(Tin Nóng) Nga không kích quân khủng bố ở Syria chủ yếu bằng máy bay ném bom và tấn công cũ kỹ loại Su-24 và Su-25 đều trên 30 năm tuổi, bom sử dụng cũng là hàng từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn đánh trúng chính xác mục tiêu dù bay cao trên 5.000 m. Đó là nhờ thiết bị đặc biệt gắn trên máy bay: SVP-24.
Máy bay ném bom Su-34 của Nga thả bom thông thường ở Syria, nhưng rơi chính xác vào mục tiêu như bom thông minh, nhờ có trang bị hệ thống SVP-24 trên máy bay - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Theo blog The Saker (Mỹ) ngày 29.12.2015, Không quân Nga xuất kích mỗi ngày gấp 3 lần so với máy bay liên quân ở Syria, ném bom trúng mục tiêu của IS và các nhóm khủng bố khác rất chính xác, dù máy bay và cả bom đều thuộc hàng rất cũ. Chẳng hạn máy bay ném bom Su-24 hoạt động từ năm 1974, Su-25 từ năm 1981. Chỉ có Su-34 và Su-30SM là loại mới, tác chiến ở Syria chủ yếu là thử nghiệm. Máy bay ném bom chiến lược như Tu-22 cũng có từ thời Liên Xô.
Còn bom từ máy bay ném xuống hầu hết là có từ thời Chiến tranh Lạnh, đầy ắp trong các kho vũ khí của Nga.
Phía liên quân do Mỹ dẫn đầu chủ yếu xài bom thông minh đắt tiền, nhưng về hiệu quả thì bom thường của Nga cũng đánh trúng chính xác mục tiêu như bom thông minh của Mỹ, dù máy bay Nga phải bay cao trên 5.000 m tránh tên lửa phòng không vác vai của phiến quân và chủ yếu bay vào ban đêm, trong thời tiết xấu.
Bí mật của việc này là từ hệ thống máy tính SPV-24 lắp trên các máy bay của Nga, giúp biến bom thường thành bom thông minh.
Bom thông thường của Nga sử dụng ở Syria chủ yếu có công nghệ như thời Thế chiến II, rơi xuống mục tiêu nhờ trọng lực của nó. Tuy nhiên loại bom thông thường khi thả xuống, do nhiều yếu tố tác động như sức gió hoặc thời điểm thả tính sai chỉ 1 giây cũng khiến quả bom rơi cách mục tiêu ít nhất 600 - 800 m.
Nhiều nước đã nghiên cứu chế tạo loại bom chính xác gồm bom hướng dẫn bằng laser hoặc bom hướng dẫn bằng vô tuyến truyền hình.
Bom hướng dẫn bằng laser hoạt động theo cách phi công (hoặc nhóm tác chiến trên mặt đất) chiếu tia laser vào mục tiêu, và quả bom sẽ bay theo hướng mà tia laser rọi đến. Còn bom hướng dẫn bằng TV thì gắn 1 camera đầu bom, sĩ quan điều khiển vũ khí sẽ nhìn hình ảnh camera truyền về để hướng quả bom rơi chính xác vào mục tiêu.
Tuy vậy nếu có mây mù thì laser chiếu không chính xác hoặc camera bị ảnh hưởng, bom hướng dẫn laser hay TV cũng bị rơi sai mục tiêu. Thời tiết bất lợi cũng sẽ ảnh hưởng đến 2 loại bom này.
|
Máy bay Su-24 (trên) và Su-25 (dưới) của Nga tham chiến tại Syria đã có thời gian hoạt động trên 30 năm - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Việc hướng dẫn bom bằng vệ tinh được xem là đột phá cho các vũ khí có điều khiển, đó là sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS (Mỹ) hoặc GLONASS (của Nga) giúp bom rơi chính xác vào mục tiêu, bất chấp điều kiện thời tiết. Vấn đề là bom dẫn đường bằng vệ tinh rất đắt tiền, trong khi trong kho thì đầy ắp bom thông thường và giá thành rẻ.
