Xì căng đan SEA Games - Kỳ 2: Cay cú là... đấm

23/11/2013 09:00 GMT+7

Đội trưởng Bùi Thị Hiền Lương bị đấm trực diện trong khi tiền vệ Quách Thanh Mai bị ăn cùi chỏ thô bạo ở trận bán kết bóng đá nữ VN tại SEA Games lần thứ 21 năm 2001.

Đội trưởng Bùi Thị Hiền Lương bị đấm trực diện trong khi tiền vệ Quách Thanh Mai bị ăn cùi chỏ thô bạo ở trận bán kết bóng đá nữ VN tại SEA Games lần thứ 21 năm 2001.

Chơi bóng kiểu hành hung


Bùi Thị Hiền Lương, cầu thủ từng bị đấm ở trận bán kết - Ảnh: Nhật Duy 

Những ai từng ngồi trên khán đài Cheras, thủ đô Kualar Lumpur, Malaysia ngày 12.9.2001 không quên chiến thắng lịch sử của đội tuyển nữ VN trước Myanmar. Tuy nhiên, có nhiều điều họ nhớ hơn về trận cầu này khi những đối thủ nước bạn bỗng hóa thành VĐV boxing, sẵn sàng sống mái với các cô gái Việt, miễn là để ngăn bóng vào lưới.

Ở trận này nếu như VN mềm dẻo và phát huy lối chơi chiến thuật thì Myanmar nóng vội tìm kiếm bàn thắng. Bị Ngọc Mai phá thế việt vị, ghi bàn cho VN ở phút 34, Myanmar hăng máu, bắt đầu lối chơi xấu. Tranh thủ sự va chạm giữa các cầu thủ trên sân phút 38, trong khi trọng tài người Ấn Độ chưa kịp rút chiếc thẻ đỏ thì “huỵch”, số 9 của Myanmar là Aye Nandar Hlaing đã làm một cú đấm ngay vào giữa mặt Hiền Lương, chị ngất ngay trên sân và được cáng ra trong sự bàng hoàng của đồng đội. Chưa hết, Aye Nandar Hlaing còn vung cùi chỏ vào bụng của Thanh Mai đứng sát đó khiến nữ cầu thủ cũng phải đưa ra ngoài sơ cứu. Số 9 hung bạo này ngay sau đó phải buộc rời sân vì thẻ đỏ thế nhưng đồng đội của cô vẫn giữ nguyên lối chơi triệt hạ đối phương như ban đầu.

Hiền Lương nhớ lại: “Lúc đó trận đấu căng lắm, nhưng cầu thủ đội bạn thấy các tiền vệ VN như Ngọc Mai, Minh Nguyệt và tôi chơi quá xông xáo, giữ bóng khéo nên cố tình đá thô bạo để làm chùn chân chúng tôi. Khi thấy giở hết ngón đòn vẫn không khuất phục được các cô gái Việt, họ đã giở trò hành hung. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao số 9 của đội bạn lại đấm tôi như thế. Cầu thủ này trên sân giống như một cầu thủ nam. Tôi đau nhức cả mặt vì cú đấm như trời giáng”.

Bộ phận y tế sau đó liên tục phải mang cáng vào đón cầu thủ VN, nhiều tình huống thủ môn Kim Hồng phải đứng chôn chân khi bị bao vây tứ phía. Từ đó tới cuối trận, cách đá bóng hung bạo của Myanmar tỏ ra hiệu lực. Phút thứ 87, họ may mắn có một bàn thắng từ chấm phạt đền, san bằng tỷ số, trận đấu căng thẳng đến từng giây. Run, có. Hoảng sợ, có. Lo lắng, có. Những tâm trạng này được các cô gái VN mang vào 2 hiệp phụ. Giằng co với đối thủ từng thước cỏ thế mà vẫn chưa có bàn thắng, đòn cân não ở loạt sút luân lưu 11 m càng trở nên căng thẳng hơn khi đội tuyển nữ chưa từng tập sút phạt trước mùa giải. Cơn khát chiến thắng được Kim Hồng hóa giải khi cô hạ gục Yin Moe Aye ở lần sút định đoạt thứ 7. VN bước thẳng vào chung kết.

