Thêm 5 hạt thóc “cổ” nảy mầm

11/06/2010 23:58 GMT+7

TS Phạm Xuân Hội - Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp) - cho biết, sáng 8.6, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), người trực tiếp chỉ đạo công tác khai quật khảo cổ tại Thành Dền và các cộng sự đã bàn giao cho Viện 12 hạt thóc mới tìm thấy dưới các hố khai quật khảo cổ tại Thành Dền (H.Mê Linh, Hà Nội) được cho là có niên đại 3.000 năm. Hiện đã có 5 trong số 12 hạt thóc đó nảy mầm.

“12 hạt thóc này được tìm thấy tại 2 hố khai quật. Trong đó, 5/8 hạt thóc cùng tìm thấy trong một hố khảo cổ đã nảy mầm, các hạt còn lại vẫn chưa có dấu hiệu gì. Số thóc này đang được ngâm nước xâm xấp và nhiệt độ luôn được giữ ổn định ở ngưỡng 37 độ C”, TS Hội cho biết. Theo ông Hội, trong một vài ngày tới, 5 hạt thóc nảy mầm sẽ được gieo để phát triển thành mạ, sau đó được cấy và chăm sóc cho đến khi cho thu hoạch để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.

 
 Những hạt thóc “cổ” nảy mầm

10 cây lúa nảy mầm trước đó từ những hạt thóc tìm thấy tại Thành Dền được cho là có từ cách đây 3.000 năm hiện đã phát triển khá tốt tại khu gieo trồng của Viện Di truyền nông nghiệp. 4 cây lớn nhất đã cao khoảng 30 - 35 cm và đẻ nhiều nhánh. TS Hội cho rằng, ít nhất 5 - 6 tháng nữa mới có được kết luận chính xác nhất về niên đại của những hạt thóc nảy mầm khi mà các nhà khoa học đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu về mặt hình thái, sinh trưởng phát triển của lúa, các đặc điểm nông học, kết quả phân tích AMS và đồng vị cacbon. Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, bà đang tiến hành các thủ tục để sớm gửi 3 vỏ trấu sang Nhật Bản để phân tích xác định chính xác niên đại của những hạt thóc đặc biệt này.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.