Xì căng đan SEA Games - Kỳ 7: Pha 'rùng mình' của bóng đá nữ

28/11/2013 09:10 GMT+7

Tại SEA Games 23 năm 2005, đội tuyển bóng đá nữ VN bị ban tổ chức nước chủ nhà cho ở một địa điểm mà bây giờ nhắc lại ai cũng rùng mình.

Tại SEA Games 23 năm 2005, đội tuyển bóng đá nữ VN bị ban tổ chức nước chủ nhà cho ở một địa điểm mà bây giờ nhắc lại ai cũng rùng mình. 

>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 6: Ăn xong là... đau bụng
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 5: Ép được cứ ép
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 4: Trọng tài đổi trắng thay đen

Xì căng đan SEA Games - Kỳ 7: Pha  
Bóng đá nữ đã vượt qua nhiều khó khăn, đối xử tệ hại để lên ngôi - Ảnh: Khả Hòa

Nằm ngủ như bị “tra tấn”

Chúng tôi còn nhớ như in hồi SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, thầy trò HLV Mai Đức Chung được bố trí ở nhà nghỉ “nửa sao” tại Marikina, cách thủ đô Manila khoảng 50 km. Đây là một thị trấn hẻo lánh, hoang sơ, dân cư thưa thớt. Khi dẫn các phóng viên VN từ Manila xuống Marikina, cả tình nguyện viên và anh tài xế xe buýt (xe dành riêng cho báo chí) còn không thuộc đường. Thậm chí họ phải sử dụng cả bản đồ chỉ đường mà vẫn bị lạc, phải dừng lại dọc đường vài lần để hỏi thăm dân địa phương.

Lúc đến nơi, không tin nổi vào mắt mình bởi nom cái nhà nghỉ dành cho tất cả các đội tuyển nữ (trừ đội chủ nhà) đã xuống cấp. Phía ngoài có lẽ chỉ vừa được quét vôi lại để chuẩn bị cho SEA Games, phía trong cầu thang đã ọp ẹp. Trước đó 2 năm, khi VN đăng cai SEA Games 22, môn bóng đá nữ tổ chức tại Hải Phòng. Tất cả các đội của khu vực được ở khách sạn rất đẹp, điều kiện ăn uống rất tốt, các tuyển thủ cả nội lẫn ngoại đều hài lòng. Có lẽ vì vẫn mang tâm thế đó sang Philippines nên các cô gái của chúng ta có phần bị sốc. Sốc còn vì trước đó đoàn tiền trạm báo là được ở khách sạn, nhưng không ngờ chỉ là một cái nhà nghỉ bé con con. Diện tích mỗi phòng tầm 7 m2, kê 2 giường, lối đi hẹp bằng một cái khe. Không có tủ nên đồ đạc đành phải chất dưới gầm giường hoặc những thứ kém quan trọng thì để ngoài hành lang. Cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh nhớ lại: “Hồi ấy, chúng tôi phải ở 3 người một phòng. Tôi ở cùng hậu vệ Ngọc Anh và trợ lý Bùi Thị Hiền Lương. Vốn phận gái chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi chẳng kêu ca gì! Nhưng ngặt nỗi không gian chật hẹp, tiện nghi không có nên chúng tôi nằm ngủ mà không tài nào chợp mắt được”. Một số cầu thủ nữ khác cho biết gần chỗ ở của đội lâu lâu lại có tiếng súng và tiếng kèn đinh tai nhức óc, ban ngày tập đã mệt tối về lại nằm trằn trọc suốt đêm vì lo lắng và sợ có chuyện gỉ xảy ra! 

Ăn... thịt trâu luộc !

Đến bữa ăn, các cầu thủ nữ thêm một lần sốc. Thực đơn 8 món không thể coi là ít, nhưng ngoài món... nước cam được xem như một món chính của bữa cơm, số còn lại đều rất khiêm tốn về số lượng: một món rau, một món súp, hai món cơm trộn nước xốt cực kỳ khó ăn, 2 món... thịt trâu luộc dai nhách và món thịt gà (một đĩa cũng bé con con nhưng không ai dám ăn vì thời điểm này đang có khuyến cáo về dịch H5N1). Văn Thị Thanh đến giờ chưa thể quên khẩu vị ngày ấy: “Chúng tôi đi nước ngoài đã nhiều và cũng không quá khó tính về mặt ăn uống vì thường xuyên phải thích ứng với điều kiện thực tế. Nhưng quả tình lần ấy rất khó nuốt, đồ ăn nấu theo kiểu đạo Hồi dành cho VN, món súp cũng có mùi vị rất lạ”.

Chết nỗi, thực đơn ấy hầu như không thay đổi. Ngày nào cũng từng đó món, số lượng “bất di bất dịch” và chỉ cần đi tập về muộn một chút là “trắng tay”. Chẳng ai mang thêm thức ăn từ VN, chỉ có mấy gói mì tôm và mấy lọ cà muối cộng với ít ruốc. Dăm ngày đầu tiên, các bạn bóng đá nữ chỉ dám ăn món “cây nhà lá vườn” được chuẩn bị từ nhà. Xót quân, HLV Mai Đức Chung xin ý kiến trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh được hỗ trợ thêm thức ăn nhưng địa điểm cách xa nhau nên kênh tiếp tế này không có hiệu quả.

Chẳng nhẽ lại bó tay với hoàn cảnh! Thật may, một bữa nọ, đoàn lưu học sinh VN đang học tập tại Philippines đến thăm đội đúng vào bữa ăn. Nhìn thức ăn quá “hoành tráng”, các bạn đề nghị được giúp đỡ. Thế là hằng ngày, trợ lý Bùi Thị Hiền Lương và Thái Tuấn thay nhau lọ mọ... đi chợ (cách đó cũng khá xa, phải đi bằng xe lam chứ không có taxi hay các phương tiện khác). Mua thực phẩm tươi sống về chỗ trọ của sinh viên và nhờ họ nấu nướng. Rồi chở ngược lại nhà nghỉ cho cầu thủ. “Hành động” mang tính đột xuất rồi trở thành “thường nhật” này tiếp diễn từ đó cho đến hết SEA Games. Trợ lý Bùi Thị Hiền Lương kể: “Chưa một kỳ SEA Games nào mà chúng tôi vất vả đến thế. Thức ăn nấu xong phải buộc cho thật kỹ rồi tức tốc mang về để đảm bảo nóng sốt cho cầu thủ. Các bà bán hàng ở chợ sau đó biết mình là người VN nên bán giá cũng khá hữu nghị”.

HLV Mai Đức Chung nhớ lại: “Đúng là hồi ấy ăn uống khổ thật, thèm cá thèm tôm lắm mà không có để ăn. Mấy đứa nhỏ cứ khóc rấm rứt. Kẹt nỗi là nội quy khách sạn cấm không được nấu trong khách sạn. May là nhờ có giai đoạn chuẩn bị tốt tại Nhật Bản, Trung Quốc trước đó nên thể lực vẫn đảm bảo mới bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games”.

Lan Phương 

>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 6: Ăn xong là... đau bụng
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 5: Ép được cứ ép
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 4: Trọng tài đổi trắng thay đen
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 3: Tắc trách của VFF
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 2: Cay cú là... đấm
>> Xì căng đan SEA Games: Chuyện 'bắt cóc' ở Philippines  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.