Theo đánh giá của giới kinh doanh bất động sản, thị trường nhà đất phía tây Hà Nội trong vài tháng trở lại đây đang tăng cao, rất sôi động và dự báo nhà đất khu vực này sẽ trở thành "mỏ vàng" trong tương lai.
Nở rộ các dự án
Theo đồ án quy hoạch, vùng thủ đô Hà Nội có không gian mở rộng lan tỏa về phía tây, phát triển các đô thị, khu đô thị chức năng vệ tinh, tiếp cận theo vành đai vùng (Sóc Sơn - Mê Linh, Trôi - Phùng - An Khánh...) lan tỏa đến giới hạn hành lang thoát lũ vùng sông Đáy. Không đợi đến khi quy hoạch vùng được công bố, trong thời gian gần đây, phía tây Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhà đầu tư. Nhiều dự án xây dựng có quy mô lớn đang nhắm tới khu vực này. Đáng chú ý nhất là khu vực Mỹ Đình, tiếp theo là hàng loạt các dự án khu đô thị mới như Văn Quán, Bắc An Khánh, Văn Phú, Nam An Khánh, Văn Khê, Xa La, Nàng Hương, Làng Việt kiều Châu u, Vân Canh...
Nằm ngay đầu tuyến đường Láng - Hòa Lạc, Mỹ Đình có vị trí chiến lược và nhiều tiềm năng phát triển. Hiện nay, Mỹ Đình đang hình thành khu trung tâm thứ hai của TP. Hàng loạt các dự án phức hợp và quy mô hiện đại xuất hiện tại đây như Crowne Plaza, Keangman Hanoi Landmark Tower, The Garden, Financial Tower, Orix... Không chỉ xây dựng các khu văn phòng thuần túy, khu vực này còn có nhiều dự án tổ hợp chung cư, bán lẻ và khách sạn. Theo dự kiến, đến năm 2011, Mỹ Đình sẽ có khoảng 300.000m2 văn phòng, các khách sạn 5 sao cũng như các khu nhà ở, các khu trung tâm thương mại lớn đi vào hoạt động.
|
Giá nhà đất tăng với tốc độ chóng mặt
Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư lớn vào các dự án thì giá nhà đất khu vực này tăng cao chóng mặt. Nếu như chung cư thuộc dự án Mễ Trì - Mỹ Đình được rao bán 12 triệu đồng/m2 vào khoảng tháng 7.2007 thì đến nay đã lên tới 20 triệu đồng/m2. Tương tự, đất nền vị trí đẹp luôn có giá trên 50 triệu đồng/m2. Xa hơn nữa là đất trong làng khoảng 20 triệu đồng/m2. Khu vực Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng cũng nhích giá lên 10%.
Cùng nằm ở phía tây TP, thị trường nhà đất khu vực Hà Đông và Hà Tây diễn ra khá sôi động. Các khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Phú, Văn Khê, Bắc Hà... giá đất nền nhà liền kề khoảng 13-18 triệu đồng/m2, chung cư 8-10 triệu đồng/m2, riêng Làng Việt Kiều Châu u giá cao hơn cả, lên tới 35-40 triệu đồng/m2. Tại dự án An Khánh đang có các biệt thự 300 -500m2 do Vinaconex, Sông Đà làm chủ đầu tư dự kiến giá khoảng 16-18 triệu đồng/m2. Đất thuộc dự án An Khánh không dưới 10 triệu đồng/m2.
Xa hơn là đất thuộc một số xã ở Hà Tây cũng đang tăng nhẹ. Xã Vân Canh (Hoài Đức) hồi đầu năm 2007 chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2, nay tăng 4-5 triệu đồng/m2; đất ở Thường Tín nhích lên gần 3 triệu đồng/m2... Khác xa với sự sôi động của bất động sản phía tây là sự trầm lắng của các khu vực như Đại Kim, Định Công, Linh Đàm và xa hơn nữa là khu vực Từ Sơn, Bắc Ninh, Mê Linh, Vĩnh Phúc... Các nhà đầu tư đất ở khu vực này đang phải chịu lỗ nặng.
