Thị xã La Gi chuẩn bị gì trước thềm lên thành phố ?

06/12/2021 10:25 GMT+7

Là địa bàn quan trọng phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, La Gi đã và đang “thay da đổi thịt” để hoàn thiện các mục tiêu xứng tầm đô thị hạt nhân của Bình Thuận.

Xúc tiến nhanh chóng các công trình trọng điểm

Nằm cách TP.HCM 150 km về phía đông bắc và cách TP.Vũng Tàu 90 km về phía đông bắc, thị xã có diện tích 185,4 km² được chia thành 5 phường và 4 xã.

Nhờ vị trí nằm giữa 2 thành phố du lịch nổi tiếng TP.Phan Thiết và TP.Vũng Tàu, La Gi cũng đã sớm vươn mình và dần trở thành hạt nhân chính trong phát triển kinh tế và du lịch biển của tỉnh. Năm 2018, thị xã được công nhận là đô thị loại III và dự kiến trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 thị xã La Gi sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện tại Bình Thuận đang tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao khả năng kết nối vùng của thị xã La Gi.

La Gi là đô thị trọng điểm trong khu kinh tế tây nam của Bình Thuận

Đầu tiên, tỉnh Bình Thuận đang nhanh chóng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55. Đây là một phần nằm trong kế hoạch xây dựng hai trục đường nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết xuống quốc lộ 1A, từ đó đi tiếp qua khu vực huyện Hàm Tân thẳng đến La Gi. Nhờ nâng cấp này, thời gian di chuyển từ TP.HCM - La Gi chỉ còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi chỉ còn 1 giờ.

Bình Thuận đang triển khai nâng cấp quốc lộ 55

Trước đó, Bình Thuận đã triển khai hai dự án đường ven biển với kinh phí gần 1.600 tỉ đồng để phát triển du lịch gồm: Đường ven biển 719B đoạn Kê Gà - Phan Thiết được làm mới, đi qua xã Tiến Thành (Phan Thiết) và huyện Hàm Thuận Nam; và dự án nâng cấp, mở rộng đường 719 hiện hữu đoạn Kê Gà - Tân Thiện đi qua 2 xã Tân Thành, Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) và 6 phường xã thuộc thị xã La Gi.

Ngoài ra, tỉnh cũng lập kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.

Bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ, hiện nay dự án sân bay Phan Thiết cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Thu hút đầu tư rộng mở

Với chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, La Gi đã và đang thu hút dòng vốn đầu tư với loạt dự án tỉ đô. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, thị xã La Gi hiện có 40 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích khoảng 565 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.411 tỉ đồng. Khu vực Nam Bình Thuận hiện đang được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như AES (Virginia, Mỹ), liên doanh Becamex - VSIP… đầu tư các dự án quy mô.

Theo một đại diện CBRE Việt Nam, sự hình thành của các khu công nghiệp lớn cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ giúp La Gi thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ về đầu tư với dòng vốn hàng tỉ USD, đưa nơi đây dự đoán sẽ trở thành điểm đến số 1 của dòng vốn FDI.

Nhằm bắt kịp tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực khi lên thành phố, thời gian vừa qua đã có không ít các nhà phát triển bất động sản đầu tư và phát triển các dự án khu dân cư, phức hợp đô thị tại đây. Sự xuất hiện của loạt dự án tương lai sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - thương mại - dịch vụ của tỉnh. Từ đó giúp La Gi nhanh chóng đạt được các chỉ tiêu tiến hành lên thành phố vào năm 2025 tới đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.