Thợ Việt trên sa mạc Sahara - Bài 1: Sắt bỏng và bão cát

28/07/2010 00:32 GMT+7

Dưới đây là những câu chuyện chân thực về cuộc sống của những người công nhân VN đang làm việc tại Libya. Không phải là nhà báo chuyên nghiệp, tác giả đã tự tay viết lại những điều tận mắt anh chứng kiến, và hơn thế nữa, tự mình nếm trải khi làm việc trên một công trường xây dựng ở Bắc Phi.

Công trường như cái chảo mỡ, không một bóng cây nào. Đứng không đã chảy hết ra rồi. Gió nóng thổi phì phì. Đi qua một lò gạch giữa trưa ở VN thế nào thì ở đây nó thế. Hở chỗ nào ra là cháy hết chỗ ấy.

1 giờ 15 phút trưa tháng sáu trong phòng trọ trại Souq Al Ahad, thợ mộc Minh, 41 tuổi, quê Hà Tây cũ, chuẩn bị đi làm ca chiều. Mặc quần chùng quá gót chân, xỏ áo dài kín hết cánh tay, chân đi giày sắt bảo hộ, tay đeo găng đỏ, miệng che khẩu trang, mắt đeo kính râm đen, đầu trùm một khăn vuông kẻ ô to phủ đến bả vai, chụp lên trên chiếc mũ tai bèo, anh bước ra ngoài, xách một hộp hình vuông lõi là một chai nhựa đựng 2 lít nước trắng, vỏ là xốp dày bọc kín vuông vức, lại được quấn băng dính nâu vòng quanh hệt một lớp sơn ngoài cùng. Đeo cái “giỏ nước” ấy lủng lẳng trên lưng, nếu cởi bỏ chiếc áo vét phản quang màu đỏ và chiếc mũ bảo hộ vàng, có lẽ sẽ không biết anh chuẩn bị ra công trường, hay là sắp đi bắt cua đồng trưa hè nữa.

“Ai cũng thế, ở đây ai cũng thế! Ra ngoài trời sẽ biết. Công trường như cái chảo mỡ, không một bóng cây nào. Đứng không đã chảy hết ra rồi. Gió nóng thổi phì phì. Đi qua một lò gạch giữa trưa ở VN thế nào thì ở đây nó thế. Hở chỗ nào ra là cháy hết chỗ ấy”, Minh giải thích.

Quả thật bước ra khỏi hiên dãy trọ mới thấy hàng tốp áo đỏ mũ vàng 1.000 công nhân nhòe đi theo cái hơi nóng trong không khí trước mắt. Họ đang ra công trường để cháy cùng mùa hè Bắc Phi.

“Tôi làm cốp pha mái trên tầng. Phải quét dầu mazut để lúc đổ bê tông không bị dính ván. Ăn trưa xong mà lên đứng trên trần giữa giời, dầu nó bốc lên váng đầu, chảy máu cam. Có người say nắng thẳng cẳng ở trên sàn. Thế mà mãi cũng phải quen”, Khoái, 39 tuổi, người đã đóng gần 600 bộ cốp pha trong dự án 2.500 ngôi nhà này kể.

Thọ, 36 tuổi, quê Nghệ An: “Tui làm chống thấm trên trần. Cứ một người cầm cần vòi xịt lửa ga, hơ giấy dầu cho chảy nhựa ra, một người ngồi giật lùi ép giấy xuống sàn bê tông. Gớm, không biết là nắng hay là lửa nó phả vào mặt nữa”.

Bước xuống một tổ đang ghép cốp pha cột, anh công nhân Tuyên, người Hà Tây cũ, dắt tay tôi, ấn vào thanh sắt chống cột to bằng bắp chân rồi cười hềnh hệch khi thấy tôi giật nảy tay ra. Đốc công Hà, đã sang Libya được 8 tháng nói: “Năm 2007, tôi đi Dubai, làm thợ sắt. Sáng mở mắt ra, mặt trời to đúng bằng cái mâm. Trưa ngủ dậy, bước chân ra khỏi phòng là muốn quay đầu vào ngay lại. Công trường nóng như cái lò rèn. Làm sắt phi 32, để ngoài giời nó nóng, phải khênh, đặt lên vai, vác, xếp rồi buộc sắt. Chiều tối về phòng trọ muốn tắm mà nước cũng nóng như nước sôi. Nhiều anh em nóng quá xin về trước hạn hợp đồng”.

“3 năm trước, em đi làm thợ hàn xì ở Doha, Qatar. Mùa hè mỗi ngày công ty có chở một xe sữa dê đến công trường. Lúc đầu uống sữa đấy khó chịu, không quen, mặn, lại chua lại chát. Sau ai cũng phải tập để thành quen vì uống sữa ấy bảo là tốt hơn cả sữa bò, lại tránh mất nước”, Thuận, 25 tuổi, thợ ống nước kể.

Từ ngoài công trường trở về lúc chiều tối, phịch xuống chiếc ghế gỗ phòng trọ, chờ viên C sủi tan trong cốc nước lọc, thợ trát tên Nhâm, 28 tuổi, quê Thái Bình, phờ người: “Mệt quá, uống quá nhiều nước, người rã ra. Thế này chưa bằng những hôm có bão cát. Có bão cát, tất cả thành chuột hết!”.

