Thí nghiệm chính trị ở Iceland

21/10/2012 03:15 GMT+7

Cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới ở Iceland chẳng có gì đặc biệt về hình thức, vì nước này được xem là quốc gia trưng cầu dân ý thường xuyên nhất châu Âu lẫn thế giới.

Tuy nhiên, đây là cuộc trưng cầu dân ý độc nhất vô nhị vì người dân quyết định về một dự thảo hiến pháp do chính họ soạn thảo. Chẳng hề có một tác động từ bất cứ chính trị gia hay đảng phái nào. Chính trị không cần chính trị gia - đó là thông điệp từ Iceland, một đảo quốc nhỏ ở châu Âu, gây ra phản ứng rất khác nhau trên chính trường lẫn xã hội khắp châu Âu.

Hiến pháp hiện tại được thông qua và có hiệu lực từ năm 1944. Khi đó, 95% cử tri tán đồng và tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý là 98%. Ý tưởng về việc người dân soạn thảo hiến pháp được khởi xướng hồi năm 2009 giữa lúc nước này đang bên bờ vực phá sản vì khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Sau hàng loạt thí nghiệm về chính sách kinh tế, tư pháp và xã hội thì nay đến chính trị.

Theo đó, 950 người dân được lựa chọn theo nguyên tắc ngẫu nhiên làm thành viên hội đồng xác định những nguyên tắc cơ bản của hiến pháp mới. Người dân trực tiếp bầu ra 25 trong số hơn 500 ứng cử viên làm thành viên hội đồng soạn thảo hiến pháp mới.

Hội đồng này làm việc theo nguyên tắc đồng thuận và công khai. Sau khi đạt được đồng thuận thông qua trưng cầu dân ý, hiến pháp mới sẽ có hiệu lực nếu tiếp tục được quốc hội hai nhiệm kỳ liên tiếp phê chuẩn. Kết quả cuối cùng chưa biết thế nào, nhưng dù sao đây cũng là dấu mốc lịch sử ở Iceland, gợi mở khả năng hình thành tiền lệ chính trị mới ở châu Âu.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.