Thiếu nợ tiền tỉ vì học thạc sĩ, nhiều người vẫn không hối hận

Khánh An
Khánh An
10/07/2019 19:04 GMT+7

Chi phí lớn cho việc học thạc sĩ tại các trường kinh doanh nổi tiếng giúp nhiều người tìm được việc làm với thu nhập cao.

Theo CNBC, tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại các trường danh tiếng được xem là điều kiện thuận lợi để xin việc tại những tập đoàn hàng đầu, nhưng ít người biết khoản chi phí mà sinh viên phải chi trả.
Khảo sát của Bloomberg dựa trên hơn 10.000 thạc sĩ tốt nghiệp năm 2018 tại 126 trường ở nhiều nước cho thấy số nợ lớn mà họ vay mượn để kiếm được tấm bằng. Theo đó, gần phân nửa sinh viên tại các trường kinh doanh hàng đầu trên thế giới phải vay mượn ít nhất 100.000 USD (2,32 tỉ đồng) để hoàn tất khóa học thạc sĩ.
Tại Mỹ, khoảng 40% sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại các trường Duke, Dartmouth, Michigan, Cornell và Chicago thiếu nợ ít nhất 100.000 USD. Tỷ lệ này là khoảng 1/3 tại các trường MIT, Đại học Pennsylvania, New York và Northwestern.
Tuy nhiên, khảo sát lại cho thấy lý do nhiều sinh viên sẵn sàng vay nợ để hoàn tất chương trình thạc sĩ. Những người tốt nghiệp tại 26 trường có ít nhất 20% sinh viên vay nợ 100.000 USD sau đó đã tìm được việc làm với mức lương trung bình từ 80.000-140.000 USD/năm.
Các sinh viên thấy rõ sự liên quan giữa chi phí bỏ ra và lợi ích về sau. Mike Sanchez, một nhân viên ngân hàng từng tốt nghiệp tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago cho biết anh không coi việc vay 110.000 USD để đi học là một trở ngại.
Các sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ tại trường này vào năm ngoái có mức lương trung bình khoảng 130.000 USD/năm.
Tuy nhiên, không phải mọi sinh viên tốt nghiệp đều thấy tấm bằng có giá trị. Khảo sát của Gallup cho thấy trong số hơn 4.000 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy chỉ có 23% tốt nghiệp trường luật cho biết số tiền bỏ ra là xứng đáng. Tỷ lệ này là 58% tại các trường y.
Trong khi đó, liên quan đến bằng cử nhân, hơn 1/4 số người Mỹ tốt nghiệp tỏ ra hối tiếc vì đã vay những khoản học phí mà họ khó có thể chi trả.
Những người thuộc thế hệ Y (những người sinh ra trong giai đoạn từ 1981-1997) cho biết rất hối hận với các lựa chọn tài chính không khôn ngoan của mình. Tiếp đến là thế hệ X (năm sinh 1961-1981) và ngay cả một số người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Baby Boomer (1946-1964) cũng nói rằng các món nợ thời đại học là nguyên nhân khiến họ hối tiếc, theo RT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.