Theo vết những đồng "tiền bẩn"

25/11/2003 12:56 GMT+7

Trong cuộc đấu tranh lâu dài với bin Laden và tổ chức khủng bố al-Qaeda của y, các cơ quan tình báo, mật vụ của Mỹ đặt cược vào một con bài chủ yếu: đánh vào hệ thống tài chính của tổ chức này.

Kỳ 1: Chiến tranh giá rẻ

Theo cách mô tả truyền thống, bản chất chính của hoạt động khủng bố cho thấy chỉ cần bỏ ra một lượng tiền ít ỏi đến mức đáng ngạc nhiên, chưa tính đến những thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng, chỉ đơn thuần về nguồn vật lực, bọn khủng bố cũng có thể gây nên những thiệt hại vô cùng to lớn. Một bài toán "có lãi", nếu xét trên khía cạnh tài chính. Lịch sử chủ nghĩa khủng bố cho thấy những bộ óc hoạch định của các tổ chức khủng bố không cần phải giỏi tính toán lắm cũng có thể thấy ra hiệu quả của các hoạt động khủng bố. Vụ đánh bom của tổ chức Quân đội cộng hòa Ailen IRA diễn ra năm 1993 ở Bishopgate, trung tâm Luân Đôn, đã gây thiệt hại hơn 1 tỉ bảng. Vậy phải tốn bao nhiêu tiền để tiến hành vụ tấn công này? Vỏn vẹn 3.000 bảng, cộng với lòng căm thù mù quáng nhằm vào những thường dân. Một vụ đánh bom chi phí hết khoảng 5.000 USD có thể gây thiệt hại cho một quốc gia nhiều tỉ USD do thất thu từ du lịch bởi hình ảnh về một đất nước an ninh, thân thiện đã bị sụp đổ trong làn khói bom.

Nhưng nhìn ngược lại, các tổ chức khủng bố cũng cần phải có hệ thống tài chính của chính mình để duy trì hoạt động và tiến hành các chiến dịch đẫm máu trên phạm vi toàn thế giới. Xét về thực chất, việc tài trợ cho khủng bố là nhân tố quyết định để các phần tử và tổ chức khủng bố có thể tồn tại. Đơn giản là các phần tử khủng bố không thể được huấn luyện, lên kế hoạch, đi lại, mua sắm chất nổ, vũ khí..., tóm lại là không thể thực hiện được các cuộc tấn công nếu không có tiền.

Những kẻ khủng bố đã sớm nhận ra điều đó. Nếu ai đó hình dung rằng tổ chức khủng bố chỉ là tập hợp của những chuyên gia chất nổ, những kẻ sẵn sàng chết khi tìm cách sát hại người khác, không quan tâm đến việc thương lượng hay thỏa hiệp, thì người đó đã nhầm. Chúng có những bộ óc siêu việt trong việc hoạch định các kế hoạch tài chính, huy động nguồn tài trợ, phân bổ những khoản tiền cho các tổ chức hoặc cá nhân khủng bố tiến hành các chiến dịch cụ thể trên thực địa. Phần lớn sự tài trợ và hỗ trợ hậu cần cho các tổ chức khủng bố tới từ nhiều nguồn khác nhau, có thể là những khoản tiền thu được nhờ hoạt động tội phạm hoặc các cá nhân có cảm tình với chủ nghĩa khủng bố. Mấu chốt của hoạt động tài chính khủng bố chính là "rửa" những đồng tiền này trong cái mê cung rắc rối của các thể chế tài chính quốc tế, các ngân hàng luôn coi việc giữ bí mật cho khách hàng là tín điều số một, là yếu tố đạo đức kinh doanh tối cao cần phải tuân thủ, sau đó biến những đồng tiền đã được "rửa sạch" thành dầu bôi trơn cho cỗ máy sát nhân. Chính bởi vậy mà việc lần theo dấu vết những đồng tiền bẩn của các tổ chức khủng bố luôn là một công việc vô cùng nan giải, một sứ mệnh hầu như quá sức đối với một cơ quan mật vụ hay một quốc gia đơn lẻ.

Thực ra, từ rất lâu trước ngày 11.9, cộng đồng quốc tế đã nhìn ra cái gốc rễ dẫn tới nguy cơ khủng bố chính là những hoạt động tài trợ, hoặc là công khai, nhưng phần lớn là bí mật, nuôi dưỡng cho các tổ chức khủng bố.

Một cuộc chiến về mặt pháp lý đã được giăng ra.

Năm 1999, tại New York, các nước thành viên của LHQ đã ký công ước cấm tài trợ cho các tổ chức khủng bố.

Nghị quyết số 1267 của Hội đồng Bảo an LHQ tháng 10.1999 kêu gọi tất cả các quốc gia phong tỏa các quỹ do Taliban sở hữu hoặc kiểm soát.

Cũng trong năm 1999, lần đầu tiên, tên của Osama bin Laden và al-Qaeda được nhắc tới trong Nghị quyết số 1333 của Hội đồng Bảo an LHQ, kêu gọi tất cả các quốc gia phong tỏa tất cả những quỹ, những hoạt động tài chính có dây mơ rễ má với hai cái tên này. Dường như khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết này, những nước tham gia cũng không thể ngờ được rằng 2 năm sau, những cái tên xuất hiện trong nghị quyết này sẽ là mối kinh hoàng đối với nước Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới.

Không nghi ngờ gì nữa, vụ 11.9 là cuộc tấn công khủng bố được lên kế hoạch kỹ càng nhất mà thế giới từng được chứng kiến. Phải mất 2 năm để lên kế hoạch tấn công, tuyển mộ những kẻ sẵn sàng tử vì đạo. Mấu chốt của kế hoạch được hoạch định một cách hoàn hảo này là những người tham gia chiến dịch phải bắt cóc, khống chế được những chiếc máy bay hành khách và biến chúng thành những quả tên lửa chết chóc lao xuống New York và Washington. Bin Laden và những phụ tá của mình biết rằng không được phép để xảy ra bất kỳ một sai sót nào, như đã từng xảy ra đối với chiếc máy bay của Hãng Hàng không Pháp bị bọn khủng bố Algeri bắt cóc tháng 12.1994 định đâm vào tháp Eiffel, do những tên không tặc không biết lái máy bay nên bị lính đặc nhiệm Pháp xơi tái ở sân bay Marseilles. Kết luận lôgic nhất được đưa ra: nhờ chính nước Mỹ đào tạo giúp những kẻ sẽ cầm lái máy bay sau này để tiến công nước Mỹ!

Như vậy là những tên khủng bố, dưới những lốt khác nhau, đã lặng lẽ xâm nhập vào Mỹ và ghi tên tham dự các khóa học đào tạo ở các trường dạy phi công nhan nhản trên đất Mỹ. Bọn chúng xâm nhập từng cặp một, phân tán ở nhiều vùng khác nhau và ghi tên vào những trường dạy lái máy bay khác nhau. Để di chuyển và có thể tham gia các khóa đào tạo lái máy bay thương mại, những tên khủng bố cần phải có tiền. Nhiệm vụ cung cấp tiền cho những tên khủng bố do hệ thống tài chính của al-Qaeda đảm nhiệm.

Có một điểm khá đặc biệt là tiền chi cho các hoạt động khủng bố của al-Qaeda được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng một phần quan trọng lại chính là từ hầu bao của bin Laden, người đứng đầu tổ chức al-Qaeda. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến cho y có được uy quyền hầu như tuyệt đối trong cái tổ chức thù hận do y gây dựng nên.

Yên Ba
(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.