Trong cuộc họp HĐND mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: "Hà Nội có hướng phát triển về phía tây, cụ thể là tỉnh Hà Tây và trong thời gian tới sẽ đưa vào trong quy hoạch tổng thể của thủ đô". Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi hành chính lên 3.200km2, gấp hơn 3 lần so với hiện tại. Việc Hà Nội sẽ mở rộng về phía tây đã góp phần làm cho thị trường bất động sản phía này xôn xao. Nhiều người tranh thủ thời điểm này mạo hiểm đầu tư mua nhà, đất khu vực phía tây với hy vọng kiếm bội lời trong tương lai. Giá nhà đất phía tây TP mỗi ngày một tăng là điều không tránh khỏi.
Từ quý III.2007, nhà cung cấp dịch vụ về bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) đã đưa ra dự báo trong bản đánh giá tổng quan thị trường. Theo đó, hơn một nửa dân số Hà Nội hiện đang sống trong những khu dân cư đông đúc, nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu không ngừng tăng, tắc nghẽn giao thông và việc bảo tồn di sản văn hóa trong khu vực trung tâm TP, phần lớn các dự án phát triển có xu hướng di chuyển ra các khu đô thị mới, tập trung nhiều ở phía tây TP.
Theo đánh giá của CBRE, đoạn giao của trục đường Phạm Hùng và đường cao tốc Láng - Hoà Lạc là điểm nối hai trong số các khu vực mới có nhiều tiềm năng phát triển nhất ở miền Bắc và sẽ có khoảng 1 triệu người dân sống quanh tuyến đường này. Một trong những nguyên nhân khác để mở rộng Hà Nội về phía tây khiến khu vực này ngày càng có giá là giao thông Hà Tây thuận lợi hơn nhiều so với vùng lân cận khác như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Trong xu hướng muốn "đi trước, đón đầu", vẫn có những người đầu cơ bất động sản lao vào mua như thiêu thân, bằng mọi giá để không bị lỡ thời cơ và vô hình trung đẩy giá nhà, đất lên cao. Tuy nhiên, theo cảnh báo của một số chuyên gia bất động sản thì việc tìm kiếm cơ hội đầu tư mở ra cho tất cả mọi người. Trong trường hợp nếu như không có những khớp nối thuận lợi giữa Hà Nội và Hà Tây trong việc quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thủ đô thì khi đó, đất dự án rất có thể lại "đắp chiếu", không biết bao giờ mới có người hỏi mua...
Thị trường nhà đất tiếp tục sốt cao, nếu chưa có luật thuế hợp lý Biện pháp nào để "giảm nhiệt" thị trường bất động sản (BĐS)? Theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - thì tác động lớn nhất hiện nay phải là công cụ thuế. Ông Võ cho biết, khi Hà Nội được mở rộng, có thêm những khu vực vệ tinh, hạ tầng giao thông vươn tới những nơi đó. Đây sẽ là một trong những yếu tố làm hạ "nhiệt" cho thị trường BĐS. Khi đó, giá đất của Hà Nội không tập trung nữa mà san đều cho những khu vực mới phát triển. "Nhiều nước họ đánh thuế BĐS rất cao khu vực trung tâm, đánh thuế thấp ở các đô thị vệ tinh. Cư dân TP có tâm lý thích ra ở các đô thị vệ tinh, giá đất nội thành sẽ không thể tăng cao hơn. Khi Hà Nội mở rộng ra, quy hoạch hợp lý, mức thuế BĐS hợp lý thì giá đất sẽ hợp lý, tức là hạ được "nhiệt" của sốt đất" - ông Võ cho biết... Nhận định về thị trường BĐS trong năm 2008, một số chuyên gia cho rằng, trong tình trạng thị trường nhà đất hiện nay, nếu chưa có luật thuế hợp lý để ngăn chặn đầu cơ thì thị trường nhà đất tiếp tục sốt cao, cơn sốt sẽ lan rộng ra các TP khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Vũng Tàu... và giá các loại đất khác cũng sẽ tăng. Xuân Thu - Báo Lao Động |
Thu Huyền - Báo Lao Động
Bình luận (0)