Bão cát ngập công trường

11 giờ đêm 16.5.2010 ở trại Souq Al Ahad, Nhâm mở cửa phòng, bước ra hành lang hẹp dẫn đến khu vệ sinh chung, thấy quần, áo, khăn mặt, bít tất sóng soài ngổn ngang, lẫn lộn với cát bẩn trên sàn bê tông. Cát theo gió thộc vào sâu trong hẻm hành lang khu nhà trọ tạm bợ, dày bằng đốt ngón tay dưới các góc tường. Bên ngoài, bão mù mịt cơn nọ nối tiếp cơn kia, tất cả một màu xám xịt, không thấy gì, chỉ có cát vàng và gió nóng. Gió giật đùng đùng hệt như biển động. Mặt đất tỉnh Tarhoona, tây bắc Libya bắt đầu trơ trọi chịu trận bão cát kéo về từ ban chiều.

Thợ mộc Minh lại kể: “Năm 1992, làng tôi (làng Hương Ngải, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội - NV) có 300 người đi làm ống nước ở Libya này, khi về có gần 150 người bị bệnh phổi, chữa 9 tháng mới khỏi. Trong đó có 2 ông anh đồng hao với tôi. Làm ngoài giời bụi cát, lại không che chắn gì...”.

Toàn công trường được lệnh ngừng việc vì bão cát. Mọi người trở về khu phòng trọ. Mở cửa phòng mình, Trung thấy ca, cốc, thìa, bình nước, vật dụng lặt vặt toàn cát là cát. Tầng 2 chiếc giường sắt, nơi ngủ của anh, chăn, drap, gối, quần áo, đồ dùng cá nhân cũng sạn những cát là cát. Một tấm xốp trần nhà đã bị rơi ra khỏi khối trần, theo đó cát đổ vào trong căn phòng trọ lợp mái tôn lượn sóng. “Có giường, có phòng mà như giữa giời. Tạm bợ! Phòng trọ là nơi trú ẩn cuối cùng sau khi đã làm việc vất vả ngoài trời. Ấy thế mà đã không được như ở nhà, lại chẳng thể che chở một cách tối thiểu con người khỏi thiên nhiên. Thật giống với cách con người thời nguyên thủy đã làm để tồn tại. Họ đốt lửa, họ gác dăm cây củi, họ rắc những cỏ khô lên trên. Thế là nhà. Ở đây chẳng khác mấy!”.

“Tôi thấy ở đây bão cát một năm có khoảng năm, sáu lần, mỗi lần kéo dài khoảng trong 3 ngày. Còn những trận bão bụi, gió cát nhẹ thì hầu như quanh năm, cứ 12-13 ngày lại có một lần. Ở đây tính thời gian bằng những trận bão cát với những đợt gió nóng. Không phải ngày nào cũng nóng như thế, mà từ tháng 6 đến tháng 10 là nắng nóng cùng cực”, trưởng ban đời sống trại Souq Al Ahad Ngô Đức Mẫn cho biết.

“Làm công trường vất vả, khác làm trong nhà máy. Tôi từng đi làm bên Singapore, Malaysia, Đài Loan đều làm trong nhà máy. Chỉ đứng vận hành máy, nhẹ nhàng, sạch sẽ, có chia ca nhưng không bụi bặm, cực nhọc như ở đây. Sang bên này mình cảm thấy như là người châu Phi. Buổi sáng bò lên sườn núi làm như một cái máy, quần quật đến 12 giờ trưa về phòng. Vội vàng đi ăn cơm, tranh thủ ngủ. 1 giờ 10 lại ra ngoài giời làm đến hơn 6 giờ tối mới về phòng. Về phòng chỉ đi ăn rồi ngủ, không có chơi bời giải trí gì, sáng hôm sau lại tiếp tục”, công nhân tên Quyền, 27 tuổi, người Hải Dương kể.

Trong một buổi tối ngồi nói chuyện tâm sự, ông Mustafa Tirelioglu, kỹ sư công trường thô hỏi đốc công Trung: "Tại sao công nhân VN, có người già rồi, trên 50 tuổi vẫn sang đây?". Lúc ấy anh ngồi lặng, câu hỏi ấy khó trả lời cho hết nhẽ lắm. Vài hôm sau, khi lấy chữ ký của anh em công nhân, Trung thấy một chữ “t” hoa được vẽ nắn nót hệt chữ “t” hoa mà người công nhân hơn 40 tuổi đời ấy được dạy viết từ hồi còn đi học tiểu học. Anh thợ mộc ấy thôi học từ khi hết lớp 2 tiểu học.

Khuôn mặt hốc hác, vêu vẩu, cánh tay lẳng ngoẳng, đầu gối nhô xương lồi lõm, trông hoàn toàn khác với hình ảnh trước khi đi Libya, thợ xây sinh năm 1985 tên Đĩnh nói: “Lương thợ xây cao nhất công trường Souq Al Ahad cũng chỉ gần 600 USD, nhưng làm khoán: mỗi ngày xây 280 viên gạch 10 (dày 10 cm - NV), 200 viên gạch 15 (cm) và 140 viên gạch 20 (cm) thì mới được 600 USD. Gạch 10 nặng gấp 3 lần viên gạch lục ở mình. Gạch 20 nặng 10 kg một viên. Mình ở nhà không được học hành, không bằng cấp, làm gì ra mỗi tháng được chục triệu. Về bây giờ biết làm gì ra tiền. Nếu được ký lại hợp đồng, tôi cũng ký 2 năm nữa”.

Phóng sự của Phan Nhân
 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.