Theo dấu chân “Người tình” - Kỳ 1: Mối tình đại gia - văn sĩ

02/03/2010 23:53 GMT+7

Người tình - L'Amant, một tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras (M.D) viết vào những năm cuối đời. Tác phẩm cũng chính là mối tình đầu của bà lúc mới 15 tuổi rưỡi với “công tử” Huỳnh Thủy Lê, hơn bà 12 tuổi. Nghe đọc bài

Ông Huỳnh Thủy Lê, một người giàu có bậc nhất xứ Sa Đéc ngày xưa. Ngôi nhà ông từng sinh sống nay đã trở thành một điểm du lịch có một không hai. Mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng trăm du khách đến tham quan.

Mối tình đầu của nhà văn Duras với công tử họ Huỳnh có thể xem là một tình yêu sét đánh. Họ gặp nhau rất tình cờ trên chuyến phà vượt sông Tiền về Sài Gòn. Có lúc tưởng chừng họ đã cùng nắm tay nhau để vượt qua những định kiến xã hội. Nhưng không! Đó lại là một kết thúc buồn của một mối tình đầy cảm động...

Tình yêu sét đánh

“Tôi mười lăm tuổi rưỡi.
Trên chuyến phà qua sông Cửu Long”

Duras đã viết như vậy trong phần mở đầu L’Amant. Cô gái da trắng, nghèo, đi xe đò về Sài Gòn cùng với nhiều người dân bản địa và cả gà, vịt... Còn chàng là một công tử giàu có ngồi trên chiếc Limousine lớn màu đen. “Vâng, đó chính là chiếc xe tang lớn trong những quyển sách của tôi”, Duras đã viết như thế trong tác phẩm của mình.

Nàng - lúc đó là một nữ sinh trường dòng ở Sài Gòn. Trên phà, nàng ra khỏi xe, tựa người vào lan can phà, ngắm dòng sông - một thói quen của nàng. Chàng bắt gặp nàng, tiến tới tán tỉnh. Rồi nàng nhận lời để chàng đưa về Sài Gòn. Từ đó, họ gặp nhau mỗi ngày và chuyện gì đến cũng đã đến. Họ yêu nhau đắm đuối, trong những cơn mê thể xác và hơn hết là cả trái tim. Họ đến với nhau trong lo lắng, ngờ vực, sợ hãi... giữa vô cùng những mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Trong đó, nổi lên đậm nét nhất là mâu thuẫn dân tộc và giai cấp.

"Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ của tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau đó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra”. Marguerite Duras đã trả lời tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur như vậy khi bà được phỏng vấn về cuốn L’Amant.

Nàng - một thiếu nữ da trắng “mẫu quốc”, kinh tế gia đình khó khăn... cả nhà bốn người (người anh cả là kẻ nghiện ngập) của nàng chủ yếu dựa vào đồng lương của người mẹ làm hiệu trưởng trường nữ sinh Sa Đéc thời bấy giờ. Gia đình nàng nhiều lúc đã phải bán cả bàn ghế trong nhà để trang trải cho cuộc sống... Còn chàng, một công tử rất giàu có, dân thuộc địa. Đặc biệt hơn, chàng còn là người sẽ tiếp quản cơ nghiệp gia đình. 

Ý thức được tất cả điều đó, họ đã rất lo sợ cho mối quan hệ của mình. Chàng đã bảo nàng phải hoàn toàn giữ bí mật về mối quan hệ đó. Và nàng cũng tự ý thức được việc mình làm. Nàng đã không nói gì dù có lần bị mẹ và anh cả đánh đập tra khảo. Họ yêu và trao nhau tất cả nhưng lại không thể thừa nhận tình yêu đó trước mọi người.

Có lần gia đình nàng lên Sài Gòn, chàng đã đưa họ đi ăn ở nhà hàng sang trọng nhất. Trong lần đó, hai người anh, mẹ của nàng và cả nàng nữa... xem chàng như không hề có mặt, không tồn tại. “Họ ăn một cách ngấu nghiến như chưa từng được ăn... Họ đã đối xử với người tình của tôi như thế. Không một lời cảm ơn với người đã trả tiền bữa ăn ngon lành đó”, Duras viết.

