Theo dấu người xưa - Kỳ 7: Nghi vấn quanh khu mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt

12/08/2012 03:10 GMT+7

Ngoài khu lăng mộ mà dân gian gọi là “Lăng Ông Bà Chiểu” tọa lạc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, ở Tiền Giang cũng có khu lăng mộ mà một số tài liệu nói rằng trong đó có mộ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Bia mộ bị đục xóa

Có một câu chuyện kể rằng, năm Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành đã cho người gửi trát đòi thôn trưởng làng Vĩnh Kim lên dạy việc. Nhận được tin, ông thôn trưởng hoảng sợ không biết lành dữ ra sao, vội vã chèo thuyền về Gia Định. Nghe theo lời dặn của một bà bóng, thôn trưởng đến tư dinh của Tả quân đúng vào giờ ngọ. Bấy giờ ngài đang nghỉ trưa nên rất giận. Nhưng thôn trưởng thưa, vì quan gọi gấp nên bất kể thời gian, hơn nữa đây là chuyện riêng nên phải tới tư dinh tìm gặp. Sau khi nguôi giận, Đức Tả quân bảo: “Ta muốn chở đá về xây mộ cho song thân thì phải làm sao?”. Vì khu vực xây mộ nằm ngoài đồng trống, nên thôn trưởng gợi ý dùng ghe thuyền chở vật liệu theo sông Tiền mà vào rồi dùng trâu kéo tới chỗ. Nghe có lý, Đức Tả quân đã giao việc và tiền bạc cho thôn trưởng lo liệu. Khi việc thành công, thôn trưởng giữ y lời hứa cất tại làng Vĩnh Kim một ngôi miều thờ bà Hỏa, hiện vẫn còn (Theo Trần Năng Dung - Qua những trang sử oai hùng của xã Vĩnh Kim).

 Khu mộ cụ Lê Văn Toại, thân sinh Tả quân Lê Văn Duyệt
Khu mộ cụ Lê Văn Toại, thân sinh Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: H.P

Hiện khu mộ của song thân Tả quân tọa lạc tại ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là một quần thể các ngôi mộ khá quy mô gồm hai ngôi mộ to và bốn ngôi nhỏ hơn được xây bằng đá, vôi và ô dước. Cả hai ngôi mộ lớn đều có hai quynh thành: Theo thời gian, vòng phía ngoài nay đã lún sát mặt đất và quynh thành phía trong có nhiều chỗ đã lún sụt, rêu phong. Nấm mộ đắp theo hình căn nhà trở đòn dông dọc, cao hơn 2 m. Bia mộ bằng đá xanh màu được viền khắc hoa văn, đầu bia hình chữ kim cũng có hoa văn khá sắc sảo. Trên bia nhiều hàng chữ bị đục xóa nham nhở.

Năm 2006, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng từ TP.HCM xuống đã tìm tới khu mộ. Ông đã dò đọc bia ký trên mộ, truy được nhiều chữ bị đục bỏ trước đây, và cho biết đó là mộ cụ ông Lê Văn Toại và cụ bà Nguyễn Thị Lập, thân sinh của Tả quân Lê Văn Duyệt, đồng thời đã đề nghị làm mới hai tấm bia đá xanh cùng kích cỡ, cùng nét hoa văn, khắc chữ mạ vàng trên bia dựng bên cạnh.

Theo bản phiên âm của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng ghi phía sau hai tấm mộ bia được phục chế, thì mộ của cụ Lê Văn Toại ghi: Tuế tại Tân Tỵ trọng xuân cốc nhật/ Hiển khảo  chi mộ/ Tự tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tả quân Vọng các công thần Bình Tây đại tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt bái giám. Và bia của cụ bà ghi: Tuế tại Giáp Tuất trọng hạ nguyệt cát nhật/ Hiển tỷ Khâm sai Chưởng cơ Lê hầu chánh thất Nguyễn Phu nhân chi mộ/ Hiếu tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng cơ tả quân Bình Tây tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt lập. (Rất tiếc ở dòng ghi năm tháng, người thợ khắc đã khắc sai chữ Trọng thành chữ Thân nên mất ý nghĩa).

