Thổ Nhĩ Kỳ “đóng băng” quan hệ với Pháp

24/12/2011 00:48 GMT+7

Ngày 23.12, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp Tahsin Burcuoglu đã rời Paris do tranh cãi liên quan đến vụ thảm sát Armenia (1915-1917).

Ngày 23.12, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp Tahsin Burcuoglu đã rời Paris do tranh cãi liên quan đến vụ thảm sát Armenia (1915-1917).

Đây được xem là động thái trả đũa đầu tiên từ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Hạ viện Pháp thông qua dự luật liên quan đến vụ thảm sát. Các tài liệu lịch sử của Armenia khẳng định có khoảng 1,5 triệu dân nước này bị giết tại lãnh thổ của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) trong giai đoạn 1915-1917 và đây là một vụ diệt chủng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thừa nhận đã có 500.000 người Armenia chết trong các cuộc chiến khi đó, nhưng khẳng định không cố ý thảm sát và cực lực phản đối từ “diệt chủng”.

Dự luật mới ở Pháp quy định những ai bác bỏ vụ thảm sát là diệt chủng sẽ bị phạt tối đa 45.000 euro và 1 năm tù giam, theo tờ Le Monde. Đáp trả lại, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua cáo buộc Pháp phạm tội diệt chủng tại Algeria vì “khoảng 15% dân số nước này bị Pháp giết hại trong giai đoạn xâm chiếm thuộc địa từ sau năm 1945”. Nhiều chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn “lấy điểm” với khoảng 500.000 cử tri gốc Armenia trước thềm bầu cử 2012.


Phản đối dự luật gây tranh cãi tại Paris - Ảnh: AFP 

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo hoãn công du ngoại giao, hủy hợp tác quân sự song phương và đã bắt đầu cấm tàu chiến Pháp cập cảng nước này. Thủ tướng Erdogan “hứa hẹn” sẽ còn các biện pháp tiếp theo, liên quan đến kinh tế, văn hóa, đặc biệt nếu dự luật Armenia được Thượng viện thông qua. Ngược lại, Tổng thống Sarkozy hôm qua kêu gọi Ankara “tôn trọng quan điểm của mỗi bên”.

Khủng hoảng ngoại giao sẽ gây hậu quả nặng nề cho Pháp. Ankara hiện được xem là đồng minh và đối tác chiến lược của Paris trong các vấn đề Syria, Afghanistan, Iran. Tờ Le Figaro dẫn thông cáo của Phòng Thương mại Pháp - Thổ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu thứ 3 của Pháp, chỉ sau EU và Thụy Sĩ. Nhiều dự án hợp tác, như việc Tập đoàn năng lượng Areva dự định ký hợp đồng xây dựng trung tâm điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gặp trở ngại.

Tại Pháp, nhiều chính trị gia, cả tả lẫn hữu cùng các sử gia đã phản đối dự luật Armenia vì cho rằng giới lập pháp và tư pháp không có quyền “đóng khuôn” lịch sử. Thượng nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền UMP Gérard Larcher cho biết ông sẽ không ủng hộ khi dự luật được đưa ra Thượng viện.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.