Thêm 'món' mới cho nhạc Việt

08/02/2020 05:47 GMT+7

Trong khi nhạc Việt đang nghiêng về phục vụ giải trí, đáp ứng thị trường, một số nghệ sĩ vẫn tìm cách đến với những cuộc chơi âm nhạc thử nghiệm, sáng tạo riêng.

Giao hưởng với rock, nhạc Trịnh với rap...

Ca sĩ Hà Lê vừa cho ra mắt MV Biển nhớ, sản phẩm thứ 3 trong dự án Trịnh Contemporary “đương đại hóa” nhạc Trịnh của anh.
Trong không gian biểu đạt với những hiệu ứng thị giác, Hà Lê hát nhạc Trịnh theo cách riêng, vừa đọc rap, vừa nhảy hip hop. Trước đó, MV Diễm xưa Mưa hồng của anh cũng được thực hiện theo tôn chỉ đưa nhạc Trịnh vào không gian đương đại, “làm mới” nhạc Trịnh từ thính giác tới thị giác.
Khi MV Diễm xưa ra mắt, Hà Lê đã nhận không ít những lời bình luận sỗ sàng, thậm chí chỉ trích là “phá nhạc Trịnh”, nhưng anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý chấp nhận. “Trước khi làm mình biết nhiều người chưa sẵn sàng đón nhận. Nhưng cái khó ở đây không phải là từ phía công chúng mà là mình có đủ kiên trì làm cho mọi người thấy mình đang nghiêm túc với nghệ thuật, để thuyết phục khán giả thấy được tư duy âm nhạc của mình hay không”, Hà Lê chia sẻ. Đến nay những tác phẩm “làm mới” nhạc Trịnh của Hà Lê đã được đón nhận trên sân khấu, có cả những khán giả lớn tuổi ủng hộ anh.
Bên cạnh dự án dài hơi Trịnh Contemporary của Hà Lê, có thể kể đến một số dự án, chương trình mang tính thử nghiệm, sáng tạo của các nghệ sĩ, như ca sĩ Lan Anh hát bolero cùng dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ Tân Nhàn thực hiện album kết hợp chèo, xẩm cùng nhạc jazz; nghệ sĩ Ngô Hồng Quang kết hợp quan họ cùng beatbox... Mới đây, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã cùng thực hiện chương trình Rock Symphony (rock kết hợp với nhạc giao hưởng). Nhạc trưởng Lê Phi Phi chính là người đã khởi xướng thực hiện chương trình kết hợp của một thể loại âm nhạc ưa phá cách, cuồng nhiệt với âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam.
Những sáng tạo, thử nghiệm có khi gây ra những tranh cãi, nhưng có khi nhận được sự hưởng ứng đến bất ngờ. Cả hai chương trình Rock Symphony tại Hà Nội và TP.HCM đều cháy vé. Trên bục chỉ huy, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã cùng hòa giọng với các nghệ sĩ biểu diễn. Và khán giả đã không thể ngồi yên, thậm chí có người không ngần ngại thoát khỏi chiếc ghế trong nhà hát tưởng chừng “bó hẹp” người thưởng thức ở những chương trình giao hưởng để khiêu vũ trên lối đi. Xúc cảm dẫn dắt vũ điệu của vị khán giả ấy, có thể nói chỉ có thể được tạo nên từ sắc màu của rock khi hòa quyện cùng dàn nhạc giao hưởng.

Mấy năm trở lại đây nhạc Việt xuất hiện thêm nhiều dòng nhạc mới. Nhiều nghệ sĩ mới dù đang đi “ngược chiều” nhưng vẫn có fan, có cộng đồng riêng

Ca sĩ Hà Lê

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, Unlimited Symphony - đêm diễn của ban nhạc rock Unlimited cũng đã khiến không gian Nhà thi dấu Nguyễn Du (TP.HCM) như muốn vỡ tung khi họ biểu diễn The phantom of the opera hay chơi lại những tác phẩm đưa tên tuổi mình đến với công chúng: Mộ gió, Tái sinh, Con đường ánh sáng... trong phiên bản mới cùng với dàn nhạc giao hưởng.
Thêm 'món' mới cho nhạc Việt1

Nghệ sĩ Đào Mác biểu diễn Hotel California cùng dàn nhạc giao hưởng, ban nhạc Lý Huỳnh Long dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi trong Rock Symphony

Ảnh: Sơn Trần

Để có nhiều “món” ngon

Ca sĩ Hà Lê nhìn nhận đã có những tín hiệu tốt từ phía công chúng trong nước. “Thực tế, mấy năm trở lại đây xuất hiện thêm nhiều dòng nhạc mới. Nhiều nghệ sĩ mới dù đang đi “ngược chiều” nhưng vẫn có fan, có cộng đồng riêng”, anh nói.
Ca sĩ Hà Lê cho rằng nghệ sĩ muốn có thêm nhiều sân chơi, sự ủng hộ, chia sẻ của khán giả thì trước tiên phải năng động, chăm chỉ, tin tưởng vào con đường của mình. “Mới chỉ ra 1 - 2 sản phẩm mà sự đón nhận của khán giả chưa được tốt rồi bỏ cuộc thì rất phí. Biết đâu phải đến 3 - 4 sản phẩm, công chúng mới cảm nhận được tư duy âm nhạc của mình thì sao”, anh chia sẻ.
Có thể thấy những cuộc chơi thử nghiệm, sáng tạo đều khá tốn kém nhưng lại không dễ dàng có lãi như với dòng nhạc giải trí, thị trường. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, đã chấp nhận lỗ để đưa Rock Symphony ra ngoài Hà Nội. Hà Lê nói anh rất may mắn khi được Sony Music, nơi mà nam ca sĩ là ca sĩ độc quyền, hỗ trợ thực hiện dự án Trịnh Contemporary. Còn hầu hết những chương trình, dự án thể nghiệm, sáng tạo của các ca sĩ hiện nay đều là hoạt động nghệ thuật cá nhân.
Là khách mời của các chương trình giao lưu biểu diễn của các nhóm nhạc/nghệ sĩ có dự án nghệ thuật/các loại hình thể nghiệm được Quỹ FAMLAB (thuộc dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh) hỗ trợ, cũng là một trong những nghệ sĩ biểu diễn xuyên suốt 3 đêm trong lễ hội âm nhạc Hò Dô 2019 vừa diễn ra tại TP.HCM, NSƯT Hải Phượng cho rằng cái khó là “trong khi các doanh nghiệp thường nhắm đến những chương trình biểu diễn mang tính đại chúng, phổ biến để tài trợ, chỉ có những tổ chức phi chính phủ mới hào hứng hỗ trợ, đồng hành cùng những loại hình mang tính thể nghiệm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.