Theo vết những đồng “tiền bẩn” (kỳ 4)

27/11/2003 08:21 GMT+7

Nguồn tài chính nuôi al-Qaeda Trên khía cạnh này thì có lẽ bin Laden vẫn là một bậc thầy. Nhiều bằng chứng cho thấy trong khi tá túc ở Afghanistan, bin Laden đã có cổ phần trong các hoạt động buôn bán thuốc phiện của Taliban, đồng thời cũng là một trong những nguồn cung cấp tài chính dồi dào cho chính quyền Taliban. Ngoài nguyên nhân ý thức hệ, sự cộng sinh giữa chính quyền Taliban với trùm khủng bố được xây dựng trên cơ sở của những đồng tiền có từ các hoạt động phi pháp như vậy.

Người ta có đầy đủ lý do để tin rằng khi vụ khủng bố 11/9 đang đi vào giai đoạn cuối, bin Laden đã lạnh lùng tính toán để sao cho ngay cả cái đòn đánh chết người này cũng sẽ mang lại một cơ hội tài chính lớn cho cá nhân và tổ chức khủng bố của y. Dự đoán rằng vụ tấn công cảm tử vào Trung tâm Thương mại thế giới ở New York sẽ gây nên một cơn co giật tài chính trên khắp thế giới, hàng loạt các công ty hàng không, bảo hiểm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nên có thể bin Laden đã tìm cách kiếm được nhiều tiền thông qua buôn bán cổ phiếu và một số hoạt động kinh doanh trên thị trường ngay trước khi diễn ra các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại thế giới. Người ta ghi nhận thấy số lượng bán khống chứng khoán của một số hãng hàng không và công ty trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công tăng lên một cách bất thường. Trong khi ấy, cổ phiếu của ba hãng bảo hiểm lớn là AXA của Pháp, Munich Re của Đức và Swiss Re của Thụy Sĩ giảm mạnh chỉ vài ngày trước vụ khủng bố (?).

Khó có thể phủ nhận rằng bên cạnh biệt tài điều hành các hoạt động khủng bố, bin Laden đúng là một thiên tài trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính. Chính bằng nguồn tài sản thừa kế sẵn có và những hoạt động kinh doanh đa dạng mà bin Laden đã tạo dựng cho al-Qaeda một chỗ dựa tài chính vô cùng hùng hậu, đảm bảo để tổ chức này hoạt động như một đế chế ngầm trong một thời gian dài mà không bị hề hấn gì trước những đòn đánh nhằm vào tổ chức của y. Nhưng sẽ là vô cùng sơ sót nếu chỉ giới hạn nguồn tài chính của al- Qaeda trong những hoạt động kinh doanh mà không đề cập tới một "kênh" khác vô cùng quan trọng: một số tổ chức hoặc cá nhân, vì quyền lợi của bản thân, hoặc nhiều khi đơn giản dựa trên cơ sở có cảm tình với cuộc chiến của bin Laden, đã trở thành các nguồn hỗ trợ tài chính cho tổ chức của y. Trong một số trường hợp, không loại trừ khả năng là bản thân những người đóng góp tiền của cũng không hề ngờ rằng mình đang giúp đỡ để xây dựng cho al-Qaeda hoạt động.

Mà khi đề cập tới "kênh" đặc biệt này, một quốc gia nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các cơ quan tình báo Mỹ: Ả Rập Xê Út.

Đường dây Ả Rập Xê Út

Ngay trong những ngày bận rộn và căng thẳng cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945, trên một con tàu đậu tại Great Bitter Lake ở kênh đào Suez, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D.Roosevelt vẫn thu xếp để gặp gỡ Vua Ả Rập Xê Út Abdul Aziz Ibn Saud, người sáng lập ra nước Ả Rập Xê Út hiện đại. Là một người nổi tiếng có nhãn quan chính trị sắc bén, có lẽ vị tổng thống ngồi xe lăn đã nhìn thấy trước được tương lai nước Mỹ sẽ phải gắn bó sống chết với Ả Rập Xê Út nói riêng và toàn bộ vùng dầu lửa Persian như thế nào.

Mối bang giao Washington - Riyadh được thiết lập từ đó và kéo dài trong suốt hơn nửa thế kỷ. Trong suốt những năm tháng đó, Riyadh vẫn gặm nhấm những quả ngọt của mối quan hệ dường như là bền chặt và không gì lay chuyển nổi với Washington. Ả Rập Xê Út là một trong những nước đầu tiên ở vùng Vịnh cung cấp phần lãnh thổ của mình để Mỹ xây dựng căn cứ quân sự - cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến bin Laden tức giận kết tội chính quyền Riyadh là "ôm chân ngoại bang" và cương quyết đi vào cuộc thánh chiến để "giải phóng" vùng đất mà y cho là thánh địa đạo Hồi khỏi sự ô uế của bọn "quỷ dữ phương Tây". Ngược lại, Ả Rập Xê Út là "Ngân hàng trung ương về dầu" của Mỹ. Mỹ đã rất "mẫn cán" trong việc sử dụng dầu lửa của Ả Rập Xê Út để nuôi dưỡng nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu lửa của mình và cho phép vương quốc này trở nên giàu có lên, không phải là từng ngày mà từng giờ.

Mối quan hệ sặc mùi dầu lửa ấy đặc biệt thể hiện rõ qua những liên hệ cá nhân giữa Hoàng gia Ả Rập Xê Út với gia đình của Tổng thống Bush! Các mối liên hệ này đã giúp cho Bush-ông, tức ông nội của Tổng thống Bush, cùng con cháu giành được của cải và quyền lực trong nhiều năm.

Đến thời Tổng thống Bush-cha, ngoài dầu lửa, quan hệ đó còn đượm mùi tư tưởng! Khi còn trên cương vị là Giám đốc CIA, chính Bush-cha đã thỏa thuận với các thái tử Ả Rập Xê Út thành lập một ngân hàng có tên là Ngân hàng Thương mại và tín dụng quốc tế nhằm hỗ trợ quân Mujahideen chiến đấu chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan.

Yên Ba

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.