Theo vết những đồng “tiền bẩn” (kỳ 6)

29/11/2003 08:28 GMT+7

Hai người này điều hành một mạng lưới phức tạp các mối quan hệ tài chính với một số thành viên Hoàng gia Ả Rập Xê Út, trong đó, Omar Al Bayoumi được coi như phái viên của những nhà tài trợ Ả Rập Xê Út cho al-Qaeda. Văn phòng FBI tại San Diego xác nhận rằng Omar Al Bayoumi là người có mối liên hệ với cơ quan tình báo Ả Rập Xê Út, khẳng định: “Al Bayoumi chắc chắn là một sĩ quan tình báo.

Cho dù là một sinh viên nhưng Al Bayoumi dường như có được sự tài trợ vô hạn của Ả Rập Xê Út". Theo điều tra của tình báo Mỹ, một trong những khoản tiền được chuyển vào tài khoản của Al Bayoumi đến từ tài khoản của Công chúa Haifa Al Faisal! Tất nhiên, công chúa cho rằng bà không thể ngờ được rằng tiền của mình lại được sử dụng cho những mục đích xấu xa mà chỉ đơn thuần là để tài trợ cho một đền thờ Hồi giáo nào đó.

Không chỉ có Công chúa Haifa Al Faisal là thành viên duy nhất của Hoàng gia Ả Rập Xê Út bị nêu tên trong cái mạng lưới tài chính nhằng nhịt gắn với tên của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Báo chí Mỹ đã phanh phui ra ít nhất là ba thành viên Hoàng gia Ả Rập Xê Út: Thái tử Turki Al Faisal Al Saud - Cựu Giám đốc cơ quan mật vụ; Thái tử Abdel Aziz Al Saud - Bộ trưởng Quốc phòng; Thái tử Mohammed Al Faisal Al Saud - doanh nhân lớn, có liên quan đến các hoạt động tài trợ này. Theo một nguồn tin, tình báo Pháp đã cung cấp cho tình báo Mỹ những cuốn băng ghi lại những cuộc nói chuyện của ba thái tử này với bin Laden, theo đó, họ cung cấp tiền cho bin Laden để đổi lấy việc bin Laden không tấn công các doanh nghiệp, các cơ sở và các ngân hàng nằm dưới sự kiểm soát của Hoàng gia Ả Rập Xê Út.

Ba năm trước sự kiện 11/9, vào dịp cuối năm 1998, người ta thấy có 400 chiếc xe tải mới mang biển kiểm soát của Ả Rập Xê Út đã tấp nập chở hàng tới Kandahar, thành trì của chế độ Taliban ở Afghanistan. Rất ít người biết rằng đó là kết quả của một thỏa thuận giữa Thái tử Turki Al Faisal Al Saud với bin Laden, theo đó Ả Rập Xê Út sẽ hỗ trợ tài chính và cung cấp nguồn dầu lửa cho Taliban, cả ở Afghanistan lẫn Pakistan, để đổi lấy lời hứa danh dự của bin Laden sẽ không sử dụng cơ sở hạ tầng của Afghanistan để phá hoại các lợi ích của Ả Rập Xê Út.

Cũng theo điều tra của tình báo Mỹ thì sớm hơn nữa, từ năm 1994, Thái tử Abdel Aziz Al Saud đã chi ít nhất 6 triệu USD cho các Quỹ từ thiện Hồi giáo - những cơ sở cung cấp tài chính cho al- Qaeda.

Còn tên của Thái tử Mohammed Al Faisal Al Saud gắn liền với một loạt các hãng có cổ phiếu tại Ngân hàng Al Shamal Islamic Bank ở Sudan. Trên thực tế, ngân hàng này thuộc về bin Laden và một thời là trung tâm thanh toán của al-Qaeda.

Ả Rập Xê Út cũng như các nước Trung Đông - châu Phi không phải là địa bàn duy nhất bin Laden triển khai các hoạt động tài chính của al-Qaeda. Sân khấu tài chính của bin Laden mang tính toàn cầu. Những quốc gia tí hon ở vùng biển Caribe hoặc những đảo quốc châu Đại Dương có một hệ thống ngân hàng với những luật lệ đủ để trở thành thiên đường cho các hoạt động rửa tiền của các tổ chức khủng bố cũng như tội phạm quốc tế. Đến trước ngày 11/9/2001, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF ước tính số tiền lưu chuyển trong các hoạt động "rửa tiền" trên toàn cầu hằng năm chiếm 5% tổng số GDP của toàn thế giới, tức là khoảng 1,5 nghìn tỉ USD. Một phần lớn trong số đó chảy vào quỹ của các nhóm cực đoan quá khích, các tổ chức khủng bố đủ mọi màu da, tôn giáo, sắc tộc. Thiếu đi bầu sữa tài chính này, các hoạt động khủng bố chắc chắn không thể đạt được tầm mức đe dọa như nó đã gây ra cho thế giới trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20.

Bất chấp những lời kêu gọi phải tăng cường sự minh bạch trong các hoạt động tài chính của kỷ nguyên toàn cầu hóa, hệ thống luật lệ trong các ngân hàng quốc tế, các trung tâm thanh toán tại nhiều đảo quốc nhỏ bé vẫn tồn tại những kẽ hở mà bọn khủng bố, chỉ bằng sự giúp đỡ của những chuyên gia tài chính hạng trung, vẫn có thể dễ dàng luồn lách qua được và ung dung "rửa sạch" những đồng tiền bẩn, biến chúng thành ngân quỹ cho các hoạt động tội ác. Ngay cả EU, một trong những tổ chức liên chính phủ có quá trình xây dựng và cải thiện luật lệ chặt chẽ trong suốt mấy chục năm, vậy mà cũng chỉ có luật chống các hoạt động "rửa tiền" của những băng nhóm buôn lậu ma túy chứ không có luật chống "rửa tiền" của các tổ chức khủng bố!

Không phải thế giới không biết đến những hoạt động mờ ám liên quan đến hoạt động "rửa tiền" của những kẻ khủng bố. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD đã thành lập Nhóm đặc nhiệm chống các hoạt động "rửa tiền", gọi tắt là FATF, để điều tra và lần theo vết những đồng tiền bẩn của các tổ chức khủng bố. Sau một thời gian hoạt động, các chuyên gia của FATF đã lên được danh sách 19 quốc gia có hệ thống luật lệ lỏng lẻo nhất mà bọn khủng bố hoàn toàn có thể dựa vào đó để tiến hành các hoạt động "rửa tiền" phi pháp. Trong số các quốc gia bị FATF liệt vào danh sách này có Nga, Hungary, Philippines, Indonesia, Myanmar, Ai Cập, Guatemala và cả quốc gia tí hon Nauru. Những ngân hàng tư nhân ở Thụy Sĩ và Luxembourg thì khỏi phải nói. Luật giữ bí mật cho khách hàng được coi là tối cao trong hệ thống tài chính ở khu vực này, cho phép những tên khủng bố dễ dàng che giấu những đồng tiền bẩn trong các tài khoản bí mật.

Các nước châu u có hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn, đôi khi cũng vẫn không tránh khỏi là địa bàn cho các hoạt động tài chính của bin Laden.

Yên Ba
(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.