Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 2: Bán hàng theo kiểu... Thổ Nhĩ Kỳ

07/10/2014 03:00 GMT+7

Tôi nói bán hàng theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là vì, nó khác với kiểu bán hàng của VN. Nếu ở ta luôn kêu gọi niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết thì Thổ Nhĩ Kỳ ngược lại, niêm yết giá rất cao và bán giá rất thấp.

Niềm vui... mặc cả

 
Giới thiệu sản phẩm đồ da Leattherium - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

Năm trước, sau khi rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), tôi tự nhủ, nhất định phải quay lại đây ít nhất là một lần nữa.

Sự cám dỗ của nó bắt đầu từ trong lòng đất, nơi các thành phố cổ gắn liền với vô vàn truyền thuyết mà chúng ta mới chỉ được biết qua sách vở và phim ảnh. Nhưng lần này quay lại, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi lại thuộc về những con người hiện đại, những con người mà dân du lịch thường tiếp xúc như là một phần không thể thiếu của chuyến đi: người bán hàng.

Danh xưng TNK trong tiếng Việt bắt nguồn từ dịch danh Trung văn của quốc hiệu TNK. Quen miệng mà gọi chứ tên thật của nó là Turkey.

Có lẽ do sự pha trộn Âu - Á nên người TNK rất đẹp. Chúng ta từng biết đến những anh chàng bị trục xuất vì quá đẹp trai, nhưng có thể nhiều người chưa biết, hầu như anh chàng bán hàng nào cũng đẹp trai cỡ người mẫu cả (bên đó phụ nữ đều ở nhà nội trợ).

Trước khi đi, nhiều người đã khuyên chúng tôi, mua hàng ở TNK phải trả thấp xuống ít nhất là 25%. Cô Cibel, tên gọi thân mật là Sisi, người bản địa, nói rằng mặc cả là nét đặc trưng về mua bán ở đây. Không chỉ 25% mà thấp nữa, có khi đến 70% họ vẫn bán. Vì sao thế? - tôi hỏi. Vì mặc cả tạo ra niềm vui, khi khách hàng mua được món hàng giá thấp (thực ra là giá họ định bán) họ sẽ có cảm giác như là đã chiến thắng người bán và mình đã mua được một món hời, sướng lâng lâng - Sisi cười.

Từ Grand Bazaar, chợ cổ lớn nhất Istanbul có lịch sử hơn 500 năm với hơn 3.000 gian hàng bán đủ loại thảm, đồ da, quà lưu niệm... cho đến khu mua sắm Taxim và các cửa hàng bán đồ thương hiệu mạnh... tất tần tật đều phải... mặc cả.

Hôm ở chợ, anh Trí cùng đoàn mua cả chục chuỗi hạt đeo tay được chế tác rất tinh xảo và phối màu rất đẹp với giá mỗi chuỗi 1 lira (10.000 đồng). Anh với tôi đang bàn luận, không hiểu tại sao họ làm ra thứ đẹp thế này lại bán giá rẻ thế kia, ngay cả công họ xâu chỗi hạt tinh xảo đó cũng đã đáng 10.000 đồng. Chị Ngọc trong đoàn biết được mới la vì sao không mặc cả. Trí nói, nó rẻ thế rồi mặc cả chi nữa? Chị Ngọc giở cái túi giấy ra, bảo chị mua 3 chuỗi chỉ... 1 lira nhưng 6 chuỗi khuyến mãi thêm 1 chuỗi!

Khách hàng là... thượng đế

Nhiều người từng nghe danh về sản phẩm đồ da, thảm và gốm trứ danh của TNK, nhưng chắc cũng nhiều người chưa lường được cái giá của nó. Sở hữu một vật phẩm ở đây, với thu nhập của người Việt thì phải đấu tranh để quyết định chọn sự yêu thích hay hao mòn túi tiền. Có điều, với cách bán và chất lượng hàng của họ thì hiếm khi mà “thoát” nổi.

Tại trung tâm thương hiệu đồ da nổi tiếng Leattherium ở Kusadasi, trước khi mua sắm, chúng tôi được xem một show biểu diễn thời trang. Trong khi người mẫu chuyên nghiệp diễn thì nhiều chuyên gia của họ lượn lờ xung quanh. Sau đó, họ mời khách hàng vào phòng, đưa cho mỗi người một cái áo da rồi bước ra sàn diễn cùng người mẫu của họ y như mình cũng là người mẫu. Mấy ai trong đời được bước lên sàn diễn hoành tráng như nơi này, thế là đã lắm rồi. Điều làm chúng tôi phục lăn là, sau đó, hầu như ai cũng chọn mua chính cái áo mà mình đã mặc để diễn. Có nghĩa, họ nhìn rất đúng phom người để chọn size và cả kiểu dáng.

Giá mỗi cái áo chúng tôi mặc (cả nam lẫn nữ) chưa phải là cao cấp nhất, đều được treo từ 2.250 - 2.500 USD. Nhưng sau một hồi mặc cả, giá bán cuối cùng bình quân khoảng 700 USD, tức chưa đến một phần ba. Trả tiền xong, những chuyên gia của họ nhìn từng người mặc rồi chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ cho hoàn chỉnh. Bỏ ra một khoản tiền lớn nhưng ai nấy đều hỉ hả như mình đã mua được một món hời.

Ở trung tâm đồ gốm sứ hay thảm cũng thế. Khi khách hàng vào, họ tận tình hướng dẫn từng công đoạn làm thủ công cho đến khi hoàn chỉnh sản phẩm. Khách hàng cứ tham quan, không mua cũng vui như tết. Có điều ít khi “dứt áo ra đi” được.

Một tấm thảm của Blu Art cỡ bằng chiếc chiếu của ta được dệt bằng lụa tơ tằm có giá gần 22.000 USD, tất nhiên có thể trả xuống. Ví như anh Thọ quẹt thẻ để trả một tấm thảm cỡ 60 cm x 87 cm với giá 1.600 USD trong khi giá treo là 2.700 USD.

Mặc cả thoải mái, lựa chọn tùy thích, đổi đi đổi lại đều được phục vụ tận tình, không mua cũng vui vẻ, không có chuyện cằn nhằn hay đốt giấy xua vía như nhiều chợ của ta. Đó là điều khác biệt.

Là một nước nằm trên cả lục địa Âu - Á, phần lãnh thổ chính tại bán đảo Anatolia phía tây nam châu Á, một phần nhỏ diện tích ở vùng Balkan phía đông nam châu Âu. TNK có chung biên giới với Bulgary ở phía tây bắc; Hy Lạp phía tây; Gruzia, Armenia và phần Nakhichevan của Azerbaijan ở phía đông bắc; Iran phía đông; Iraq và Syria phía đông nam. Ngoài ra, nước này còn có biên giới với biển Đen ở phía bắc; biển Aegae và biển Marmara phía tây; Địa Trung Hải phía nam. Ở vị trí địa lý “nhạy cảm” này nên khi nói rằng TNK là cái “chợ tình báo”, chúng tôi cũng chẳng lấy làm lạ.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Nỗ lực Thổ Nhĩ Kỳ
>> Cannes của... Thổ Nhĩ Kỳ
>> Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc “vụ án thế kỷ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.