Thi THPT quốc gia: Đề thi khó hơn nhưng tỷ lệ tốt nghiệp sẽ vẫn cao!

Đề thi THPT quốc gia vừa qua dù dư luận đánh giá chung là khó và dài nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp, mà sẽ tác động mạnh theo hướng giảm điểm chuẩn trúng tuyển ĐH.

Với 2 mục tiêu của kỳ thi là để xét tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển, xem ra các thay đổi gần như không ảnh hưởng gì đến mục tiêu xét tốt nghiệp mà chủ yếu tác động đến khâu xét tuyển ĐH.
Do tính cả điểm lớp 12
Năm ngoái, đề thi được đánh giá là dễ thở cho thí sinh (TS) nhưng với hơn 4.000 điểm 10 và độ phân cách TS ở phân khúc điểm cao không tốt đã làm khó các trường ĐH trong khâu xét tuyển. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ bổ sung ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi để giúp sàng lọc dễ dàng hơn cũng như phân hóa được TS khi xét tuyển vào các trường ĐH.
Vì thế, với đề thi 2018, dư luận đánh giá chung là khó và dài. Tuy nhiên, các nhận định cũng cho rằng TS trung bình vẫn có khả năng đạt được 4 - 5 điểm. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì với công thức tính điểm xét tốt nghiệp như hiện nay, điểm trung bình lớp 12 của học sinh được cho khá cao.
4 thay đổi quan trọng
Sau 3 năm tổ chức thi THPT quốc gia, kỳ thi năm 2018 ít có thay đổi nhất so với kỳ thi năm trước. Bốn nội dung thay đổi lớn nhất của kỳ thi và xét tuyển năm 2018 là: (1) đề thi có một phần chương trình lớp 11 với độ khó được nâng lên; (2) quy định làm tròn điểm các bài thi đến 2 chữ số thập phân; (3) giảm 50% điểm ưu tiên khu vực; (4) không có điểm sàn xét tuyển chung, Bộ chỉ quy định điểm sàn cho các ngành sư phạm.
Ở năm 2017, điểm trung bình lớp 12 của học sinh cả nước là 6,87 điểm, nghĩa là trên lý thuyết điểm trung bình của 4 bài thi cần 3,13 điểm là đủ để tốt nghiệp (và không có môn thi nào bị điểm liệt). Với kết quả điểm các bài thi, nếu công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có thành phần điểm trung bình năm lớp 12 thì tỷ lệ TS tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt hơn 58%, nhưng trên thực tế tỷ lệ này cả nước năm 2017 là 97,5%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 dự đoán sẽ không có thay đổi bất ngờ so với năm 2017.
Với mục tiêu thứ hai của kỳ thi là làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, chắc chắn điểm thi năm nay sẽ tác động mạnh theo hướng giảm điểm chuẩn trúng tuyển.
Nhiều thay đổi sẽ tác động đến xét tuyển đại học
Việc làm tròn điểm các bài thi năm nay chặt chẽ hơn năm 2017, với quy định làm tròn điểm đến 2 chữ số thập phân. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, quy định này gần như không tác động nhiều đến việc xét tốt nghiệp, vì số TS rớt tốt nghiệp chủ yếu là do bị điểm liệt. Số TS bị rớt tốt nghiệp do điểm xét tốt nghiệp chỉ đạt 4,99 rất hiếm.
Tuy nhiên, đối với xét tuyển, quy định làm tròn điểm năm 2018 sẽ tác động khá lớn. Dù dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển có thể thấp hơn năm 2017 nhưng với quy định chỉ làm tròn tổng điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển đến 2 chữ số thập phân sau dấu phẩy (chứ không làm tròn đến các mức 0,00; 0,25; 0,50; 0,75 như những năm trước) sẽ làm cho việc xét tuyển công bằng và chính xác hơn ở mức 0,01 điểm; không còn hiện tượng có TS lợi đến 0,12 điểm nhưng ngược lại cũng có TS bị thiệt đến 0,12 điểm.
Chỉ tính riêng trong số TS thi năm 2017 và có đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, số TS được hưởng ưu tiên khu vực đã lên đến hơn 80%. Trong đó, số TS thuộc ưu tiên khu vực 1 (năm 2017 được ưu tiên đến 1,5 điểm) chiếm 29,5%. Ước đoán việc giảm 50% điểm ưu tiên khu vực (chỉ còn ưu tiên tối đa 0,75 điểm đối với TS thuộc khu vực 1) cũng sẽ tác động đến khoảng 80% số TS đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH ở năm 2018. Những năm trước đây, ở các trường ĐH lập tại các thành phố lớn, số sinh viên thuộc khu vực 3 (không được ưu tiên khu vực trong tuyển sinh) chiếm khoảng 25 - 30%. Dự đoán năm nay cơ cấu vùng miền của sinh viên mới trúng tuyển vào các trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM sẽ thay đổi với tỷ lệ sinh viên có hộ khẩu ở các thành phố trực thuộc trung ương sẽ tăng hơn 30%, trong khi các ĐH vùng và địa phương sẽ tuyển “tốt hơn”.
Như vậy, ngân sách hỗ trợ sinh viên thuộc diện chính sách sẽ giảm bớt gánh nặng, nhưng cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng miền cũng phải được tiếp tục khảo sát để không ảnh hưởng đến đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Nhiều trường sẽ xét tuyển từ 15 điểm
Trong kỳ xét tuyển 2018, các trường ĐH sẽ được phép tự chủ xác định mức điểm đầu vào (trừ các ngành đào tạo giáo viên) thay vì có mức điểm sàn chung như mọi năm.
Sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận xét tuyển trước khi TS thay đổi nguyện vọng từ ngày 19.7.2018. Dù vậy, ở thời điểm này, đề án tuyển sinh của một số trường ĐH cũng công bố mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển). Nhiều ngành ở một số trường thành viên ĐH Đà Nẵng công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ở mức 15 - 16 điểm (tổng điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển), Trường ĐH Việt Đức ở mức từ 21 điểm…
Tất nhiên phải chờ kết quả điểm thi và thông tin thống kê chi tiết từ phổ điểm thực tế của TS năm 2018, nhưng với dự đoán điểm thi trung bình của kỳ thi THPT quốc gia sẽ thấp hơn năm 2017, có khả năng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của nhiều trường sẽ chỉ ở mức từ 15 điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.