Thi ĐH-CĐ đợt 2: Để đạt điểm cao như thủ khoa

07/07/2011 15:01 GMT+7

Những kinh nghiệm tại phòng thi của các thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010 sẽ giúp thí sinh tự tin hơn trong đợt 2 diễn ra vào ngày mai (9.7).

“Chiến thuật” thi trắc nghiệm

Nguyễn Mạnh Tiến - thủ khoa khối A trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) với 28,5 điểm, cho biết: “Ngoài sự chuẩn bị tốt về sức khỏe, tinh thần, kiến thức thì kỹ năng làm bài thi cũng rất quan trọng trong việc quyết định về điểm số. Trong khoảng thời gian 90 phút làm bài cho 60 câu trắc nghiệm, mỗi một câu phải trả lời trong vòng 1 phút 30 giây quả là quãng thời gian rất ngắn. Do vậy, nếu không chuẩn bị sẵn “chiến thuật” thì vào phòng thi sẽ dễ bị bỡ ngỡ”. Kinh nghiệm của Tiến là luyện thật nhiều trước đó, mỗi ngày Tiến đều lên trang web moon.vn để tập dượt, cố gắng trả lời một câu trắc nghiệm chỉ trong vòng 30 giây. Đến khi đáp ứng mức thời gian này thì sẽ thấy 1 phút 30 giây không còn là quá ngắn. 

 
Nguyễn Mạnh Tiến

Cũng chia sẻ về cách làm bài thi trắc nghiệm, Trần Quang Huynh - thủ khoa trường ĐH Y Dược TP.HCM với 29 điểm, nói: “Khi làm bài thi trắc nghiệm, mình luôn xem qua một lượt, những câu dễ có thể làm được thì mình làm ngay, các câu khó mình đánh dấu để lại làm trong lượt sau. Như vậy sẽ không bị mất điểm đáng tiếc ở những câu có thể làm được”. Huynh chia sẻ thêm: “Khi làm bài thi trắc nghiệm có một số lưu ý để tránh bị mất điểm ví dụ phải dùng bút chì chứ không được dùng bút khác, phải tô tròn đều hết ô, nếu bí quá mà câu nào không biết thì vẫn nên đánh vào”. 

 
Nguyễn Huỳnh Luân - Ảnh: H.A

Đủ ý rồi mới đến sáng tạo

Điều đầu tiên cần làm là phải kiểm soát được toàn bộ thời gian thi, nên tận dụng triệt để mọi thời gian cho phép để làm bài, không nên ra sớm

Nguyễn Huỳnh Luân

Nguyễn Huỳnh Luân, thủ khoa khối C trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) với 25,5 điểm chia sẻ: “Khi làm bài thi viết mình rất dễ bị cuốn đi mà quên mất yếu tố thời gian và sẽ dễ dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Do vậy, điều đầu tiên cần làm là phải kiểm soát được toàn bộ thời gian thi, nên tận dụng triệt để mọi thời gian cho phép để làm bài, không nên ra sớm. Trước khi bắt đầu viết, mình dành ra khoảng 5 phút để phân định quỹ thời gian cho các câu hỏi dựa trên thang điểm và kiểm soát nó trong suốt quá trình làm”. 

Theo Luân, trước tiên phải đảm bảo đầy đủ ý để an toàn về số điểm. Sau mỗi ý được triển khai trọn vẹn thì nên xuống dòng để ý được mạch lạc, rõ ràng. Giữa các ý với nhau cần có sự gắn kết một cách uyển chuyển bằng các phần nối hoặc sự mở đầu của một ý mới.

Về nội dung kiến thức, Luân nói thêm: “Ngoài những phần cơ bản cần có, bài viết cũng nên thể hiện được sự sáng tạo và nâng cao. Ví dụ, với câu nghị luận xã hội của môn văn có thể dẫn chứng thêm những câu nói hay của các danh nhân sao cho phù hợp. Với môn lịch sử cũng có thể đưa vào những câu thơ phù hợp để dẫn dắt và không phải lúc nào cũng thuần túy trình bày sự kiện. Nếu biết huy động kiến thức từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau để phân tích, chứng minh thì bài thi sẽ hay hơn”. Nói về sự sáng tạo, Luân nói rõ: “Sáng tạo ở đây không có nghĩa chỉ là cái gì đó hoàn toàn mới lạ mà có thể là đổi mới trong văn phong, cách dẫn dắt, trình bày, cách phân tích, lập luận… để cho thấy sự logic và sáng rõ của vấn đề. Làm được như vậy bài viết chắc chắn sẽ có được điểm tốt”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.