'Thèm 'nói tiếng Việt giữa trời Nga

Thúy Hằng
Thúy Hằng
04/07/2018 15:04 GMT+7

Khi chúng tôi hỏi nhà báo Đỗ Hùng, phóng viên báo Thanh Niên người đang tác nghiệp tại Nga trong kỳ World Cup 2018 rằng anh xa Việt Nam hơn 1 tháng rồi, có nhớ nhà không. Câu trả lời của anh khiến tôi xúc động...

Chúng tôi đang thực hiện những chương trình cầu truyền hình trực tiếp giữa TP.HCM và Nga, nơi đang diễn ra World Cup 2018 để khán giả của truyền hình có thể hiểu hơn về nước Nga, con người Nga và những điều thú vị của xứ sở bạch dương ngoài trái bóng tròn.
Trong một lần kết nối trực tiếp gần đây, khi chúng tôi hỏi nhà báo Đỗ Hùng, người đã xa Việt Nam hơn một tháng rằng anh có nhớ nhà không. Anh gật đầu: "Tôi nhớ nhà, nhớ những con người cụ thể ở nhà, nhớ tiếng Việt, thèm được nói tiếng Việt. Những ngày ở đây, phải dùng ngoại ngữ nhiều. Nhiều khi thèm được nói tiếng mẹ đẻ của mình, thèm được nghêu ngao hát vài câu tiếng Việt cũng được. Những chương trình trực tiếp như thế này khiến tôi vơi bớt nỗi nhớ quê hương". Tôi thật sự xúc động. 
Tiếng mẹ đẻ, nó quan trọng với chúng ta nhiều như thế...
Tôi nhớ đến chuyện của một tháng trước, mình tham dự một sự kiện tại TP.HCM và được gặp gỡ một nữ sinh tài năng. 15 tuổi, cô bé có cả cha và mẹ người Việt Nam đã giành giải nhất một cuộc thi được tổ chức bởi một Tổng lãnh sự quán.
Cô bé nhỏ nhắn hơn nhiều so với nhiều bạn bè đồng trang lứa, tuy nhiên sự tự tin, trình độ tiếng Anh và những kiến thức cô bé có về khoa học xã hội khiến nhiều phóng viên phải trầm trồ. Chúng tôi hỏi thăm và được biết, cô bé học trường quốc tế tại TP.HCM từ nhỏ…
Đến phần phỏng vấn, nhiều cơ quan truyền thông rất háo hức đặt cho cô bé nhiều câu hỏi. Trái ngược với sự tự tin ban đầu, cô bé ngơ ngác, cố gắng diễn đạt thật chậm để mọi người có thể hiểu, bằng tiếng Việt: “Con không có nói tiếng Việt tốt lắm, con có thể nói tiếng Anh được không?”. Chúng tôi động viên: “Con cố gắng nhé. Từ nào con không thể nói được, con có thể dùng tiếng Anh”. Cô bé mỉm cười, và từ đó về tới cuối buổi phỏng vấn, cô bé chỉ dùng một hai câu tiếng Việt khá ngọng nghịu, sai ngữ pháp, còn lại tất cả tiếng Anh. Tôi và một đồng nghiệp trẻ lúc ra về, không ai bảo ai, đều thở dài và rất suy tư.
“Em đang nghĩ gì?”, tôi hỏi người đồng nghiệp đang khoác một ba lô lớn chứa máy quay, chân máy, micro… “Em có cảm giác mình vừa được gặp một bạn nào đó người nước ngoài, vừa đến thăm Việt Nam”, một câu trả lời thôi khiến cho tôi trăn trở mãi.
Tôi đã gặp đâu đó nhiều bạn trẻ giống như cô bé, lớn lên ở Việt Nam, ngoại ngữ rất tốt nhưng tiếng mẹ đẻ thì ngọng nghịu; có thể thuyết trình, viết luận bằng tiếng Anh rất siêu nhưng phát biểu ý kiến bằng tiếng Việt thì ấp úng.
Tôi nghĩ đến một bà mẹ khá nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ nuôi dạy hai con gái song ngữ, tức là cả tiếng Việt và tiếng Anh từ lúc con sinh ra, cho đến bây giờ cả hai cô bé 6 tuổi và 5 tuổi đều nói cả hai ngôn ngữ làu làu như gió. Bà mẹ trẻ cho con đi học trường mầm non quốc tế nhưng tối tối về nhà, nói cho con nghe về lịch sử Việt Nam và tất cả những gì về quê hương của con, tất nhiên bằng tiếng Việt.
Tôi nghĩ đến một cô giáo ở California, Mỹ, một phụ nữ Việt đã 42 tuổi, định cư ở Mỹ hơn 20 năm, ngày cuối tuần nào cũng thức dậy thật sớm để cùng chồng và con gái lớn lái xe, đến dạy học ở trường học tiếng Việt dành cho con em phụ huynh gốc Việt, ở Mỹ. Cô giáo bảo, dạy học không thù lao, nhưng niềm vui là được truyền cho những em nhỏ tình yêu, sự say mê với tiếng Việt, vì “tiếng Việt còn là nước Việt còn”.
Tôi nghĩ đến gia đình chị Hoàng Ngọc Đồng An và vô số, rất đông những bà mẹ khác, dù đã rời Việt Nam tới định cư ở Úc, Ý, Pháp, Đức hay Thụy Sĩ… họ vẫn dạy cho con nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt. Một ngày con có thể đi học, đi chơi, học đàn, học múa ở bất cứ nơi đâu, nói bằng bất cứ ngôn ngữ nào, nhưng bước vào cánh cửa gia đình, con sẽ dùng tiếng Việt để trò chuyện với ông bà, bố mẹ.
Tôi nhớ đến tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện, bà mẹ tài năng của hai cô công chúa học giỏi, bơi lội siêu, ở đất nước Hungary, tết năm nào chị cũng cùng các con gói bánh chưng, cắm một loài hoa gần giống hoa đào ở phòng khách và chẳng cần nhắc nhở, các con chị đã quen với lời dặn của mẹ: tiếng Việt luôn luôn không bao giờ được quên.
“Một ngày, bước chân ở giữa bầu trời xa lạ, tôi mới thấu hiểu cảm giác thèm thuồng như thế nào thanh âm tiếng nói quê hương. Giá như, ngoài kia có một ai đó đang nói một câu tiếng Việt, dù chỉ một tiếng rao ai bánh mì, xôi nóng như ở quê hương, trong tôi đã không còn những hoang mang, trống rỗng”. Đó là lời một nữ du học sinh 21 tuổi rất thành công ở Nhật. Cô giỏi tiếng Anh, tiếng Nhật, nhưng chưa một phút giây thôi nghĩ về tiếng Việt.
Yêu nước, trước hết là yêu tiếng mẹ đẻ. Điều tuyệt vời trên luôn luôn đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.