Tiếp tục khủng bố tinh thần

Thất bại ê chề dù đã vận dụng đủ sức đá bóng và... đấm bốc, các nữ cầu thủ Myanmar vẫn chưa tâm phục khẩu phục VN. Điều này có thể thấy rõ ràng từ HLV U Aye Maung. Trong khi HLV Darby của VN hãnh diện bước vào phòng họp báo thì ông U Aye Maung giận tím mặt, vừa vung tay từ chối, ông đẩy trợ lý của mình làm thay nghĩa vụ. Trở về khách sạn, khi cánh cửa thang máy mở ra, hai đội bất thình lình chạm trán. Khoảng 10 cầu thủ của Myanmar tay chống nạnh, mặt hầm hầm nhìn 4 cô gái VN đang cười nói. Ngọc Mai, Hiền Lương và các bạn đành nhường đối phương đi trước. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Trước trận chung kết, một số cầu thủ nữ VN ra siêu thị mua sắm đột nhiên lại gặp gần như cả đội Myanmar. Không nói không rằng, các cầu thủ bạn đá tung tất cả những giỏ nhựa, ghế nhựa đặt trên đường đi, cố tình để các cô gái VN hoảng sợ. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, những cô gái Việt im lặng và tìm đường khác.

Gặp gỡ với Myanmar dường như trở thành một duyên nợ định mệnh với tuyển nữ VN. Đôi khi, duyên nợ hóa giải kiểu như VN gặp Thái Lan thì trọng tài là người Myanmar hoặc ngược lại. Thế nhưng, nếu Thái Lan chỉ cạnh tranh với VN bằng chuyên môn thì Myanmar lại là một nỗi ngao ngán vể sự ngổ ngáo của những cô gái trên sân cỏ. Như SEA Games 2005 tại Philippines, ngày đầu xuất quân VN thua Myanmar 0-1, cả đêm hôm đó đội bạn reo hò ầm ĩ không ngủ. Suốt đêm trước ngày trận chung kết diễn ra với chính Myanmar, đối phương ở tầng 2 và nhất quyết làm huyên náo không để cho VN một đêm yên giấc. Thế nhưng, chức vô địch vẫn chỉ gọi tên VN.

 Đúng như tên gọi mà HLV Steve Darby đặt cho tuyển nữ VN “Smiling Tigers”, những chú  hổ cười, tuyển nữ VN bằng cả tâm và tài, vừa dũng mãnh vừa khéo léo vượt qua tất cả những gian nan, khốc liệt trên đấu trường SEA Games, lần lượt chinh phục đỉnh vinh quang. Bỏ qua những ngày cả trợ lý HLV và chuyên gia dinh dưỡng phải xách làn đi chợ nấu ăn trong một khu học xá chật hẹp của du học sinh VN rồi cặm cụi chia thành từng phần, mang về khách sạn, mong các học trò đủ chất. Bỏ qua những lần, cả thầy và trò phải chia nhau từng xô nước sạch trong một khách sạn ẩm thấp giữa đêm khuya. Những khó khăn ở lại đằng sau. Họ - những nữ cầu thủ vẫn lạc quan và nghĩ rằng, đó càng là cơ hội cho mình cọ xát và thử lửa.  

Thúy Hằng

>> Xì căng đan SEA Games: Chuyện 'bắt cóc' ở Philippines
>> SEA Games 2013: Chủ nhà Myanmar tin vào những con số may mắn
>> Chưa công bố tên người cầm cờ cho VN tại SEA Games 27
>> Xì căng đan SEA Games: Chuyện 'bắt cóc' ở Philippines
>> SEA Games 2013: Cầu lông Indonesia mất cặp đôi hàng đầu
>> Đoàn thể thao Việt Nam xuất quân tham dự SEA Games 2013
>> Myanmar huy động máy phát điện cho lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.