Người Mỹ nghĩ ra cách tận dụng số bom thông thường bằng cách gắn thêm một thiết bị lên quả bom, biến bom thường thành bom thông minh (JDAM). Tuy nhiên thiết bị này rất đắt tiền: 25.000 USD/bộ.
Người Nga có cách giải quyết rẻ tiền hơn khi biến bom thường thành bom thông minh. Đó là lắp đặt hệ thống máy tính mang tên SVP-24 lên máy bay. Hệ thống này tính toán so sánh vị trí của máy bay với mục tiêu cần ném bom thông qua định vị vệ tinh GLONASS, tính toán điều kiện môi trường (áp suất không khí, độ ẩm, sức gió, tốc độ bay, góc tấn công v.v). SPV-24 cũng nhận thông tin truyền từ các máy bay cảnh báo sớm, trạm liên lạc mặt đất và các máy bay khác. Sau đó hệ thống này sẽ ra được các thông số cần thiết cho 1 quả bom (tốc độ rơi, độ cao…) để rơi trúng mục tiêu và tự động thả quả bom rơi xuống mục tiêu mà không cần đến phi công. Độ sai lệch mục tiêu chỉ 3-5 m.
Như vậy nhờ SPV-24 mà máy bay hơn 30 năm tuổi của Nga ném những quả bom cũng trên 30 năm tuổi rơi trúng mục tiêu chính xác như bom thông minh do các chiến đấu cơ hay máy bay ném bom đời mới nhất thực hiện.
Nhờ thiết bị này mà phi công cũng chẳng phải lo lắng về việc tập trung vào quá nhiều thứ khi tác chiến, giờ đây anh ta chỉ việc bay đến mục tiêu, bom sẽ do hệ thống SPV-24 tự tính toán và thả. Phi công chỉ còn tập trung quan sát các mục tiêu thù địch có thể tấn công mình như máy bay hay tên lửa đối phương. Ở độ cao trên 5.000 m thì máy bay Nga khỏi lo tên lửa mang vác (MANPAD) bắn tới, và khói hay mây mù cũng chẳng còn cản trở quả bom rơi xuống mục tiêu.
Hệ thống SVP-24 tại triển lãm hàng không MAKS 2005 ở căn cứ Zhukovsky - Ảnh: Bastion-karpenko.ru |
Bom KAB gắn trên Su-25 là bom thông thường, có tuổi đời cũng trên 30 năm nhưng biến thành bom thông minh nhờ hệ thống SVP-24 gắn trên các máy bay chiến đấu của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Đây là giải pháp cực kỳ tiện lợi của Không quân Nga khi giải quyết được khối lượng bom thông thường thời Chiến tranh Lạnh đang chất đầy các kho quân nhu. Ngoài ra SPV-24 lắp trên máy bay chứ không phải trên quả bom nên hệ thống này sử dụng được lâu dài.
Theo The Saker, SVP-24 được cho đã lắp trên các loại máy bay Su-24, Su-25, oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22M3 Backfire, trực thăng vũ trang Ka-50 và Ka-52, tiêm kích MiG-27 và cả máy bay huấn luyện chiến đấu L-39. Thậm chí có tin trực thăng vũ trang loại Mi-24 và Mi-35M Nga bố trí ở Latakia (Syria) cũng có SVP-24.
The Saker cũng cho biết công ty sản xuất ra SVP-24 phải cạnh tranh khốc liệt để được Bộ Quốc phòng Nga chọn mua trang bị cho các máy bay.
Xem các loại bom thông thường Nga sử dụng trên chiến trường Syria:
|
Anh Sơn
>> Ba năm, Nga giao cho nước ngoài 57 máy bay quân sự
>> Nga sẽ sản xuất hàng loạt tàu ngầm Lada hiện đại hơn tàu Kilo
>> Tình báo Mỹ lo ngại tên lửa Klub của Hải quân Nga
>> Tên lửa phòng không Tor-M2U Nga vừa chạy vừa bắn trúng mục tiêu
>> 101 năm thành lập lực lượng máy bay tầm xa Nga
Bình luận (0)