Rồi gia đình chàng cũng biết chuyện. Họ không đời nào chấp nhận một người da trắng làm vợ chàng. Cha chàng, 10 năm trước đã hứa hôn cho chàng với một thiếu nữ người Tiền Giang.

Mối tình mặn nồng, say đắm kéo dài khoảng một năm rưỡi của họ đã kết thúc bằng việc chàng phải cưới vợ theo sự sắp đặt của gia đình. Nàng cùng gia đình mình lên tàu về Pháp. Trước ngày lên đường, nàng đã đến ngôi nhà “độc thân” - nơi hẹn hò của những chàng công tử giàu có thời bấy giờ, nhưng không gặp chàng. Khi ở bến tàu, cố tình nấn ná, kiếm tìm nhưng nàng vẫn không thấy bóng dáng chàng.

Nàng đã khóc! “Khóc mà không để cho mẹ nàng và người anh kế của nàng nhìn thấy nàng đang buồn, không để cho họ nhìn thấy gì hết, là thói quen giữa họ với nhau”. Thế rồi, “Chiếc xe to lớn của chàng ở đó, dài và đen với người tài xế mặc chế phục trắng đàng trước. Chỗ đó chỉ cách chỗ đậu xe của hãng tàu thủy Messageries Martimes một con đường nhỏ, riêng biệt. Đó là điều mà nàng đã nhận ra. Đó chính là chàng ở phía sau, chỉ đủ trông thấy hình dáng, bất động, kiệt sức. Nàng tựa người vào lan can tàu, giống như lần đầu tiên, trên phà. Nàng biết chàng đang nhìn nàng, nàng cũng đang nhìn chàng, nàng không thể nhìn thấy chàng nữa nhưng nàng vẫn nhìn về phía cái hình dáng của chiếc xe đen. Rồi sau cùng thì nàng không thể nhìn thấy nó nữa. Bến cảng nhòa đi, rồi đến đất liền”.

Nhân vật chính - Việt Nam

“Nhiều năm sau chiến tranh, sau những cuộc hôn nhân, những đứa con, những cuộc ly dị, những sách vở, chàng đến Paris với vợ chàng. Chàng gọi điện thoại cho nàng. Anh đây. Nàng nhận ra chàng ngay lập tức qua giọng nói. Chàng nói, anh chỉ muốn nghe giọng nói của em. Nàng nói, chào anh, em đây. Chàng bị kích động, sợ hãi, như trước kia. Giọng nói chàng chợt run rẩy... Rồi chàng nói với nàng. Nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết”.

Ngót nửa thế kỷ sau khi nàng rời miền Nam Việt Nam, khi nhận được cú điện thoại ấy, bao ký ức ngày xưa chợt ùa về. Nó mạnh mẽ như thác đổ, mới tinh như vừa xảy ra, sâu sắc như những ngày đang yêu... Vậy là L’Amant ra đời.

Sách do nhà xuất bản Les Éditions de Minuit ấn hành năm 1984. Khi vừa ra đời, L’Amant đã trở thành best-seller, với khoảng 2,4 triệu bản, một hiện tượng của văn học Pháp thời bấy giờ. Theo wikipedia tiểu thuyết này đã được dịch ra 43 thứ tiếng. Ngay trong năm đầu tiên xuất bản, L’Amant đã đoạt giải Goncourt - một giải thưởng danh giá của văn học Pháp.

Năm 1991, đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã khởi quay bộ phim Người tình dựa trên tự truyện của Duras. Một năm sau thì bộ phim hoàn thành. Rồi nó cũng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. “Ông già Nam Bộ” Sơn Nam được mời làm cố vấn cho bộ phim. Phim có sự tham gia của ngôi sao Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner. Sơn Nam từng nhận xét: “Phim đó hay nhất ở chỗ người ta phục hồi lại được những chiếc xe cổ, không gian cổ Nam Bộ và bến phà Bắc Hậu Giang rất đúng tinh thần Nam Bộ”. 

(còn tiếp)

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.