Ở mộ cụ ông, ngay hàng lạc khoản bên trái còn sót lại các chữ: “Tự tử...(các chữ bị đục bỏ là Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tả quân Vọng Các công thần Bình Tây đại tướng quân Quận công). Hàng chữ lớn dòng giữa còn bốn chữ: “Hiển khảo... chi mộ (chữ bị đục Vũ Huân tướng quân Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê hầu). Tương tự, trên bia mộ cụ bà những chữ bị đục bỏ đều liên quan đến tước vị như Khâm sai Chưởng cơ Lê hầu; Phu nhân; Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng cơ Tả quân Bình Tây tướng quân Quận công.

May mắn là trên các bia mộ, nơi ghi ngày tháng lập bia còn nguyên, cho nên căn cứ vào đó ta biết được mộ cụ bà được lập vào tháng 5.1814, còn mộ cụ ông lập sau đó khá lâu, tháng 2 năm 1821.

Và những ngôi mộ không tên

Việc phục chế hai bia mộ nói trên đã xóa tan những nghi ngờ về khu mộ mà bấy lâu nay trong dân gian cũng như nhiều tài liệu cho rằng, đây là ngôi mộ thật của Tả quân Lê Văn Duyệt. Ngoài ra, căn cứ những chữ còn lại trên bia mộ, có thể thấy sau vụ án xử Tả quân Lê Văn Duyệt, nhà vua (Minh Mạng) đã lấy lại những gì triều đình ban tặng, chứ không hề có sự “cảm nghĩa thương tình” của người “thi hành công vụ” cố ý chừa lại những chữ cần thiết để người đời sau có thể xác định, như một số người đã nhận định gần đây.

 Gian thờ Đức Tả quân
Gian thờ Đức Tả quân - Ảnh: H.P

Theo thư tịch, trong các tội danh dành cho Tả quân Lê Văn Duyệt có ghi tội xây lăng mộ cho song thân. Nhưng căn cứ vào quy chế xây mộ của nhà Nguyễn: Quan đại thần xây mộ hai lớp quynh thành, thứ dân thì một lớp. Mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt có hai lớp quynh thành, nên đây chỉ là ngôi mộ lớn, không thể gọi là lăng và cũng không phạm quy chế. Mặt khác, điển lệ phong kiến cũng không quy định mộ to mộ nhỏ. Do đó, việc bắt tội Lê Văn Duyệt về mặt này không có cơ sở. Nhưng có lẽ vì vua Minh Mạng không xét kỹ, nghe lời đám nịnh thần nên mới có thêm tội danh không đáng có này, cũng như gán cho Tả quân là người “lạm dụng quyền thế” đã dùng quyền “tiền trảm, hậu tấu” để chém đầu Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng). Các tội danh cố tình vu cáo ở vụ án lịch sử này cho thấy có sự tranh chức, tranh quyền gay gắt trong nội bộ triều đình Minh Mạng mà Lê Văn Duyệt là nạn nhân.

Riêng bốn ngôi mộ nhỏ hơn nằm ở phía ngoài, hiện vẫn còn nhiều điều khuất lấp. Có ý kiến cho rằng trong số đó có ngôi “mộ vọng” không hài cốt của vợ chồng Tả quân, cũng có ý kiến là mộ thật của Tả quân được bí mật di chuyển về đây để tránh bị đào mồ cuốc mả.

Mặc dù đã có sự tu bổ của người đời sau, nhưng các ngôi mộ vẫn còn giữ được những đặc điểm chung giống nhau, cho thấy được xây cùng thời điểm. Vì vậy có thể phỏng định, đây có thể là những người cháu của Lê Văn Duyệt bị vua xử tử trong vụ án, trong đó có thể có mộ của Phò mã Lê Văn Yến, con của Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong, em ruột của Tả quân Lê Văn Duyệt. 

Ngọc Phan - Hoàng Phương

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 6: Bia ký Bảo Định hà và thượng phương bảo kiếm
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 5: Ngôi chùa nơi vua Minh Mạng chào đời
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 4: Di vật của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 3: Miếu Trinh Nữ, di tích thời vua Thiệu Trị
>> Theo dấu người xưa - Mộ ông Tang và giai thoại xiềng mả
>> Theo dấu người xưa - Huyền thoại về chiếc đại hồng chung  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.