Theo chân các đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai

23/08/2005 22:55 GMT+7

Hà Nội: Dân Hạ Đình kêu khổ Khác với những gì mà UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) báo cáo với đoàn kiểm tra số 2 trước đó - "không có bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến nguồn gốc đất khi cấp giấy chứng nhận (GCN) cũng như khi giải phóng đền bù" - buổi đối thoại của đoàn kiểm tra với công dân Hạ Đình sáng 23.8 gần như là một cuộc tố cáo thái độ làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.

Ông Đường Ngọc Đại (tổ 13D, cụm 3, phường Hạ Đình) đại diện 29 hộ dân bị thu hồi đất ở dự án đấu giá đất S2 Hồ Rẻ Quạt trình bày oan ức: "28 hộ dân ở phường Thanh Xuân Trung (cùng thuộc xã Khương Đình trước đây - PV) giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất giống y hệt 29 hộ dân chúng tôi thì được UBND quận cấp GCN, còn 29 hộ chúng tôi lại bị cho rằng đất thuê của hợp tác xã để canh tác nên không được cấp sổ". Các hộ dân ở đây chứng minh rằng, đất của họ được UBND xã Khương Đình (huyện Thanh Trì cũ) cấp để làm nhà ở từ năm 1980. Nguyên nhân của việc không cấp sổ đỏ cho dân, theo ông Đại là do UBND quận đã trót lập dự án đấu giá quyền sử dụng trên phần đất mà các hộ dân này đang sinh sống. Ông Đại "tố" lãnh đạo quận Thanh Xuân làm dự án S2 không minh bạch, không công khai, thiếu công bằng... Theo ông Đại, quận Thanh Xuân đã thể hiện rõ sự "dối trên" (báo cáo thành phố đây là đất canh tác), "lừa dưới" (khi dân khiếu nại, UBND quận Thanh Xuân lại trả lời thu hồi đất để làm đường giao thông, không phải để bán đấu giá làm nhà ở)...

Cao điểm là khi Bí thư Chi bộ cụm 3 Bùi Văn Thỏa "tố" khổ: "Dân đang sống yên ổn, đùng một cái có công văn của quận bảo đây là khu để làm công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình, phải dừng hết việc xây dựng, mua bán. Quy hoạch các vị làm ở đâu đâu, chúng tôi không biết, chỉ biết 4 năm nay vì cái công văn ấy mà chúng tôi bị tước hết quyền trên mảnh đất của mình, thậm chí hộ khẩu không được chuyển đi cũng chẳng được chuyển đến". Theo ông Thỏa: "Phá hàng trăm ngôi nhà, trong đó có nhiều nhà 4-5 tầng để trồng vào đó vài cây xanh có đáng không?". Trưởng đoàn kiểm tra, ông Phùng Văn Nghệ lưu ý lãnh đạo địa phương: "Một ngày khi chưa có quyết định thu hồi đất vẫn phải cấp GCN cho dân",  huống chi ở Hạ Đình có chuyện quy hoạch được lập "treo" đến 4 năm là điều khó chấp nhận. Theo ông Nghệ: điểm chung ở các dự án thuộc quận Thanh Xuân là thiếu công khai, không bàn bạc với dân. Ông Nghệ đề nghị, UBND quận Thanh Xuân cần phải làm tốt công tác tiếp công dân. "Để dân khiếu kiện kéo dài bức xúc như vậy, bất kể vì lý do gì cũng là do lãnh đạo cơ sở không làm hết trách nhiệm", ông Nghệ kết luận.

Tuyến Nhung

TP.HCM: Tràn ngập đơn khiếu nại về giá đền bù

Ngày thứ 2 của đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai tại TP.HCM diễn ra ở Q.12 tràn ngập đơn khiếu kiện của người dân về vấn đề đền bù giải tỏa. Theo ông Trần Văn Hoàng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.12, tổng số hộ dân bị giải tỏa trên toàn quận là 6.570 hộ, trong đó 1.086 hộ có nhu cầu tái định cư (TĐC) và trong số này có 784 hộ đang nhận tiền tạm cư để tự thuê nhà ở trong khi chờ giao nền hoặc căn hộ. Ông Nguyễn Khải, Trưởng đoàn kiểm tra chất vấn ngay: "Theo quận thì bao lâu 784 hộ này sẽ được giao nền TĐC? Quận có xác định được thời gian bao nhiêu năm để dân có thể sớm ổn định cuộc sống? Tỷ lệ được TĐC là bao nhiêu trên số hộ bị giải tỏa?". Đại diện Q.12 trả lời: "Việc TĐC cho dân bị giải tỏa còn tùy thuộc vào tiến độ các dự án. Cho đến nay, hộ nhận tiền tạm cư thuê nhà ở lâu nhất là từ năm 2001. Số hộ dân đang chờ giao nền TĐC nhiều nhất là khu TĐC 38 ha ở phường Tân Thới Nhất, dự án mở rộng đường Trường Chinh (250 hộ), nút giao thông Quang Trung (149 hộ)...". Phía Q.12 thừa nhận rằng với 1.086 hộ phải bố trí TĐC thì rất khó khăn vì chưa thể sắp xếp được quỹ nhà và đất. Một thực tế khác là dân khiếu kiện giá đền bù vẫn tiếp diễn rất gay gắt. Q.12 có 66 dự án áp dụng phương án đền bù theo khung giá của Quyết định 05 và chính sách đền bù theo Nghị định 22 (chưa kể 103 dự án kinh doanh nhà ở), hầu hết đều đang đền bù dở dang thì NĐ 197 và khung giá đất mới theo Quyết định 316 (của UBND TP.HCM) được ban hành, cao hơn giá cũ rất nhiều nên người dân không chịu nhận tiền đền bù theo giá Quyết định 05. "Buổi giao thời" của 2 loại giá ấy đã khiến cho công tác đền bù bị chựng lại, số vụ khiếu kiện tăng lên. Chẳng hạn, mức giá đền bù của dự án mở rộng đường Trường Chinh cao nhất - theo Q.12 - là 4 triệu đồng/m2 nhưng người dân yêu cầu phải đền bù với mức 10 - 15 triệu đồng/m2 mới phù hợp với giá thị trường.

Ông Lê Hoài Trung, Chủ tịch UBND Q.12 khẳng định tốc độ cấp giấy chủ quyền nhà đất tại Q.12 diễn ra rất nhanh, phù hợp với tiến độ cấp giấy của UBND thành phố giao. Nhưng trong thực tế có những vướng mắc, nhất là đất nông nghiệp được người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng thành đất ở nên rất khó xử lý. Ông Nguyễn Khải lưu ý: "Không nên quan niệm nặng nề trong việc cấp giấy chủ quyền nhà đất mà chỉ cần đủ 2 yếu tố là nhà, đất trong khu dân cư không có tranh chấp, có xác nhận của phường và phù hợp quy hoạch thì cứ cấp cho người dân".

Buổi chiều, đoàn kiểm tra làm việc tại phường Đông Hưng Thuận. Chính quyền phường cho biết một dự án trọng điểm của TP.HCM nằm trên địa bàn phường là khu dân cư An Sương 66 ha của Công ty Phát triển và kinh doanh nhà thành phố triển khai từ lâu (2001) nhưng tiến độ đền bù rất chậm (mới đạt 69%), dự án này có 330 hộ có nhu cầu TĐC nhưng hiện vẫn chưa thể bố trí được vì chưa xây dựng khu TĐC.

T.T.Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.