Dời “Ông Vò” vào Khám đường
Ba cái vò giam ba “hoa cái” của ba tiếm vương, cùng với mộc chủ, bị giam ở Vũ Khố (tiền thân là Nhà đồ ngoại) từ năm 1802 - 1822. Mãi đến năm 1822 vua Minh Mạng mới ra lệnh đưa 3 cái vò (thường gọi là “Ông Vò”) vào giam ở Khám đường.
Theo linh mục Pháp J.B.Roux, Giáo sư Nguyễn Đình Hòe, nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì khám đường nay ở P.Tây Lộc (TP.Huế), góc tây nam của phòng thành Huế. Thời Gia Long, nó được gọi là Ngục Thất. Chính vua Minh Mạng, vào năm trị vì thứ 6 (1825), đã đổi tên Ngục Thất (nhà tạm giam) thành Khám đường (phòng xét xử) và tên chính thức trở thành Khám đường Ngục Thất.
Xưa P.Tây Lộc là nơi có đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy, chuyên sản xuất nông nghiệp, phục vụ một phần lương thực cho triều đình và cư dân sống trong phòng thành, để đề phòng khi xảy ra chiến tranh, phòng thành bị vây hãm. Khu vực này hình vuông, trong đó có 3 góc là góc tây nam của phòng thành, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây. Khám đường ở giữa vùng này, hồ bao bọc chung quanh, chỉ một cửa để ra vào. Khám đường có một số dãy nhà để giam tội nhân, đặc biệt có phòng giam ba cái vò đựng ba “sọ đầu” của nhà Tây Sơn. Chủ ngục, lính canh ngục và các tù nhân đã bí mật lập bàn thờ để thờ ba “Ông Vò”, nhằm cầu đảo khi gặp tai ương… Từ năm 1822 - 1885, hằng tháng đều có ban kiểm tra của triều đình đến Khám đường để kiểm soát ba cái vò nói trên. Hiện nay phần đất của Khám đường đã dựng Trường tiểu học Tây Lộc. Di vật của Khám đường là vài viên đá kê cột lộ thiên, trong đó một viên đá kê cột to, còn hai viên đá kê cột nhỏ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Khám đường có từ thời Gia Long, lúc vua quy hoạch ranh giới cho phòng thành Huế, nghĩa là từ năm 1804. Tuy nhiên, qua kiểu thức và chất liệu của hai viên đá kê cột, gạch bìa... của Khám đường mới phát hiện, có thể thấy Ngục Thất này được xây dựng từ thời chúa Nguyễn. Triều Nguyễn sử dụng Khám đường cho tới khoảng năm 1900. Vào đầu năm 1899, vẫn còn một số tù nhân ở đó.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Hòe, Phan Thuận An, Đỗ Bang, Phan Quán… qua những công trình đã công bố từ 1975 - 1988 cho biết đêm 22 rạng 23.5 năm Ất Dậu (1885) trong biến cố thất thủ kinh đô, vua Hàm Nghi cùng hoàng gia phải rời khỏi phòng thành, quân Pháp vào thành… có người mang 2 trong 3 “Ông Vò” theo đoàn quân. Riêng một “Ông Vò” (“hoa cái” vua Quang Trung) được một ông quan võ, trông coi Khám đường, “giải cứu” và mang đi. Tuy nhiên, người quan võ có ân tình bí mật đưa “hoa cái” vua Quang Trung ra khỏi Khám đường ấy đã đi đâu và cất giấu “Ông Vò” ở đâu vẫn là một bí ẩn.
Hé lộ người mang “hoa cái” vua Quang Trung
Từ năm 1885 đến nay, đã hơn 100 năm, ba “Ông Vò” mất tích nhưng người Huế từ trong nội bộ hoàng gia đến dân chúng cứ truyền khẩu về những đồn đoán và gần đây đã có những hé mở.
Năm 1988, trong công trình nghiên cứu của mình, PGS-TS Đỗ Bang trong sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, 1988) đã công bố những thông tin mà ông đã thu lượm và xử lý.
Trong sách này, PGS-TS Đỗ Bang viết: “Từ lâu, người dân xứ Huế đã chỉ cho tôi rằng - sau vụ binh biến ở kinh thành Huế 1885, có một nhân vật quan trọng trong triều đã trộm lấy chiếc vò mang đi về theo hướng đông - nam kinh thành. Chúng tôi ngờ rằng, người mang“Ông Vò” đã đi vào Bình Định, quê hương của các lãnh tụ Tây Sơn, nhưng sau nhiều lần sưu khảo vẫn không thấy kết quả. Có người cho biết nhân vật đó quê ở làng Thanh Thủy Chánh, giữ một chức quan trọng trong triều đình Huế và từng coi sóc ở Khám đường. Từ năm 1977, đã nhiều lần tôi đi khảo sát ở làng Thanh Thủy Chánh và một số làng phụ cận của TP.Huế, nhưng chưa thể kết luận được”.
PGS-TS Đỗ Bang cho biết vào tháng 3.1988, trong một chuyến điền dã ở làng Thanh Thủy Chánh (nay thuộc xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế), ông đã tìm ra tông tích nhân vật bí ẩn mang “hoa cái” vua Quang Trung rời khỏi Khám đường.
PGS-TS Đỗ Bang viết: “Chuyến khảo sát gần đây, vào tháng 3 năm 1988, cho phép chúng tôi thông báo một tín hiệu đáng lưu ý như sau: Lúc còn sống, ông Trần Công Toản (1880 - 1950) có thời làm lãnh binh và giữ vị trí thứ chỉ trong làng Thanh Thủy Chánh, từng kể rằng. Sau vụ binh biến ở kinh thành vào năm 1885, hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá đã cẩn thận “giải phóng” cái “hoa cái” trong chiếc vò, đem để trong một cái thạp đồng mang về chôn ở làng Thanh Thủy Chánh, nơi chôn ở gần Miếu Đôi”.
Bình luận (0)