Thi THPT quốc gia: Buồn vui những ngày gác thi

28/06/2019 14:32 GMT+7

Người đi thi là để báo hiếu với đấng sinh thành, kẻ mang theo cây bút may mắn nhưng lại bị nghẹt mực, người nằng nặc đòi mang phong bao lì xì vào phòng thi... Tôi đã đi qua kỳ thi THPT quốc gia 2019 trong vai trò gác thi với những vui buồn cùng thí sinh.

Ba câu chuyện sau đây là ba nỗi niềm riêng của thí sinh. Với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp của một năm làm nhiệm vụ gác thi kỳ thi THPT quốc gia – kỷ niệm về những thí sinh đang bỡ ngỡ, hồn nhiên chuẩn bị bước vào đời…

Khi hai cây bút đều... không ra mực 


Tôi làm cán bộ coi thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Hôm đó là ngày thi môn văn, một thí sinh đang làm bài thì ngẩng lên nhìn tôi và nói “Thầy ơi, cho em mượn cây bút, bút của em đã hết mực”. Tôi đưa em mượn cây bút duy nhất mình mang theo để dành ký tên hoặc ghi các biểu mẫu cần thiết, trong lòng hơi bực “Đi thi mà bút viết không chuẩn bị cho kỹ, tuổi trẻ bây giờ thật lạ!”. Kết thúc buổi thi, em thí sinh chờ tôi ở ngoài cửa phòng gửi trả cây bút kèm lời cám ơn. Tôi nói “Em rút kinh nghiệm, lần sau đi thi nhớ mang thêm một cây bút nữa nhé!”. Em cười bẽn lẽn “Dạ thầy, em mang theo hai cây đấy chứ! Cây bút của em, cây bạn em tặng nói vật may mắn! Ai dè, cây của em tự nhiên đang viết bị nghẹt mực, cây bạn em tặng thì viết lại không ra dù ở nhà em thử viết vài chữ là viết được đó ạ! May mắn đâu không thấy…”. Nghe em nói tôi cũng muốn phì cười. “Thôi thì thầy tặng em cây bút đó, hy vọng nó không bị hết mực giữa chừng!”. Em hơi chững lại chút, sau đó cám ơn và chào tôi ra về. Tôi thấy gương mặt em vui hẳn lên…

Mang phong bao lì xì may mắn vào phòng thi 

Ngày thi môn toán, lúc gọi tên thí sinh vào phòng thi, một em thí sinh xin phép “Thầy ơi, đây là bao lì xì may mắn, nội con xin cho con, thầy cho con mang vào phòng thi để lấy may mắn nha!”. Đó là một phong bao lì xì nhỏ xíu, màu đỏ, được em để trong bìa sơ mi giấy tờ của mình. Tôi nói “Con chịu khó mở phong bao này ra cho thầy xem bên trong nhé!’. “Dạ không được thầy ơi, như vậy không còn may mắn nữa! Phải bí mật!”. “Không sao đâu, thầy bói nói thầy có số thi cử lắm, thi đâu đậu đó, nên thầy xem mà vẫn giữ được sự may mắn!”. Nghe thế, thí sinh đó mở phong bao lì xì ra cho tôi xem. Khi kiểm tra kỹ bên trong không có gì vi phạm quy chế, an toàn, tôi cho phép em mang vào. Em mừng rỡ, cám ơn rối rít. Quan sát, tôi thấy, trước khi làm bài, em đưa phong bao lì xì lên trước ngực, nhắm mắt và miệng thì thầm gì đó xong mới cầm bút làm bài một cách đầy tự tin…
 

Giám thị cũng góp phần giúp thí sinh an tâm hơn khi vào phòng thi

Đào Ngọc Thạch

Thi là để báo hiếu với ... các cụ 

Hội đồng tôi gác thi có cả những thí sinh tự do. Có những em đã đi làm, nay quay trở lại thi. Hôm thi bài thi tổ hợp xã hội, có thí sinh chỉ dự thi môn lịch sử, xong em được đưa xuống phòng chờ ngồi đợi hết thời gian mới được ra khỏi hội đồng thi. Tôi được phân công phụ trách phòng chờ đó. Một thí sinh hỏi “Thầy ơi, trước thầy học trường nào?”. “Thầy học Trường ĐH Sư phạm!”. “Thầy chọn trường đó hay do gia đình ép?”. “Năm mươi – năm mươi em à!”. “Vậy thầy vẫn sướng hơn em, em là một trăm phần trăm gia đình bắt, chứ em không muốn tí nào!”. Tôi chưa kịp trả lời thì em nói tiếp “Mà thôi kệ đi thầy, coi như các cụ nuôi mình, mình chưa báo hiếu được bao nhiêu, nay nghe lời cụ thi vào trường đấy xem như là báo hiếu vậy! Mà thầy bao nhiêu tuổi ạ?”. “Thầy ba mươi bảy!”. “Thầy hơn em bảy tuổi, vậy mà làm thầy em rồi, em biết khi nào mới ổn định được như thầy? Mà thầy biết không, em thấy thích công việc mình làm bây giờ lắm, tại ba mẹ em cứ áp lực thôi, chứ nếu để em theo nghề này, biết đâu vài năm nữa em cũng “oách” như thầy đó, ai cũng gọi là thầy, thích thầy ha!’. Em cười tươi…
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.