân họ chưa được chăm lo tốt nhất.

Cẩm Giang 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.